(VLO) Hiện tại, bến phà An Bình phía TP Vĩnh Long được dời về bến tạm thuộc Phường 2 (Xóm Chài). Qua đó đảm bảo việc đi lại cũng như an toàn cho người dân.
Bến tạm mới được đầu tư tương đối khang trang, có làn xe lên xuống đảm bảo an toàn cho các hoạt động phà. |
Ngày 12/9, UBND huyện Long Hồ có thông báo về việc di dời bến khách ngang sông An Bình- TP Vĩnh Long (hay còn gọi là bến phà An Bình). Theo đó, sau thời gian xây dựng, cầu tạm phục vụ bến phà An Bình đã được nghiệm thu đủ điều kiện đưa vào sử dụng.
Vì vậy, từ 8 giờ ngày 15/9, bến phà An Bình được di dời đến vị trí bến tạm thuộc địa phận Phường 2 (Xóm Chài, TP Vĩnh Long), cách bến cũ khoảng 400m. Riêng bến phía bờ An Bình, huyện Long Hồ vẫn hoạt động bình thường tại vị trí cũ. Cước phí và đối tượng miễn giảm vẫn giữ nguyên, không thay đổi cho đến khi có thông báo mới.
Phà An Bình qua sông Cổ Chiên, nối liền Phường 1 (TP Vĩnh Long) với 4 xã cù lao An Bình, có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa, nhu cầu đi lại của người dân. Hàng ngày, phà vận chuyển hàng ngàn lượt người, trở thành phương tiện vận chuyển không thể thiếu đối với người dân đôi bờ.
Trước khi được di dời về bến tạm mới, nhiều người dân vẫn lo lắng không biết bến phà sẽ được di dời về đâu, ảnh hưởng đến việc di chuyển, vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, sau khi có quyết định dời phà chính thức, người dân phấn khởi vì điểm dời không quá xa so với điểm cũ, thuận tiện di chuyển, vừa đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Văn Phước (ngụ xã An Bình) cho biết, thường di chuyển qua lại phà để mua bán hàng hóa. Bến phà mới được dời tương đối khang trang, có nhà chờ mát mẻ, có phân biệt làn xe lên xuống phà rõ ràng đảm bảo an toàn. Tình trạng chen lấn gây mất an toàn như bến cũ đã không còn, người dân cảm thấy yên tâm”.
Trong khi đó, nhiều người dân hoan nghênh việc cấm biển báo không vận chuyển xe ô tô và vấn đề này được thực hiện rất nghiêm. Một người dân cho biết, bến phà cũ lúc trước “nhiều lúc có chở xe ô tô” nhưng qua bến mới đã tuân thủ đúng quy định, người dân di chuyển cũng an tâm hơn.
Bến cũ phía bờ An Bình vẫn hoạt động bình thường. |
Tuy nhiên, cũng có một số khó khăn cho một số người dân, nhất là công nhân lao động làm việc ở một số công ty ở Phường 1. Theo đó, lúc trước người lao động chỉ việc gửi xe ở bến An Bình, qua phà và đi bộ lên công ty.
Tuy nhiên, hiện nay quãng đường xa hơn đôi chút. Chị Châu (công nhân) cho biết, lúc trước mỗi ngày đều đi bộ từ bến lên công ty. Nhưng nay quãng đường phải đi xa hơn, cộng với thời gian qua phà cũng lâu hơn nên mình phải sắp xếp đi sớm hơn, tránh việc trễ làm.
Trước đó, tháng 8/2023, UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp nguy cơ sụt lún, sạt lở bờ sông Cổ Chiên và sông Long Hồ, đoạn từ Bến phà An Bình đến giáp tuyến kè sông Long Hồ.
Đến cuối năm 2023, UBND tỉnh phê duyệt dự án khẩn cấp sửa chữa kè sông Cổ Chiên, tổng mức đầu tư trên 593 tỷ đồng. Qua đó góp phần chống xói lở lòng sông, đảm bảo ổn định cho tuyến kè và các công trình hạ tầng kỹ thuật sau kè…
Đối với tương lai bến khách ngang sông An Bình- TP Vĩnh Long, ông Võ Trung Sơn- Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ cho biết, phà An Bình nối TP Vĩnh Long với các xã cù lao An Bình thuộc huyện Long Hồ có một bến thuộc Phường 1 (TP Vĩnh Long).
Bến này được xác định nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Theo ông Sơn, hiện bến phà tạm đã đi vào hoạt động ổn định. Huyện cũng đã phân công cán bộ chuyên môn, phối hợp với TP Vĩnh Long, các ngành chuyên môn theo dõi, giám sát phương tiện tham gia giao thông trong khu vực bến tạm để có những giải pháp kịp thời khi có sự cố.
“Hoạt động bến tạm hiện ổn định đã giúp người dân đi lại dễ dàng, thuận tiện và đảm bảo an toàn. Huyện cũng tiếp tục làm các công việc còn lại để bến đi vào hoạt động ổn định hơn trong thời gian tới.
Còn về bến phà chính thức sau này cũng đã được quy hoạch về Phường 5, TP Vĩnh Long, còn bến An Bình cũng sẽ được quy hoạch điểm mới đảm bảo phà hoạt động lâu dài phục vụ tốt nhất cho người dân”- ông Sơn chia sẻ.
Bài, ảnh: CÔNG NGÔN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin