(VLO) Đó là một trong những nội dung UBND tỉnh vừa yêu cầu các đơn vị có liên quan triển khai, thực hiện theo Công điện số 75/CĐ-TTg.
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân và công trình kết cấu hạ tầng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Ước tính thiệt hại do thiên tai trên 14,5 tỷ đồng. Trong đó, giông, mưa lớn, gió mạnh làm hư hỏng 27 căn nhà, gây đổ ngã gần 1.800ha lúa Hè Thu, xảy ra 76 điểm sạt lở, gây ảnh hưởng trực tiếp đến 166 hộ dân.
Thời tiết ở Vĩnh Long đang bước vào thời kỳ cao điểm ảnh hưởng của mùa mưa lũ; nhiều loại thiên tai như sạt lở bờ sông, rạch, mưa lớn, giông, lốc xoáy, triều cường, ngập lụt... được dự báo còn diễn biến phức tạp, nguy cơ tác động lớn đến sản xuất và đời sống người dân.
UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị có liên quan chủ động tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra, nhất là phương án ứng phó bão, lũ, triều cường, mưa lớn, giông lốc, sạt lở bờ sông; xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình phòng, chống, khắc phục sạt lở; nạo vét kênh mương theo phân cấp…
NGUYÊN KHANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin