Khi bão mạnh đổ bộ phải ứng phó thế nào?

14:16, 02/10/2024

(VLO) Các tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025, theo dự báo, do tác động của hiện tượng La Nina (pha lạnh), bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có thể dồn dập xảy ra trong khu vực Thái Bình Dương, vì vậy các tỉnh, thành vùng Nam Bộ (trong đó có Vĩnh Long) cần đề phòng tình huống những cơn bão mạnh ảnh hưởng trực tiếp.

Những nhà yếu cần được chằng, chống, từng bước xây dựng kiên cố để chống chịu tốt hơn với gió mạnh, bão.
Những nhà yếu cần được chằng, chống, từng bước xây dựng kiên cố để chống chịu tốt hơn với gió mạnh, bão.

Theo các chuyên gia của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (trực thuộc Bộ Nông nghiệp-PTNT), do sức gió vùng tâm bão rất mạnh, nên trên đường di chuyển nó có thể cuốn theo hoặc phá hủy mọi thứ, tàn phá công trình, nhà cửa, cây trồng, tàu bè… có sức chống chịu kém.

Do vậy, để đề phòng tình huống, kịch bản bão mạnh ảnh hưởng trực tiếp, đổ bộ vào khu vực Nam Bộ thì giải pháp thiết thực nhất là “phòng, tránh” là chủ yếu để giảm thiệt hại do bão gây ra, tức là cần chuẩn bị từ trước khi bão xảy ra và “tránh” khi bão đến.

Đối với chính quyền và ngành chức năng, cần tăng cường công tác theo dõi diễn biến, dự báo bão, ATNĐ, thông tin đầy đủ, kịp thời đến người dân; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng, tránh và quan tâm hơn về kiên cố nhà ở, công trình; kiểm kê, đánh giá các nguồn lực phục vụ phòng, chống (kinh phí, vật tư, phương tiện, lực lượng, kết cấu hạ tầng…); xây dựng kế hoạch, phương án, kịch bản, đề ra các giải pháp ứng phó, hỗ trợ, khắc phục hậu quả do bão, ATNĐ gây ra. Đồng thời tổ chức diễn tập, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hành phòng, tránh, ứng phó bão, ATNĐ.

Đối với các tổ chức, người dân cần lên kế hoạch ứng phó riêng, rà soát, điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh cho phù hợp; chuẩn bị vật dụng thiết yếu nếu bão xảy ra trong nhiều ngày.

Trong xây dựng nhà cửa, công trình, nhà xưởng cần phải thực hiện ‘‘3 cứng’’ (mái, tường, cửa đều cứng, kiên cố) và chằng, chống đối với những nhà yếu. Cơ quan, đơn vị quản lý công trình điện, bưu chính- viễn thông nên tăng cường kiểm tra để đảm bảo an toàn công trình. Những lồng, bè nuôi thủy sản trên các sông lớn cần phải được neo đậu, chằng chống vững chắc...

Khi bão đến, nên dừng các hoạt động ngoài trời. Khi có mưa lớn, gió mạnh, mọi người phải tìm những nơi trú ẩn an toàn trong các nhà, công trình kiên cố; tránh núp dưới bóng cây, nhà tạm bợ dễ bị ngã đổ gây tai nạn.

So với các loại thiên tai khác, bão có thể làm tổn thất lớn, làm mất mát tài sản, nhân mạng. Xu thế bão khó lường, phức tạp, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng gia tăng và ảnh hưởng của hiện tượng La Nina như hiện nay. Vì vậy công tác phòng, tránh bão cần phải được người dân, các cấp chính quyền trong vùng thường xuyên quan tâm thực hiện, không chủ quan lơ là.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh