Đối thoại công bố kết quả giải quyết yêu cầu của người dân tại xã Bình Hòa Phước: Người dân kiến nghị có giải pháp hỗ trợ sinh kế

18:03, 23/08/2024

(VLO) UBND huyện Long Hồ vừa phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức họp dân đối thoại công bố kết quả giải quyết yêu cầu của người dân bị ảnh hưởng cây trồng và việc nuôi lươn bằng nước khoan giếng tại xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ.

Đây là cuộc đối thoại lần thứ 2 (cuộc họp trước đó diễn ra vào ngày 6/6/2024) giữa Chủ tịch UBND huyện Long Hồ, ngành chuyên môn cấp tỉnh, huyện có liên quan với người dân trồng cây ăn trái và người nuôi lươn trên địa bàn.

Người dân bày tỏ khó khăn, thiệt hại, mong muốn ngành chức năng có biện pháp hỗ trợ.
Người dân bày tỏ khó khăn, thiệt hại, mong muốn ngành chức năng có biện pháp hỗ trợ.

Tại buổi đối thoại, đại diện Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ báo cáo kết quả thành lập đoàn công tác khảo sát tình hình cây trồng gồm: chôm chôm, sầu riêng, mai vàng của nông dân bị suy kiệt, chết cây; báo cáo tình hình nuôi lươn bằng nước giếng khoan từ sau khi nông dân phản ánh đến nay và công tác tập huấn, hướng dẫn nông dân có cây trồng bị thiệt hại phục hồi vườn cây, hướng dẫn nông dân nuôi lươn chuyển từ nuôi bằng nước giếng khoan sang nuôi bằng nước mặt.

Cụ thể, qua khảo sát thực tế ở các vườn cây ăn trái bị chết, suy kiệt có 23 hộ tổng diện tích 8,53ha (trong đó: 20 hộ cây bị chết diện tích 7,17ha; 2 hộ trồng lại cây con và 3 hộ cây bị suy kiệt cháy lá diện tích 1,3ha trồng chôm chôm đang đậy mũ xử lý ra hoa đang bị suy kiệt).

Bên cạnh đó, xã Bình Hòa Phước có 36 hộ nuôi lươn sử dụng nước giếng khoan với tổng cộng 57 miệng giếng. Qua các buổi làm việc của ngành chuyên môn, lãnh đạo địa phương, đến ngày 19/8, 36 hộ dân đã đóng 57 miệng giếng.

Tại buổi đối thoại, các hộ dân trồng cây đã trình bày những thiệt hại về cây trồng, bày tỏ mong muốn được ngành chức năng hỗ trợ sau khi bị thiệt hại, có phương hướng giải quyết cụ thể về lâu dài.

Các hộ nuôi lươn cũng cho biết sau khi có đơn phản ánh của các hộ dân trồng cây, qua các đợt kiểm tra của ngành chức năng, cũng đã từng bước đóng tất cả các giếng khoan, tuy nhiên vẫn có nhiều thiệt hại về kinh tế.

Ông Nguyễn Minh Thành- Phó phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Long Hồ cho biết: Qua đơn phản ánh của tập thể các hộ dân thì hiện nay 36/36 hộ dân nuôi lươn tại xã Bình Hoà Phước đã trám lấp 57/57giếng, ngưng sử dụng nước giếng hoàn toàn và đã chuyển sang sử dụng nước mặt để chăn nuôi lươn.

Nguồn nước thải từ  việc nuôi lươn thải ra môi trường đạt quy chuẩn theo quy định, đặc biệt là chỉ tiêu clorua (muối).

Các hộ nuôi lươn đã trữ nước mặt để nuôi lươn.
Các hộ nuôi lươn đã trữ nước mặt để nuôi lươn.

“Ngành nông nghiệp huyện đã đề nghị Sở Nông nghiệp-PTNT hỗ trợ tìm nguyên nhân vườn cây ăn trái bị chết, suy kiệt không phục hồi được ở 2 ấp Phước Định 1 và Bình Hòa 1, khu vực Cầu Mương) xã Bình Hòa Phước để có giải pháp hỗ trợ hướng dẫn bà con khôi phục vườn cây ăn trái.

Tiếp tục hỗ trợ giống cây, con từ nguồn sự nghiệp nông nghiệp hàng năm để hỗ trợ đầu tư cho phát triển nông nghiệp; thường xuyên theo dõi, cập nhật cảnh báo tình hình hạn mặn hàng năm nhất là trong mùa khô. Bên cạnh đó, phối hợp theo dõi việc các hộ dân sử dụng nguồn nước để chăn nuôi lươn.

Tham mưu UBND huyện kịp thời xử lý theo quy định đối với các trường hợp sử dụng nước giếng khoan mà chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Thường xuyên nhắc nhở các hộ chăn nuôi lươn phải xử lý nước thải đạt quy  chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường bên ngoài”- ông Thành cho biết thêm.

Các hộ dân có vườn cây bị thiệt hại đồng tình trước việc đóng tất cả các giếng khoan của các hộ nuôi lươn, đồng thời cũng yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề xoay quanh quy trình cấp phép việc khoan giếng của các hộ chăn nuôi lươn trước đây, kiến nghị các cấp tỉnh, huyện có giải pháp hỗ trợ sinh kế cho nông dân trong thời gian tái lập vườn.

Đại diện các ngành chuyên môn tỉnh, huyện Long Hồ và Chủ tịch UBND huyện Long Hồ đã ghi nhận, giải đáp nhiều ý kiến và cho biết sẽ tiếp tục trả lời người dân bằng văn bản trong thời gian sắp tới.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh- Chủ tịch UBND huyện Long Hồ cho biết: “Vừa qua, các phòng chuyên môn cũng đã nỗ lực trong việc đóng các giếng khoan, hướng dẫn, hỗ trợ bà con chuyển đổi nuôi lươn từ nước giếng khoan, sang nước mặt cũng như mở nhiều lớp tập huấn cho bà con giảm bớt các tác nhân gây ảnh hưởng đến các vườn cây ăn trái. Bên cạnh đó huyện cũng làm đề án hỗ trợ giống cây trồng để đồng hành với bà con trong quá trình phục hồi, phát triển lại các vườn cây ăn trái. Huyện cũng đã định hướng cho các phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch cũng như phương hướng tới để đảm bảo làm sao đồng hành với nhà vườn, hộ chăn nuôi và chính quyền địa phương để cùng nhau gắn kết, phát triển kinh tế của từng hộ gia đình cá nhân và cả vùng cù lao 4 xã”.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh