Dùng vật liệu tái chế từ rác thải nhựa và phế thải nông nghiệp để chống sạt lở

05:43, 19/09/2024

(VLO) Ngày 18/9, Sở Nông nghiệp-PTNT tổ chức bàn giao, ứng dụng sản phẩm mô hình thuộc đề tài Nghiên cứu ứng dụng vật liệu tái chế từ rác thải nhựa và phế thải nông nghiệp để chống sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Đánh giá bước đầu nhận thấy công trình có hiệu quả giảm sóng, giảm dòng chảy ven bờ.
Đánh giá bước đầu nhận thấy công trình có hiệu quả giảm sóng, giảm dòng chảy ven bờ.

Đề tài do PGS.TS Phùng Chí Sỹ- Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường ENTEC, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam làm chủ nhiệm.

Kết quả thực hiện mô hình thử nghiệm chống sạt lở cho 50m bờ sông xã Phú Đức (huyện Long Hồ) cho thấy, công trình hoạt động ổn định, chiều cao sóng phía ngoài công trình 0,1-0,3m; bên trong công trình khoảng 0,1m, giảm >60%; tốc độ dòng chảy bên ngoài công trình là 0,2-0,35 m/s, phía trong công trình là 0,1-0,15 m/s.

Đây là giải pháp công trình phao mềm giảm sóng kết hợp thảm neo giảm dòng chảy, cọc cừ composite gia cố bờ. Ứng dụng phù hợp cho những đoạn bờ sông có lưu lượng tàu thuyền qua lại lớn, sóng nhiều, những khúc cua gấp có tác động lớn của dòng chảy lên bờ sông.

Qua khảo sát, đánh giá bước đầu nhận thấy công trình có hiệu quả giảm sóng, giảm dòng chảy ven bờ, giảm thiểu được sự xói lở, tạo hàm ếch trong bờ, phù sa bắt đầu bồi lắng phía trong công trình. Chi phí công trình đã thử nghiệm dưới 7 triệu đồng/m, thi công lắp đặt và tháo dỡ nhanh chóng, đơn giản.

Giải pháp đưa ra có chi phí thấp hơn nhiều so với các công trình bê tông loại 1, 2. Qua thử nghiệm tự nhiên, thử nghiệm gia tốc và tính toán quy đổi dự đoán tuổi thọ vật liệu 2-10 năm.

Tin, ảnh: THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh