Nỗ lực ứng phó, khắc phục sạt lở

11:08, 07/08/2024

Theo ngành nông nghiệp, tình hình thiên tai, nhất là sạt lở bờ sông xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Sạt lở đã ảnh hưởng đến đời sống, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Ngành chức năng cũng đã tăng cường các biện pháp ứng phó, kịp thời khắc phục thiệt hại để người dân ổn định cuộc sống.

(VLO) Theo ngành nông nghiệp, tình hình thiên tai, nhất là sạt lở bờ sông xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Sạt lở đã ảnh hưởng đến đời sống, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Ngành chức năng cũng đã tăng cường các biện pháp ứng phó, kịp thời khắc phục thiệt hại để người dân ổn định cuộc sống.

UBND tỉnh vừa có quyết định công bố tình huống khẩn cấp: sạt lở trên tuyến kênh La Ghì (xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn).
UBND tỉnh vừa có quyết định công bố tình huống khẩn cấp: sạt lở trên tuyến kênh La Ghì (xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn).

Thiên tai gây thiệt hại khoảng 800 tỷ đồng

Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp-PTNT), trong 10 năm qua, tỉnh Vĩnh Long chịu ảnh hưởng bởi một số loại hình thiên tai như giông lốc, mưa lớn, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, triều cường,... gây thiệt hại về nhà ở, sản xuất của người dân, ước thiệt hại khoảng 800 tỷ đồng.

Đáng kể nhất là sạt lở bờ sông, xảy ra trên 810 điểm sạt lở, làm mất trên 24.300m bờ sông, rạch, ảnh hưởng trực tiếp đến 817 hộ dân.

Theo ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, thời gian qua, sạt lở bờ sông xảy ra nhiều nơi, nhưng còn thiếu biện pháp phòng ngừa, chỉ tập trung khắc phục hậu quả.

Do thiếu kinh phí nên số điểm, tuyến được xử lý khắc phục rất ít, chỉ chiếm khoảng 20-30% so với nhu cầu. Công tác xử lý, khắc phục hậu quả sạt lở bờ sông các huyện chưa tự chủ, còn trông chờ vào tỉnh.

Việc vận động các hộ dân sống ở vùng sạt lở và nguy cơ sạt lở di dời đến nơi ở mới còn nhiều trở ngại do hộ dân không còn quỹ đất để xây dựng; việc vào cụm tuyến dân cư làm thay đổi thói quen hàng ngày, ảnh hưởng đến công việc hiện tại và thu nhập của người dân.

Tại huyện Trà Ôn, ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Trà Ôn, cho hay: Tình hình thiên tai, nhất là sạt lở bờ sông xảy ra ngày càng nhiều, mức độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Nguyên nhân sạt lở là do tác động của biến đổi khí hậu và sự thay đổi của dòng chảy các nhánh sông. Tính từ cuối năm 2023 đến nay, toàn huyện hiện có trên 70 đoạn bờ bao sạt lở, chiều dài sạt lở là gần 1.600m thuộc các tuyến sông lớn.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh, cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, thiên tai; phối hợp ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, chuẩn bị các phương án đề phòng giông lốc, di dời dân trong vùng sạt lở, nguy cơ sạt lở vào mùa mưa; kịp thời tổ chức triển khai các giải pháp phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; phối hợp và thực hiện công tác hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra.Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh, cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, thiên tai; phối hợp ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, chuẩn bị các phương án đề phòng giông lốc, di dời dân trong vùng sạt lở, nguy cơ sạt lở vào mùa mưa; kịp thời tổ chức triển khai các giải pháp phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; phối hợp và thực hiện công tác hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Mới đây, UBND tỉnh cũng đã có quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở trên tuyến kênh La Ghì tại ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn. Mức độ sạt lở nguy hiểm.

Cụ thể, tình huống sạt lở xảy ra vào lúc 2 giờ ngày 19/7/2024. Khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở nằm trên tuyến kênh La Ghì (đoạn từ ao trữ nước của hệ thống cấp nước tập trung xã Vĩnh Xuân đến hết đoạn bờ kè bê tông trước Nhà Truyền thống Đảng bộ tỉnh) dài 220m.

Trong đó, đoạn đã sạt lở, sụt lún dài 25m, ăn sâu vào đất liền 4-5m. Sạt lở không gây thiệt hại về người, tuy nhiên, đã làm sạt lở 25m đoạn bờ kè bê tông và sạt lở, sụt lún một phần đường giao thông phía trước Nhà Truyền thống Đảng bộ tỉnh (di tích lịch sử cấp tỉnh), đoạn có nguy cơ sạt lở thêm khoảng 195m, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và sinh hoạt của 15 hộ dân với 51 nhân khẩu và khoảng 50ha đất sản xuất nông nghiệp.

Tại huyện Long Hồ, ông Hồ Thế Nhu- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện, cho biết: Long Hồ có hệ thống sông ngòi dày đặc với 914 tuyến sông, kênh, rạch, dài 740km, đan xen và liên thông nhau.

Ngoài những lợi ích mang lại thì huyện cũng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự tác động của dòng chảy làm cho tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng trở nên nghiêm trọng, khó lường, nhất là trong mùa mưa lũ, sạt lở xảy ra với chu kỳ nhanh hơn, cường độ mạnh hơn và thời gian kéo dài lâu hơn, gây nhiều thiệt hại.

“Về nguyên nhân, ngoài yếu tố tác động do tự nhiên (như dòng chảy, biến đổi khí hậu), gần đây tác động của con người cũng rất đáng kể làm gia tăng xói lở, hạ thấp lòng dẫn nền mất ổn định dễ xảy ra tình trạng sạt lở”- ông Hồ Thế Nhu cho biết thêm.

Nỗ lực khắc phục thiệt hại

Sau khi xảy ra sạt lở, ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã phối hợp huy động lực lượng cùng người dân hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại tháo dỡ vật kiến trúc, di dời tài sản đến nơi an toàn.

Đồng thời thông báo cho người dân trong khu vực biết về tình hình sạt lở và thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình sạt lở tại khu vực này để có biện pháp ứng phó kịp thời; vận động hộ dân trong khu vực sạt lở di dời tài sản đến nơi an toàn để tránh thiệt hại nếu sạt lở tiếp tục xảy ra; tiến hành lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm, căng dây cảnh báo để người dân phòng tránh.

Sạt lở bờ sông xảy ra ngày càng nhiều, mức độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Sạt lở bờ sông xảy ra ngày càng nhiều, mức độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Ông Hồ Thế Nhu cho biết: Địa phương luôn thực hiện hai giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông là phi công trình và công trình.

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí có hạn, nên bên cạnh giải pháp công trình thì giải pháp phi công trình được coi là một trong những giải pháp phòng chống sạt lở có hiệu quả như: thông tin truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai, có biện pháp phòng tránh nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra; theo dõi diễn biến sạt lở, tổ chức cắm biển cảnh báo các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở cao; tổ chức di dời dân ra khỏi khu vực đang xảy ra sạt lở nguy hiểm; sử dụng cây cỏ và các vật liệu tại chỗ để chắn sóng, chống xói lở bờ...

Tại huyện Trà Ôn, ông Nguyễn Văn Tám cũng cho biết: Huyện cũng đã tiếp tục theo dõi tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi do tỉnh đầu tư.

Phối hợp khảo sát, lập chiết tính chuẩn bị đầu tư 9 công trình từ nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí năm 2024 với chiều dài 43.150m, tổng vốn đầu tư 7,1 tỷ đồng như: Công trình khắc phục sạt lở đê bao Tích Thiện, Thiện Mỹ, Lục Sĩ Thành; công trình khắc phục sạt lở đê bao Thuận Thới, Nhơn Bình, Xuân Hiệp, Tân Mỹ, Trà Côn…

Đồng thời, tiếp tục đôn đốc các xã thực hiện nạo vét các kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy, đồng thời gia cố các tuyến đê bao, bờ bao có nguy cơ sạt lở nhằm đảm bảo an toàn sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai trên địa bàn tỉnh gây thiệt hại về tài sản ước tính trên 14,5 tỷ đồng. Trong đó, giông, mưa lớn, gió mạnh làm hư hỏng 27 căn nhà, nhà máy xay xát lúa, trang trại chăn nuôi, gây đổ ngã hơn 1.795ha lúa Hè Thu, thiệt hại về tài sản trên 9,7 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã xảy ra 76 điểm sạt lở, làm mất 2.039m bờ sông cùng với các công trình đường giao thông nông thôn, đê bao… gây ảnh hưởng trực tiếp đến 166 hộ dân, thiệt hại về tài sản hơn 4,7 tỷ đồng. Đến nay, ngành chức năng của tỉnh và chính quyền nơi có thiên tai xảy ra đã hỗ trợ cho những hộ dân bị thiệt hại để khôi phục sản xuất, sửa chữa lại nhà ở bị hư hỏng cửa, ổn định nơi ở với kinh phí gần 600 triệu đồng từ quỹ phòng, chống thiên tai và nguồn xã hội hóa.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh