Phỏng vấn: Mùa nước nổi 2024, ngập úng ở ĐBSCL có nặng nề hơn?

06:22, 06/10/2024

(VLO) Lượng nước đổ về ĐBSCL vào mùa nước nổi năm 2024 có cao hơn so với các năm trước, dẫn đến tình trạng ngập úng nặng nề hơn? Vấn đề ngập lụt vùng giữa đồng bằng càng ngày càng nghiêm trọng thì cần có giải pháp gì?

Phóng viên Báo Vĩnh Long phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Thiện- Chuyên gia độc lập về môi trường sinh thái ĐBSCL về các vấn đề trên.

Ông Nguyễn Hữu Thiện- Chuyên gia độc lập về môi trường sinh thái ĐBSCL.

Mùa nước nổi bắt đầu khá muộn

* Thưa ông, xin ông cho biết nhận định, dự báo tình hình; lượng nước đổ về ĐBSCL mùa nước nổi năm nay như thế nào so với các năm trước?

- Thông thường trước đây nước sông Mekong bắt đầu dâng từ cuối tháng 6 đều đặn và đạt đỉnh từ giữa đến cuối tháng 10 rồi bắt đầu hạ dần đến hết tháng 12 thì chuyển sang mùa kiệt cùng với mùa khô.

Nhưng đầu năm 2024, cả lưu vực sông Mekong gồm một phần lãnh thổ của Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Campuchia và ĐBSCL vừa trải qua một mùa khô với thời tiết El Nino nắng nóng kéo dài sang đến đầu mùa mưa.

Do đó lượng mưa đầu mùa mưa năm nay ở các quốc gia thượng nguồn trong lưu vực và ở ĐBSCL khá thấp. Trong bối cảnh đó, các đập thủy điện tích cực lấy nước trữ vào hồ làm cho phần lớn lượng nước mưa đầu mùa bị giữ lại trong hồ. Vì các lý do trên, mùa nước nổi năm nay bắt đầu khá muộn.

Hồi giữa tháng 7, do cơn bão số 2 đổ nước mưa xuống vùng biên giới Lào-Việt nên sau đó cuối tháng 7 lượng nước mưa này chảy về ĐBSCL làm nước dâng cao hơn so với trung bình nhiều năm nhưng không duy trì được do thiếu lượng mưa từ phía thượng nguồn về bổ sung.

Trong tháng 9, mực nước tại Tân Châu và Châu Đốc vẫn dưới trung bình nhiều năm khoảng 0.6m. Cũng trong tháng 9, cơn bão Yagi tàn phá miền Bắc Việt Nam, sau đó đổ nước mưa xuống lưu vực Mekong gây ngập lụt ở Miến Điện, vùng Đông Bắc Thái Lan, và đe dọa ngập lụt Thủ đô Viên Chăn, Lào.

Lượng nước này di chuyển dần về hạ lưu và đã đến ĐBSCL đầu tháng 10 làm mực nước tại Tân Châu, Châu Đốc tăng lên nhưng vẫn còn dưới trung bình nhiều năm khoảng 0.6m, do một phần nước về đã được hấp thu bởi hồ Tonle Sap.

* Căn cứ các nhận định và dự báo như trên, có phải tình hình ngập úng sẽ nặng nề hơn không, thưa ông?

Thông thường hàng năm thì dãy đô thị phía Đông ở từ QL1 ra phía biển gồm Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Ngã Bảy thường bị ngập từ khoảng tháng 8 âl trở đi chủ yếu là do thủy triều kết hợp với nước từ thượng nguồn Mekong đổ về.

Năm nào có lượng nước Mekong đổ về nhiều thì gây ngập nặng hơn cho các thành phố này, nhưng dù nước từ trên đổ về ít thì chỉ riêng thủy triều cũng gây ngập vào khoảng thời gian này.

Các đô thị phía Đông này ảnh hưởng chủ yếu từ chế độ thủy triều biển Đông. Trong một ngày có 2 lần nước lớn và 2 lần nước ròng. Trong một tháng có 2 đợt nước rong vào dịp rằm và 30 âm lịch hàng tháng, mỗi đợt 3-4 ngày.

Trong một năm thì các con nước rong từ rằm tháng 8 tới Tết Âm lịch là cao nhất và trong khoảng tháng 8-10 âl thì trùng với lúc nước sông Mekong ở mức cao do nước thượng nguồn đổ về nên ngập thường xảy ra trong khoảng 3 tháng này.

Những ngày trong đợt nước rong, vào các giờ nước lớn, mực nước cao nhất và gây ngập các đô thị. Đến giờ nước ròng, nước rút ra thì bớt hoặc hết ngập. Do đó các đô thị này thường bị ngập khoảng 5-6 lần mỗi năm.

Năm nay do từ đầu mùa mực nước phía đầu nguồn ở Tân Châu, Châu Đốc vẫn thấp nên dù có lượng nước do bão Yagi đổ về thì vẫn không quá cao. Do đó, việc ngập lụt các đô thị năm nay vào dịp 30/8 này vẫn không cao hơn cùng kỳ âm lịch các năm trước.

Tuy nhiên, theo dự báo, thời tiết có thể chuyển sang trạng thái La Nina trong tháng 10 này với xác suất 70%. Khi đó lượng nước mưa trong lưu vực Mekong có thể tăng cao lại. Theo đó, các đợt ngập vào rằm tháng 9 và 30 tháng 9 tới đây có thể sẽ cao hơn đợt ngập 30/8 âl này.

Chuyển hướng nền nông nghiệp, mở rộng không gian cho nước

Để giảm ngập cho đô thị và vùng giữa đồng bằng, cần có giải pháp ngắn hạn và lâu dài. Trong ảnh: Một góc TP Vĩnh Long vào mùa mưa lũ.
Để giảm ngập cho đô thị và vùng giữa đồng bằng, cần có giải pháp ngắn hạn và lâu dài. Trong ảnh: Một góc TP Vĩnh Long vào mùa mưa lũ.

* Theo ông, vấn đề ngập lụt vùng giữa đồng bằng càng ngày càng nghiêm trọng như vậy thì cần có giải pháp gì?

Giải pháp cho vấn đề ngập vùng giữa ĐBSCL thì có giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Trước hết là việc theo dõi và hiểu quy luật thủy triều gây ngập trong các tháng này để phòng tránh. Đối với các đô thị xung yếu có thể nghĩ tới biện pháp công trình chống ngập, như cách làm của TP Cần Thơ.

Tuy nhiên, về lâu dài vấn đề giảm ngập cho đô thị và vùng giữa đồng bằng lại nằm ở việc cải cách, chuyển hướng nền nông nghiệp. Trong một thời gian dài, nền nông nghiệp của chúng ta chạy theo số lượng và dùng biện pháp công trình can thiệp thô bạo vào thiên nhiên. Đê bao khép kín khắp nơi để làm lúa 3 vụ và để chống ngập cho ruộng vườn.

Nước không còn không gian lan tỏa và dâng cao trong lòng sông. Chúng ta đã bước vào cuộc đua Sơn Tinh- Thủy Tinh không có hồi kết ngay tại đồng bằng này! Càng đê bao khép kín thì nước sẽ càng dâng cao.

Muốn kết thúc cuộc đua này thì phải khôi phục không gian cho dòng sông, giảm bớt một vụ lúa ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, giảm bớt đê bao ngăn mặn phía biển theo quy hoạch tích hợp ĐBSCL mà Thủ tướng đã phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 Phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì mới giải quyết được cái gốc vấn đề.

Hiện nay ở Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang người dân đã có những mô hình sáng tạo. Thay vì canh tác lúa 3 vụ quanh năm trong đê bao khép kín, vừa vất vả, vừa lỗ, vừa làm cạn kiệt đất đai thổ nhưỡng thì xả lũ vào lấy phù sa và nuôi cá trên ruộng trong mùa lũ, vừa lợi nhuận cao vừa bồi bổ đất đai, vừa mở rộng không gian cho nước để giúp giảm ngập cho đô thị.

TUYẾT HIỀN (thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh