Kết nối phố:
Chống chọi với nước dâng

14:03, 18/09/2024

(VLO) Theo cảnh báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, những ngày tới đỉnh triều vượt trên mức báo động III, cùng với mưa bão nhiều nơi. Đây là 2 yếu tố làm nhiều nơi ở miền Tây ngập nặng; khả năng gây ngập các vùng ven sông, nhất là nội ô TP Vĩnh Long.

Ngập lụt có khả năng tác động xấu đến môi trường, các hoạt động giao thông đi lại của tàu thuyền, các hoạt động kinh tế- xã hội sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian nước dâng theo triều…

Mỗi khi mùa mưa bão bắt đầu, với người dân đô thị, từ nhiều năm qua việc ngập lụt không còn mới, thậm chí trở thành một thứ “đặc sản” mà hầu như đô thị nào cũng có. Câu cửa miệng “hễ mưa là ngập” không chỉ dành riêng cho những nơi trũng thấp, mà nay xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều khu vực, kể cả những nơi chưa từng xảy ra.

Nước dâng cao, cuộc sống bị đảo lộn, các kế hoạch công việc bị gián đoạn. Hiện tượng này xảy ra vào sáng sớm và chiều tối, đúng vào giờ cao điểm đi làm và tan ca, hình ảnh dễ bắt gặp là xe chết máy, nhiều người bì bõm “vừa lội vừa đẩy xe”.

Ngoài yếu tố quy luật, “nước tràn về đô thị” nguyên nhân sâu xa được cho là không có không gian cho nước lan tỏa, hay nói cách khác là không gian hấp thụ nước.

Việc chạy đua làm đê bao chống lũ để sản xuất nông nghiệp, nhất là làm lúa 3 vụ không có không gian, nước được dồn về các trung tâm, đô thị.

Vì vậy, muốn giảm ngập ở nội ô thì giải pháp phải tổ chức lại hoạt động sản xuất nông nghiệp cho phù hợp. Và việc tái tạo không gian cho nước lan tỏa được hiểu ở quy mô toàn đồng bằng, chứ không riêng địa phương nào.

Còn với người dân đô thị, giải pháp thường thấy là che chắn, ngăn chặn, xúc tát nước, hay “chữa cháy” là ngành chức năng vận hành hệ thống van một chiều khu vực trũng thấp trong nội ô thành phố... Nhưng tất cả xem ra cũng chỉ là tình thế nhằm chống chọi cho mùa nước đi qua!

N. HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh