Nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm

05:08, 13/08/2024

Thời gian gần đây, tình trạng ngộ độc thực phẩm (NĐTP) gia tăng, gây nhiều lo ngại, bởi có không ít trường hợp nguy kịch, thậm chí tử vong vì ăn uống.

 

 

Các hộ kinh doanh cần tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Các hộ kinh doanh cần tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Thời gian gần đây, tình trạng ngộ độc thực phẩm (NĐTP) gia tăng, gây nhiều lo ngại, bởi có không ít trường hợp nguy kịch, thậm chí tử vong vì ăn uống.

6 tháng, xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm

Theo thông tin của Bộ Y tế, trong 6 tháng của năm 2024, cả nước ghi nhận 36 vụ NĐTP làm 2.138 người mắc và 6 trường hợp tử vong. Bộ Y tế đã nhiều lần lưu ý các tỉnh, thành phố phải xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động cơ sở không bảo đảm, truy xuất tận cùng nguồn gốc...

Theo Bộ Y tế, so với cùng kỳ năm 2023, số vụ NĐTP giảm 4 vụ (10%), số mắc tăng 1.432 người (tức tăng khoảng đến hơn 202%), số tử vong giảm 5 người (45,5%); số vụ NĐTP có xu hướng giảm ở khu vực miền núi phía Bắc nhưng tăng ở khu vực Duyên hải miền Trung và khu vực Đông Nam Bộ.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) rất quan trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự, kinh tế- xã hội, vấn đề an sinh.

Phân tích của Bộ Y tế cho thấy, NĐTP tại bếp ăn, gia đình, đám cưới, giỗ, liên hoan giảm cả về số vụ, số mắc nhưng có xu hướng gia tăng tại quán ăn, nhà hàng, khách sạn. Thời gian qua đã ghi nhận một số vụ NĐTP xảy ra tại bếp ăn tập thể đông người tại các công ty; bếp ăn trường học, và cả căng tin, nhất là do thức ăn đường phố.

Về nguyên nhân gây NĐTP chính do vi sinh vật và do độc tố tự nhiên. Nguyên nhân gây tử vong do NĐTP chủ yếu là ngộ độc rượu và độc tố tự nhiên. Các sản phẩm thực phẩm ô nhiễm vi sinh vật chủ yếu là các sản phẩm thịt heo qua chế biến, các món ăn có chứa thịt gà.

Bộ Y tế cho hay, bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 44 về việc ngăn ngừa, xử lý NĐTP chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về ATTP.

Tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm

Tại khu vực gần trường học trên địa bàn TP Vĩnh Long, chỉ trong bán kính 10m xung quanh cổng trường đã có rất nhiều xe bán đồ ăn sáng, từ dạng chế biến khô đến các món có nước súp, như: hủ tiếu, bún riêu, bánh canh…, thậm chí có một số người còn “bắt than” nướng thịt heo, thịt gà ngay trên vỉa hè.

Chị Trần Thị Kim Trong- chủ xe cho biết: “Buổi sáng tôi bán từ 5- 9 giờ, vì là khu vực có trường ĐH nên khách rất tấp nập, đông nhất là sinh viên, còn lại là người làm nhiều công việc khác. Mỗi ngày tôi bán khoảng 30 phần ăn, khu vực đông sinh viên và người lao động có thu nhập thấp nên giá bán mỗi món chừng 20.000-25.000đ”.

Để bảo đảm sức khỏe cho người dân, vấn đề ATTP được các cấp, các ngành Vĩnh Long chú trọng thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, kinh doanh vẫn có những cơ sở, hộ kinh doanh còn vi phạm các quy định về bảo đảm ATTP. Do vậy việc tăng cường kiểm soát và nâng cao nhận thức cho người dân về ATTP là rất cần thiết.

Tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Vĩnh Long, hiện trên địa bàn Vĩnh Long có trên 5.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, chưa bao gồm các địa điểm ở chợ. Tuy nhiên, do các điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống phần lớn nhỏ lẻ, mua bán ven đường, bán theo mùa, theo thời điểm nên vẫn còn một số điểm mua bán chưa chấp hành tốt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như những biện pháp phòng chống NĐTP và các bệnh truyền nhiễm qua đường thực phẩm.

Theo BS.CK2 Lê Thị Tuyết Nhung- Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, công tác bảo đảm ATTP được phối hợp thực hiện và đã cơ bản kiểm soát được vấn đề thực phẩm an toàn. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, các ngành, địa phương đã thành lập các đoàn thanh, kiểm tra, hậu kiểm 2.502 cơ sở sản xuất thực phẩm, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố (tăng 359 cơ sở so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, số cơ sở có vi phạm là 171 cơ sở chiếm tỷ lệ 6,83% (giảm 152 cơ sở so với cùng kỳ năm 2023).

Song song với công tác kiểm tra, hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm, phòng chống NĐTP luôn được các ngành chuyên môn duy trì và đẩy mạnh bằng nhiều hình thức tuyên truyền đến những người sản xuất kinh doanh thực phẩm. Từ đó, việc chấp hành các quy định về ATTP của những người chế biến kinh doanh thực phẩm có sự chuyển biến tích cực. Từ năm 2023 đến nay, Vĩnh Long không ghi nhận trường hợp NĐTP xảy ra trên địa bàn.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh, công tác tuyên truyền vận động trực tiếp, qua các lớp tập huấn nâng cao kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu người bán hàng phải làm sản phẩm đảm bảo sạch sẽ, an toàn, trang bị kiến thức cho người bán thức ăn đường phố về dụng cụ kẹp gắp thức ăn, găng tay, khẩu trang… để bớt nguy cơ nhiễm khuẩn.

Người tiêu dùng cần lựa chọn cho mình những hàng quán sạch sẽ, thức ăn chế biến phải đảm bảo an toàn.
Người tiêu dùng cần lựa chọn cho mình những hàng quán sạch sẽ, thức ăn chế biến phải đảm bảo an toàn.

Các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các chủ doanh nghiệp có bếp ăn tập thể và các cơ sở sản xuất, cung ứng thực phẩm. Đặc biệt, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, từ đó thay đổi hành vi mua lương thực, thực phẩm ở những nơi an toàn, không mua các sản phẩm trôi nổi.

Bài, ảnh: MAI THẢO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh