Phỏng vấn:
Ảnh hưởng bão số 3: Mưa diện rộng kéo dài, lượng mưa gia tăng đáng kể

16:10, 06/09/2024

(VLO) Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo từ nay đến hết năm 2024, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ, các tỉnh phía Nam. Mùa mưa bão năm nay khả năng sẽ diễn ra khốc liệt, cực đoan, không loại trừ những cơn bão mạnh. Ngoài ra, hiện tượng dông lốc trên đất liền và trên biển, mưa lớn cực đoan thời đoạn ngắn gây ngập úng đô thị sẽ xuất hiện nhiều hơn.

Để hiểu rõ hơn về tình hình thời tiết, thủy văn trong thời gian tới và ảnh hưởng của cơn bão số 3 đang diễn ra, phóng viên Báo Vĩnh Long phỏng vấn ông Trương Hoàng Giang- Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh về vấn đề này.

 

* Xin ông thông tin thêm về diễn biến và tác động của cơn bão số 3 đang xảy ra?

Ông Trương Hoàng Giang: Sáng 3/9, bão YAGI đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2024. Bão số 3 liên tục tăng cấp và đến 5/9 đã mạnh lên thành siêu bão.

Đây là cơn siêu bão tăng cấp độ nhanh nhất trong lịch sử khí tượng Việt Nam, khi mới đi vào Biển Đông chỉ mạnh cấp 8, giật cấp 11, thì sau 48 giờ, đã mạnh lên cấp 16, giật trên cấp 17. Khu vực Bắc Biển Đông và Vịnh Bắc Bộ được cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (rủi ro rất lớn).

Sau khi vượt qua đảo Hải Nam, bão có xu hướng suy yếu dần, giảm xuống còn cấp 12, giật cấp 15 trên vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Nam Định vào ngày 7/9.

Gió mạnh:

- Khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 11-14, vùng gần tâm siêu bão đi qua cấp 15-16, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.

- Từ khoảng trưa 6/9, vùng biển phía Đông của vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7. Từ đêm 6/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.

- Từ gần sáng 7/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11.

Khu vực ven biển từ Thanh Hoá đến Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5 (Thanh Hoá) - 1,8m (Quảng Ninh) vào chiều và đêm 7/9 và hiện tượng nước rút do bão từ 0,5 (Thanh Hoá) - 1,0m (Quảng Ninh) vào sáng 7/9.

Các khu vực neo đậu tàu thuyền, khu nuôi trồng thuỷ sản, các tuyến đê, kè biển trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và nước dâng/rút do bão.

* Xin ông cho biết, Vĩnh Long sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào do tác động gián tiếp của cơn bão số 3 này? Và ngành chức năng, địa phương, người dân cần chuẩn bị phòng tránh bão như thế nào, thưa ông?

Ông Trương Hoàng Giang: Thời tiết tỉnh Vĩnh Long cũng bị ảnh hưởng gián tiếp dưới tác động của Bão số 3 gây ra đợt mưa diện rộng kéo dài với lượng mưa gia tăng đáng kể kèm theo đó là các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, tố, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, các hoạt động sản xuất nông nghiêp cũng như gây cản trở giao thông.

Để phòng tránh bão, ngành chức năng, địa phương, người dân cần:

* Trước khi bão xảy ra:
- Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo bão.
- Gia cố, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây; xác định ví trí an toàn để trú ẩn; chủ động sơ tán khỏi các nhà không đảm bảo an toàn, cửa sông đề phòng nước dâng.
- Dự trữ nước uống, lương thực thực phẩm, thuốc men, các vật dụng cần thiết.
- Nếu không có lệnh sơ tán của chính quyền, hãy tìm nơi trú ẩn trong nhà cho gia đình mình. Chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn khi bão về như: Chèn chống các cửa của nhà; loại bỏ những cây, cành bị chết, bị bệnh; xác định các vật dụng trong sân nên mang vào trong nhà; vệ sinh máng nước mưa, gầm cầu thang ngoài, giếng cửa sổ, đường thoát nước, đường ống thoát nước.
- Chuẩn bị một bộ đồ dùng cần thiết cho gia đình (đèn pin, đài radio, quần áo ấm, chăn, bộ sơ cứu, thuốc men, nước đóng chai và thực phẩm anh nhanh, dễ bảo quản).

* Trong khi xảy ra bão:
- Đề phòng tai nạn do đổ nhà, cây cối, cột điện, các vật bị gió thổi bay, điện giật…
- Không trú tránh dưới gốc cây, cột điện, vật dễ đổ.
- Nên ở trong nhà, nơi chú ẩn không đi ra ngoài, tránh xa cửa sổ và cửa ra vào.
- Chuẩn bị sẵn đèn pin đề phòng mất điện, không sử dụng nến để thắp sáng để tìm kiếm đồ trong không gian hạn chế, khu vực bếp gas, vì dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ.
- Đề phòng lốc xoáy do bão gây ra; nên ở bên trong và ở trung tâm ngôi nhà hoặc tầng hầm.
- Nếu được lệnh sơ tán, hãy mang theo các đồ dùng thiết yếu cho gia đình và di chuyển ngay đến một nơi trú ẩn được chính quyền địa phương sắp xếp.
- Thông tin kịp thời, chính xác vị trí, tình trạng nguy hiểm khi cần cứu nạn, cứu hộ.
* Sau khi xảy ra bão:
- Tiếp tục theo dõi tin tức và cập nhật tình hình thời tiết.
- Chú ý đến các yếu tố nguy hiểm như đường dây điện bị đứt và nước nhiễm điện, vì thông thường khi bão tan khả năng lũ lụt vẫn còn xảy ra.
- Không đến gần hoặc đi vào các tòa nhà đã bị hư hại, ngập nước, tuân thủ theo các biển cảnh báo khi lái xe, không đi vào đường bị ngập nước hoặc có chướng ngại vật (ngay cả với phương tiện lớn), vì phương tiện có thể bị nước cuốn trôi hoặc nguy hiểm.

Song song đó, chính quyền các cấp cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các ngành và nhân dân về̀ kiến thức khí tượng thủy văn và nâng cao ý thức, trách nhiệm về hoạt động phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó thiên tai.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Vĩnh Long có vai trò, nhiệm vụ tăng cường thông báo, thông tin về khí tượng thủy văn, diễn biến và dự báo mưa, lũ, triều cường, bão, áp thấp nhiệt đới… ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và công trình thủy lợi, đê điều. Chủ động dự báo sớm mọi tình huống có thể xảy ra, chúng tôi sẽ tích cực đồng hành với địa phương và người dân với mục tiêu an toàn cao nhất.

* Tình hình mưa bão trong những tháng cuối năm có gì bất thường không, thưa ông? Dự báo trong thời gian tới đây, khu vực tỉnh Vĩnh Long còn xảy ra đợt mưa lớn, dông, lốc nào không, thưa ông?

Ông Trương Hoàng Giang: La Nina có thể làm gia tăng tần suất và cường độ của bão và áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm. Từ nay đến hết năm 2024, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng xuất hiện ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm thời kỳ này có khoảng 7,3 cơn).

Đề phòng khả năng những vùng áp thấp, áp thấp nhiệt đới hay bão hình thành trên khu vực Nam Biển Đông sẽ là nguyên nhân gây gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh và mưa dông diện rộng với mưa vừa, mưa to đến rất to kèm theo dông, sét, lốc xoáy và gió giật mạnh. Không ngoại trừ khả năng xảy ra tổng lượng mưa tháng và lượng mưa ngày vượt giá trị lịch sử.

*Xin cảm ơn ông!

THẢO LY (thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh