Xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững

01:07, 10/07/2024

Với chủ đề "Nông dân là chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng NTM xanh, bền vững", ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh, đã có buổi đối thoại với nông dân trong tỉnh.

(VLO) Với chủ đề “Nông dân là chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng NTM xanh, bền vững”, ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh, đã có buổi đối thoại với nông dân trong tỉnh.

Đây là lần thứ 2 UBND tỉnh tổ chức chương trình đối thoại giữa người đứng đầu UBND tỉnh với nông dân.

Qua đây, nhằm phổ biến các chủ trương, chính sách; nắm bắt chính xác và giải đáp kịp thời các ý kiến, kiến nghị của nông dân; hướng đến đề xuất điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách; giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và nhất là phát huy vai trò chủ thể của người sản xuất trong phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng NTM.

Tỉnh Vĩnh Long đang thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, giải pháp về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tỉnh Vĩnh Long đang thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, giải pháp về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

“Nông dân là chủ thể, là trung tâm”

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 9 Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XIII và Chương trình hành động số 25 ngày 11/10/2022 của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo quan điểm “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng NTM” đã có những chuyển biến tích cực, trên cơ sở phát huy sức mạnh và sự quan tâm của cả hệ thống chính trị.

Nhận định “chúng ta đang ở thời điểm phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”- ông Lữ Quang Ngời cho rằng: Việc khơi dậy nội lực, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên làm giàu của người nông dân sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, quyết định thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong triển khai các mục tiêu, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Cho rằng “những năm qua, việc canh tác cam sành đã góp phần tăng thu nhập vượt trội cho người nông dân.

Tuy nhiên, đây là loại cây trồng đòi hỏi chi phí đầu tư cao, khoảng 300-350 triệu đồng/ha (trồng đất nhà, năm đầu tiên) và sẽ càng khó khăn đối với các hộ nông dân thuê đất, vay vốn sản xuất”- ông Lê Thanh Hiền- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, thông tin: Cuối năm 2023, giá cam sành có lúc giảm sâu, đã khiến cho nông dân gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Tài (ở xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn) cho hay: Năm 2023, giá cam sành liên tục ở mức thấp, các hộ trồng cam thua lỗ không thu hồi vốn được, trong khi vốn vay tới hạn trả lãi, trả nợ gốc...

“Tôi kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo hệ thống ngân hàng có cơ chế hỗ trợ để nông dân vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển sản xuất”- ông Tài đề xuất.

Khẳng định “sầu riêng là loại nông sản cho giá trị kinh tế cao và hiện nay người dân trồng sầu riêng tự phát ngày càng nhiều, không theo quy hoạch”- bà Lê Duyên Hồng (ở xã Chánh An, huyện Mang Thít) đặt câu hỏi: “Làm cách nào để nông dân trồng sầu riêng có thể tăng sức cạnh tranh với các tỉnh khác trong việc xuất khẩu loại trái cây này và có định hướng gì cho người dân trong việc phát triển diện tích sầu riêng như hiện nay?”.

Cùng với đặt câu hỏi về “những định hướng của tỉnh trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM”, ông Nguyễn Thành Trung (ở xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm) cũng muốn tìm hiểu về: “Giải pháp để tăng lượng tiêu thụ hàng hóa nông sản cho nông dân?”...

“Thực hiện thắng lợi, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra”

Tại buổi đối thoại, các hội viên, nông dân đã thẳng thắn trình bày vướng mắc đang gặp phải, cùng những mong muốn chính đáng được nhận hỗ trợ từ cơ quan nhà nước, tạo điều kiện phát triển kinh tế nông hộ và đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh cùng các sở, ngành có liên quan đã tiếp thu, giải đáp làm rõ các vấn đề được nông dân quan tâm đặt câu hỏi và gửi gắm kiến nghị.

Theo ông Lữ Quang Ngời, thời gian qua, chuyển đổi cây trồng đạt được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt đối với nhóm cây trồng chủ lực, tiềm năng của tỉnh đã góp phần nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Song, để người dân chuyển đổi hiệu quả, bền vững hơn, các địa phương cần có kế hoạch triển khai cụ thể. Đồng thời, theo dõi, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ kế hoạch sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng của tỉnh theo địa bàn phụ trách, tránh tình trạng tự phát.

“Đó là yêu cầu cần thiết mà trách nhiệm là của cơ quan quản lý nhà nước ở cấp địa phương cùng với hội nông dân- những người trực tiếp sát cánh với nông dân, cần quan tâm tuyên truyền và nắm bắt cụ thể vấn đề này để thực hiện”- ông Lữ Quang Ngời lưu ý.

Đối với cây sầu riêng, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp-PTNT chủ trì, triển khai hỗ trợ các giải pháp về xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, để xuất bán với chất lượng hiệu quả và xuất khẩu được giá trị cao; hướng dẫn quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chí về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật; phối hợp thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại… đảm bảo về chất lượng; thường xuyên kết nối, phối hợp, tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không chạy theo xu hướng.

Về cho vay tín dụng sản xuất nông nghiệp, mà cụ thể là hỗ trợ nông dân vay vốn trồng cam sành trong điều kiện sản xuất thua lỗ, được đề nghị xem xét kéo giãn thời gian trả nợ hoặc tiếp cận khoản vay mới…

“Qua phản hồi từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, tôi thống nhất với đề nghị: yêu cầu các hộ vay vốn gặp khó khăn cần thông tin cụ thể với cấp hội và liên hệ trực tiếp với các ngân hàng đang cho vay vốn để được tư vấn cụ thể, hướng dẫn thực hiện theo quy định hiện hành”- ông Lữ Quang Ngời nhấn mạnh và lưu ý: Người vay cần chủ động lập phương án sản xuất kinh doanh, phương án trả nợ hiệu quả, để đảm bảo giảm thiểu rủi ro cho chính mình và tổ chức tín dụng.

“Đối với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp-PTNT chủ trì, triển khai thực hiện. Các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra”- ông Lữ Quang Ngời nhấn mạnh.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh