(VLO) Theo ngành chức năng, thời tiết ở Vĩnh Long đang bước vào thời kỳ cao điểm ảnh hưởng của mùa mưa lũ, nhiều loại thiên tai như sạt lở bờ sông, rạch, mưa lớn, giông, lốc xoáy, triều cường, ngập lụt,… được dự báo còn diễn biến phức tạp, nguy cơ tác động lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Do đó, ngành chức năng, địa phương, người dân cũng đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ tài sản, đảm bảo sản xuất an toàn.
Bước vào thời kỳ cao điểm ảnh hưởng của mùa mưa lũ, nhiều loại thiên tai được dự báo còn diễn biến phức tạp. |
Phòng chống từ sớm, từ xa
Từ đầu năm 2024 đến nay, mặc dù các sở, ngành có liên quan, đặc biệt là các địa phương theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống thiên tai từ sớm, từ xa và chủ động khắc phục hậu quả ngay khi xảy ra, nhưng thiên tai vẫn gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân và công trình kết cấu hạ tầng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, từ đầu năm đến nay, ước tính thiệt hại về tài sản trên 14,5 tỷ đồng. Trong đó, giông, mưa lớn, gió mạnh làm hư hỏng 27 căn nhà, nhà máy xay xát lúa, trang trại chăn nuôi, gây đổ ngã hơn 1.795ha lúa, thiệt hại về tài sản trên 9,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã xảy ra 76 điểm sạt lở, làm mất 2.039m bờ sông cùng với các công trình đường giao thông nông thôn, đê bao… gây ảnh hưởng trực tiếp đến 166 hộ dân, thiệt hại về tài sản hơn 4,7 tỷ đồng.
Thời tiết ở Vĩnh Long đang bước vào thời kỳ cao điểm ảnh hưởng của mùa mưa lũ, nhiều loại thiên tai như sạt lở bờ sông, rạch, mưa lớn, giông, lốc xoáy, triều cường, ngập lụt… được dự báo còn diễn biến phức tạp, nguy cơ tác động lớn đến sản xuất và đời sống người dân.
Lo lắng trước những diễn biến bất thường của thời tiết, chú Phan Văn Ân (xã Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm) cho hay: “Mùa mưa, lũ, lo nhất là con nước tháng 8, tháng 9 tràn bờ.
Mỗi năm cứ vào mùa này là địa phương vận động người dân dọn cỏ, khai thông đường nước, chủ động trước những đợt triều cường dâng cao.
Nông dân tụi tui cũng tự chủ động bằng cách be bờ, đắp đất cho cao lên để ngăn nước, tránh ngập trong những ngày mưa nhiều. Nhà nào có điều kiện thì chủ động về máy móc, phương tiện để bơm tháo nước phòng trường hợp đỉnh triều cao, mưa lớn gây ngập kéo dài”.
Vào mùa mưa lũ, mưa lớn gây ngập, ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân. |
Ông Hồ Thế Nhu- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Long Hồ, cho hay: Ảnh hưởng biến đổi khí hậu sự tác động của dòng chảy làm cho tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng trở nên nghiêm trọng, khó lường, nhất là trong mùa mưa lũ, sạt lở xảy ra với chu kỳ nhanh hơn, cường độ mạnh hơn và thời gian kéo dài hơn, gây nhiều thiệt hại.
Theo đó, thời gian qua, để ứng phó với thiên tai, nhất là trong giai đoạn mùa mưa lũ, huyện đã nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai, có biện pháp phòng tránh nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra; chỉ đạo gia cố, duy tu sửa chữa các tuyến đê bao ngăn lũ, triều cường, quản lý chặt chẽ hệ thống cống, bộng dọc theo các tuyến sông, kênh, rạch, nhất là đối với vùng nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn trái…
Đồng thời, đôn đốc các chủ đầu tư chỉ đạo các đơn vị thi công các công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ nhằm đảm bảo hoàn thành công trình trước mùa mưa, lũ.
Tăng cường tuyên truyền, chủ động ứng phó
Ngành chức năng, địa phương tăng cường các giải pháp phòng chống, ứng phó thiên tai. |
Thực hiện Công điện số 75 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới, đồng thời, để tăng cường công tác phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là tình trạng sạt lở bờ sông và ngập úng trước, trong mùa mưa lũ năm nay, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó bão, lũ, triều cường, mưa lớn, giông lốc, sạt lở bờ sông; xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão; tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trước mùa mưa lũ và trước khi xảy ra bão, lũ theo quy định.
Song song đó, tổ chức rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, khu vực bị ngập sâu ven sông để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đối với những nơi chưa có điều kiện để di dời ngay phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Chủ động bố trí ngân sách địa phương (bao gồm cả dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác) để triển khai công tác phòng, chống, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai theo quy định với phương châm tuyệt đối không để người dân nào thiếu chỗ ở, thiếu lương thực hoặc các vật dụng thiết yếu khác, không để xảy ra bệnh dịch, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau khi thiên tai xảy ra, không để ảnh hưởng lớn đến việc học hành của học sinh.
Ông Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: Để tăng cường công tác phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai công tác bảo đảm an toàn cho hệ thống công trình thủy lợi, nhất là các công trình trọng điểm, đê bao xung yếu, đê đang sửa chữa, thi công dở dang; bảo đảm an toàn ao hầm, lồng bè nuôi trồng thủy sản, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Song song đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình phòng, chống, khắc phục sạt lở; nạo vét kênh mương theo phân cấp trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do ngập úng, sạt lở bờ sông, rạch gây ra.
Bên cạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân chằng chống nhà an toàn, phòng ngừa tốc mái khi có mưa lớn, giông lốc, khuyến cáo người dân kiểm tra, chằng chống, gia cố nhà cửa, công trình kết cấu hạ tầng, cần cắt tỉa cành cây đề phòng lốc và gió mạnh…
Bài, ảnh: THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin