Lũ đầu nguồn sông Cửu Long dự báo tăng trong 1 đến 2 tuần tới

15:41, 17/09/2024

(VLO) Theo nhận định của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, do mưa lũ thượng nguồn tăng kết hợp triều cường cao, lũ đầu nguồn sông Cửu Long sẽ tăng trong 1 đến 2 tuần tới và khả năng đạt đỉnh lũ từ ngày 19-22/9/2024 (nhằm ngày 17-20/8 âl).

ĐBSCL chịu ảnh hưởng của bão vào vùng biển Đông. ảnh H.M
ĐBSCL chịu ảnh hưởng của bão vào vùng biển Đông. ảnh H.M

Cụ thể, tại trạm Tân Châu dao động ở mức 3,00-3,20m thấp hơn mức báo động 1 (BĐ) từ 0,30-0,50m; tại trạm Châu Đốc được dự báo dao động ở mức 2,80-3,00m xấp xỉ hoặc thấp hơn mức BĐ1 từ 0,00-0,20m; tại trạm Cần Thơ dự báo đạt mức từ 2,05-2,15m cao hơn mức BĐIII 0,05-0,15m; tại trạm Mỹ Thuận dự báo đạt mức từ 1,95-2,05m cao hơn mức BĐIII 0,15-0,25m.

Trong trường hợp cực đoan vào thời điểm đỉnh lũ kết hợp triều cường dâng cao xuất hiện thêm yếu tố thời tiết bất lợi mưa to gió lớn thì đỉnh lũ tại Cần Thơ và Mỹ Thuận có thể lên cao hơn so với nhận định ở trên từ 5-10cm.

Tại Vĩnh Long: Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, trong kỳ triều rằm tháng 8 âl mực nước các trạm nội đồng trong tỉnh dao động quanh mức BĐIII. Cụ thể: Ba Càng: l,90m; Phú Đức: l,90m; Nhà Đài: l,90m; Tân Thành: l,95m; Tích Thiện: 2,05m; Vũng Liêm: 2,00m, nguy cơ xảy ra ngập lụt tai các vùng ven sông Tiền, sông cổ Chiên, sông Mang Thít, sông Hậu và vùng ngoài đê bao có cao trình thấp, đô thị nội ô TP Vĩnh Long vào khung giờ sáng sớm và chiều tối.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các sở, ban ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố:

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ thị của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, lũ năm 2024 trên địa bàn tỉnh; theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước, diễn biến đợt triều cường trên các sông, kênh, rạch trong tỉnh, thông tin kịp thời từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn và người dân, nhất là vùng thấp, vùng trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình ven sông, kênh, rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, phòng chống điện giật, đuối nước...tránh tình trạng chủ quan, nhất là tại các khu vực đông dân cư, bị ngập nước.

Triển khai các biện pháp bảo vệ các công trình đang thi công, đảm bảo sản xuất nông nghiệp, hoạt động nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu thiệt hại cho người dân; sẵn sàng kế hoạch điều động lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương trong tình huống triều cường dâng cao ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt, giao thông đi lại.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố thông báo thường xuyên trên các phương tiện truyền thông về diễn biến đợt triều cường và ngày, giờ đỉnh triều xuất hiện cho nhân dân địa phương biết để chủ động ứng phó.

Tổ chức tuần tra, bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư (cừ tràm, lưới B40...) để kịp thời xử lý, cơi đắp bờ bao xung yếu ngay từ giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Kiểm tra, rà soát bờ bao, cống, đập, cửa van ngăn triều để kịp thời phát hiện, chủ động phương tiện tu sửa gia cố những vị trí xung yếu, xuống cấp; nạo vét, khai thông cống rãnh; chủ động vận hành các trạm bơm, máy bơm tiêu thoát nước để chống ngập úng, bảo vệ diện tích lúa, hoa màu và cây ăn trái.

Kiểm tra và hướng dẫn neo đậu các lồng, bè nuôi trồng thủy sản đúng kỹ thuật đảm bảo an toàn, nhắc nhỡ các chủ cơ sở nuôi trồng không di dời lồng, bè vào sát bờ, đề phòng sạt lở bờ sông sau khi triều rút gây thiệt hại về người và tài sản.

Tổ chức trực ban 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi, cập nhật và báo cáo diễn biến tình hình thiên tai, triều cường về Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh (thông qua Văn phòng Thường trực), địa chỉ: số 1B, Nguyễn Trung Trực, phường 8, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long; điện thoại trực ban: 02703 863100, 3823228; Email: qlthientai.snn@vinhlong.gov.vn.

H.M

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh