Chưa chắc! Và cũng chưa ai chứng minh rằng nó sẽ vận hành tốt, đáp ứng được cơn “khát nước” mùa hạn mặn của đồng bằng, rồi thời gian có bền lâu không. Trong khi trước mắt không cần chứng minh, một lão nông bình thường ở miền Tây cũng có thể chỉ ra rằng nó không phù hợp, không thích nghi và nó quá tốn tiền của từ ngân sách nhà nước.
Đồng bằng này có những dạng trữ nước tự nhiên lên đến hơn 5 tỷ mét khối nước hàng năm từ các lung nước tự nhiên, cộng với hàng tỷ mét khối nước được trữ trong các ao đìa do người dân tự đào. Cùng rất nhiều hình thức trữ nước truyền thống dân gian, rất linh hoạt, linh động. Những hình thức trữ nước tự nhiên, linh hoạt, không tốn kém, hoặc rất ít tốn kém đã không còn nữa.
Hơn thế nữa, người ta còn “mập mờ” giữa khái niệm, công năng của hồ chứa nước sinh hoạt và hồ chứa nước sản xuất. Bởi nếu tách bạch 2 cái này ra, thì các hồ chứa nước chưa chắc là giải pháp tối ưu. Bởi hồ trữ nước là mô hình tĩnh, nó chỉ có thể cung cấp nước tại chỗ, nhưng để phục vụ tưới tiêu thì người ta chưa tính toán đến cả một hệ thống dẫn nước kết nối từ các hồ này đến từng mảnh vườn, thửa ruộng của người dân. Nên thực tế, các dự án có con số chi phí chỉ là mới cho cái vỏ hồ mà thôi. Lại phải tốn thêm cả hệ thống phức tạp đường dẫn ra toàn khu vực.
Theo cái đà địa phương nào cũng đang dấy lên phong trào xây hồ trữ nước, thì tiền của bao nhiêu chưa tính được nhưng sẽ có hàng trăm ngàn hecta đất bị đào lên xây hồ, cùng với đó là tình trạng “loang lổ” và mất đi vĩnh viễn của một hệ sinh thái trên cạn của đồng bằng. Như vậy là cùng với hệ sinh thái sông ngòi đang dần cạn kiệt, con người sẽ tiếp tay hủy hoại những thảm thực vật trên cạn ở đồng bằng này. Còn hệ lụy về trăm năm sau nữa, thì chưa ai chứng minh được đâu.
Đồng bằng này mấy trăm năm nay, từ thuở làm bằng tay vẫn có thể tạo nên những con sông, con kênh hàng trăm cây số dẫn nước, vừa tháo chua rửa phèn khai hoang đất đai, vừa dẫn nước vào đồng, cho tới giờ này phương thức này vẫn chứng tỏ tính linh hoạt, tính hiệu quả của nó. Trong khi ngày nay chúng ta dễ dàng tạo những hệ thống đường nước nhân tạo, hệ thống kết nối giữa vùng nước ngọt quanh năm đến các vùng lợ, vùng mặn.
Trong các cuộc hội thảo trực tuyến kết nối nông dân Việt Nam và các chuyên gia Úc, được biết, hệ thống đường ống dẫn nước lên đến hàng ngàn cây số của nước Úc có thể cung ứng nước cho nông dân một cách chủ động và được đăng ký trước mỗi mùa vụ khi có dự báo hạn hán. Còn với nước sinh hoạt, thì với tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày nay, không khó để giải quyết vấn đề cho một số vùng mặn cực đoan của đồng bằng. Hệ thống này chỉ kích hoạt những năm, những thời điểm khô kiệt căng thẳng, xâm nhập mặn diễn ra diện rộng, nó sẽ ít tốn kém hơn nhiều.
Hồ trữ nước phải được vận hành, bảo trì, bảo dưỡng quanh năm, một đội ngũ phục vụ các hồ nước khổng lồ này là không hề đơn giản. Trong khi sự cần thiết của nó chỉ là những khoảng thời gian ngắn. Hàng trăm ngàn tỷ đồng xây hồ khắp nơi, cũng sẽ là ngần ấy tiền sẽ tốn kém để “nuôi hồ nước” theo với thời gian lâu dài về sau.
Cùng với đó, chúng ta cần cẩn trọng với 2 siêu dự án hồ chứa nước ở Tháp Mười và miệt Hậu Giang. Để rồi coi, tiêu tốn tiền hàng chục ngàn tỷ đồng và phá hủy một vùng sinh thái rộng lớn là nguy hại nhìn thấy trước mắt, chưa tính những hệ lụy phát sinh về lâu dài, còn tác dụng của nó đến đâu thì chưa biết.
Hailua@.com
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin