(VLO) UBND đã công bố Đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu lò gạch, gốm huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đến năm 2045. Đồ án nhằm hiện thực hoá chủ trương xây dựng khu vực bảo tồn và phát triển di sản làng nghề gạch, gốm Mang Thít đã có lịch sử truyền thống hơn 100 năm. Đây là cơ sở đưa làng nghề gạch, gốm đỏ Mang Thít trở thành di sản văn hoá đương đại trong tương lai.
Gốm đỏ Vĩnh Long không chỉ là sản phẩm vật liệu xây dựng, trang trí mà còn là biểu tượng văn hóa, nghệ thuật. |
Làng nghề gạch và gốm đỏ Mang Thít, một trong những sản phẩm thủ công truyền thống nổi bật của Việt Nam, đang ngày càng thu hút sự chú ý nhờ chất lượng, giá trị thẩm mỹ và tính bền vững. Sự kỳ vọng mới đối với các sản phẩm này không chỉ nằm ở việc bảo tồn nghề truyền thống mà còn ở khả năng phát triển thành những mặt hàng mang giá trị kinh tế và văn hóa cao.
Theo đó, gạch, gốm đỏ của làng nghề có ứng dụng trong kiến trúc xanh và bền vững. Gạch và gốm đỏ có khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu nhiệt đới nhờ tính thoáng khí, cách nhiệt và độ bền cao. Hiện nay, nhu cầu về vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường đang gia tăng, tạo cơ hội lớn để gạch và gốm đỏ trở thành lựa chọn ưu tiên trong kiến trúc xanh.
Trong khi đó, hiện các công ty, cơ sở sản xuất đang từng ngày đổi mới thiết kế và công nghệ sản xuất. Qua đó, đã kết hợp truyền thống với hiện đại để tạo ra những mẫu gạch, sản phẩm gốm có tính thẩm mỹ cao, phù hợp với thị hiếu quốc tế. Đồng thời đã áp dụng công nghệ nung tiên tiến, giảm thiểu khí thải và tiêu thụ năng lượng, giúp sản phẩm thân thiện hơn với môi trường.
Hiện nay, sản phẩm gạch, gốm đỏ với giá trị văn hóa đặc sắc, gốm đỏ Vĩnh Long có tiềm năng trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực, đặc biệt tại các thị trường như châu Âu và Bắc Mỹ…nơi người tiêu dùng đánh giá cao sự độc đáo và bền vững. Theo đó, xây dựng thương hiệu riêng gắn liền với giá trị văn hóa Việt Nam là một hướng đi đầy triển vọng.
Đặc biệt, ở làng gạch, gốm đỏ Mang Thít, nơi có tiềm năng lớn khi phát triển du lịch làng nghề kết hợp trải nghiệm văn hóa. Theo đó, Vĩnh Long có thể đẩy mạnh phát triển các tour du lịch làng nghề gạch, gốm tại sẽ giúp thúc đẩy kinh tế địa phương và quảng bá sản phẩm làng nghề địa phương. Du khách không chỉ tham quan mà còn được tự tay làm gạch, gốm, mang lại trải nghiệm độc đáo.
Có thể nói, gạch, gốm đỏ Vĩnh Long không chỉ là sản phẩm vật liệu xây dựng mà còn là biểu tượng văn hóa, nghệ thuật. Với chiến lược phát triển đúng đắn, sản phẩm này có thể tiếp tục vươn xa và góp phần nâng cao giá trị thương hiệu Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
Việc nâng làng nghề sản xuất gạch, gốm thành một di sản đương đại là một hướng đi đầy tiềm năng, không chỉ giúp bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo động lực phát triển kinh tế, du lịch và nghệ thuật đương đại.
Để có thể làm được điều này, chúng ta có thể có những giải pháp và định hướng để thực hiện như bảo tồn và tái hiện giá trị truyền thống.
Cụ thể, có thể tư liệu hóa lịch sử và kỹ thuật bằng cách thu thập và lưu giữ tài liệu, hình ảnh, video về quá trình hình thành và phát triển làng nghề gạch, gốm để tạo nguồn tư liệu phục vụ bảo tồn và giáo dục.
Đồng thời đào tạo thế hệ kế thừa, mở các lớp học truyền nghề cho thế hệ trẻ, giúp họ hiểu và yêu quý giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời có thể sáng tạo để phát triển sản phẩm mới; kết hợp kỹ thuật truyền thống với công nghệ hiện đại, nhưng vẫn giữ được hồn cốt nguyên bản của sản phẩm gạch, gốm.
Kết hợp với nghệ thuật đương đại. Có thể mời các nghệ sĩ và nhà thiết kế đương đại tham gia sáng tạo, sử dụng gạch, gốm để làm các công trình nghệ thuật, trang trí nội thất, hay tạo ra các tác phẩm độc đáo. Tổ chức triển lãm và sự kiện nghệ thuật để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước. Phát triển và thiết kế sản phẩm mới có tính sáng tạo cao, ứng dụng cao phù hợp với thị hiếu hiện đại.
Sản phẩm gắn liền với câu chuyện về lịch sử, con người và vùng đất Vĩnh Long. |
Đặc biệt, làng sản xuất gạch, gốm đỏ ở Mang Thít cần xây dựng làng nghề thành điểm đến du lịch văn hóa. Đó là phát triển du lịch trải nghiệm, tổ chức các hoạt động trải nghiệm làm gốm cho du khách, như tự tay tạo hình và nung gạch, gốm.
Xây dựng bảo tàng làng nghề, mô phỏng không gian làm việc xưa, trưng bày sản phẩm qua các thời kỳ để tái hiện sinh động lịch sử và văn hóa của làng nghề. Quan tâm công tác quy hoạch cảnh quan làng nghề, tạo cảnh quan xanh, thân thiện và giàu tính nghệ thuật, giúp làng nghề trở thành một điểm đến hấp dẫn và mang tính biểu tượng….
Ngoài ra, hiện nay, nâng tầm sản phẩm còn có việc cần xác định việc đinh vị sản phẩm gạch, gốm như biểu tượng văn hóa. Làng nghề cần đăng ký nhãn hiệu và bảo hộ địa lý, xây dựng thương hiệu riêng cho gạch, gốm Vĩnh Long, đảm bảo chất lượng và giá trị độc quyền.
Sản phẩm của làng nghề cần gắn kết với văn hóa bản địa, tạo ra các sản phẩm gắn liền với câu chuyện về lịch sử, con người và vùng đất Vĩnh Long, nâng cao giá trị văn hóa và cảm xúc của sản phẩm…
Việc nâng tầm làng nghề sản xuất gạch, gốm Vĩnh Long thành di sản đương đại không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn mà còn mở ra cơ hội kết nối văn hóa, nghệ thuật, kinh tế và cộng đồng. Đây sẽ là một biểu tượng đương đại sống động của Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới.
Nâng tầm làng nghề thành di sản không chỉ đơn thuần là việc bảo tồn mà còn cách tái định hình và làm sống động lại giá trị cũ trong bối cảnh mới. Khi di sản được tích hợp vào đời sống hiện đại và kết nối với thế giới, nó không chỉ giữ được giá trị văn hoá mà còn trở thành nguồn lực phát triển mới, bền vững…
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin