Vọng mãi lời tri ân

06:07, 27/07/2024

Tháng 7, tháng của sự tri trân đối với những đóng góp lớn lao của các anh hùng liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng. Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), chúng ta cùng tưởng nhớ, tri ân về những mất mát hy sinh của các thế hệ cha anh trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, giành độc lập tự do cho dân tộc.

(VLO) Tháng 7, tháng của sự tri trân đối với những đóng góp lớn lao của các anh hùng liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng. Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), chúng ta cùng tưởng nhớ, tri ân về những mất mát hy sinh của các thế hệ cha anh trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, giành độc lập tự do cho dân tộc.

Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm đến thăm, tặng quà thương binh Huỳnh Văn Năm (ngụ xã Trung Thành Tây, Vũng Liêm).
Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm đến thăm, tặng quà thương binh Huỳnh Văn Năm (ngụ xã Trung Thành Tây, Vũng Liêm).

Tri ân người có công với cách mạng

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Thưởng (Hai Thưởng, ngụ ấp Hòa Thạnh 2, xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ) một ngày cuối tháng 7, trong căn nhà mới sửa chữa xong, ông cười: “Mừng lắm, đây là niềm vui với gia đình tôi”.

Sinh năm 1948, lúc 17 tuổi ông Hai Thưởng đi làm giao liên (năm 1965). Đi theo mấy chú mấy anh cho tới khi hòa bình lập lại, ông sống tại quê nhà, được công nhận là thương binh (thương tật 21%).

Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm cùng đoàn công tác đến thăm, tặng quà ông Nguyễn Châu Giang (thương binh, ngụ xã Quới An, huyện Vũng Liêm), nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ.
Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm cùng đoàn công tác đến thăm, tặng quà ông Nguyễn Châu Giang (thương binh, ngụ xã Quới An, huyện Vũng Liêm), nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ.

Căn nhà ông đang ở nhiều năm đã xuống cấp, năm 2023, ông Hai Thưởng được hỗ trợ 25 triệu đồng để sửa chữa. Khoản dành dụm từ 2 công ruộng do ông canh tác góp vào, hoàn thành sửa chữa căn nhà trước dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ 27/7 này.

“Sửa sang được căn nhà tôi vui mừng dữ lắm”- ông Hai Thưởng nói và cho rằng “đó là động lực để tui sống vui vẻ, khỏe mạnh, làm lụng 2 công ruộng và hoa kiểng quanh nhà, cũng là niềm vui lúc về già”. Nhà ông Hai Thưởng là 1 trong 3 căn nhà xây mới và sửa chữa (1 xây mới, 2 sửa chữa) của xã Thạnh Quới năm nay.

Đoàn viên thanh niên huyện Long Hồ đến thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Diễn (ngụ ấp Thạnh Phú, xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ).
Đoàn viên thanh niên huyện Long Hồ đến thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Diễn (ngụ ấp Thạnh Phú, xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ).

Chúng tôi đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Diễn (SN 1938, ngụ ấp Thạnh Phú, xã Thạnh Quới). Mẹ năm nay đã 86 tuổi. Chồng mẹ Diễn và con trai được công nhận là liệt sĩ.

Hiện mẹ sống cùng gia đình người con út phụng dưỡng, và với sự quan tâm chăm lo của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh nhà. Hiện tại mẹ Diễn là mẹ Việt Nam anh hùng duy nhất của xã và huyện còn sống được gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương phụng dưỡng hôm nay.

Anh Nguyễn Hữu Cường- công chức văn hóa- xã hội thuộc UBND xã Thạnh Quới cho biết, toàn xã có trên 170 đối tượng người có công với cách mạng, trong đó còn một mẹ Việt Nam anh hùng, còn lại là thương binh, bệnh binh, thân nhân người có công,...

Công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được tham mưu với đảng ủy, chính quyền xã triển khai thực hiện đạt hiệu quả, nhất là việc chăm lo, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình chính sách, người có công.

Đáng chú ý, thực hiện chi trả trợ cấp cho người có công và đối tượng bảo trợ xã hội không dùng tiền mặt, anh Cường cho biết đến nay xã đạt 100% công tác này (trên 59 người có công và 272 đối tượng bảo trợ xã hội).

“Các cô chú trong gia đình chính sách người có công hài lòng với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước. Công tác phối hợp giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với người có công nhịp nhàng, hài hòa, đưa tới việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công và thân nhân liệt sĩ đạt hiệu quả”- anh Nguyễn Hữu Cường bày tỏ.

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo cho người có công

Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ năm nay, nhằm thể hiện sự tri ân của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với người có công với cách mạng, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức 8 đoàn gồm lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng các ban ngành đã đến thăm, tặng 200 phần quà người có công với cách mạng tại 8 địa phương trong tỉnh. Tại các gia đình đến thăm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm đã ân cần thăm hỏi sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần của người có công và thân nhân liệt sĩ. Bí thư Tỉnh ủy động viên các gia đình sống vui, sống khỏe, phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

Đến thăm tặng quà ông Huỳnh Văn Năm (SN 1951, ngụ ấp Quới Hiệp, xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm), Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Nghiêm đã ân cần thăm hỏi sức khỏe, đời sống của người thương binh năm nay 73 tuổi này. Đáp lại sự quan tâm ấy, ông Năm hứa cố gắng phấn đấu là tấm gương sáng về nghị lực cho con cháu.

Ông Nguyễn Văn Thưởng (ngụ ấp Hòa Thạnh 2, xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ) trong ngôi nhà vừa sửa chữa hoàn thành.
Ông Nguyễn Văn Thưởng (ngụ ấp Hòa Thạnh 2, xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ) trong ngôi nhà vừa sửa chữa hoàn thành.

Tại gia đình ông Nguyễn Châu Giang (SN 1956, ngụ ấp Nhất, xã Quới An) là thương binh 3/4, lãnh đạo tỉnh động viên cuộc sống và hỏi thăm sức khỏe của ông và gia đình. Khẳng định Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng một cách kịp thời, đầy đủ, nhằm đảm bảo đời sống của người có công và thân nhân liệt sĩ không ngừng cải thiện, nâng lên.

Năm 2024, toàn tỉnh triển khai hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 432 căn nhà cho người có công và thân nhân liệt sĩ khó khăn về nhà ở (65 căn xây dựng, 367 căn sửa chữa). Theo ông Võ Văn Tám- Phó Giám đốc Sở Lao động-TB-XH, đến nay hầu hết các căn nhà cơ bản hoàn thành, để các gia đình đưa vào sử dụng.

Tại hội nghị tổng kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng còn lại năm 2024 của ngành lao động-TB-XH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh, lưu ý ngành và các đơn vị, địa phương thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi người có công, kết hợp tăng cường vận động nguồn lực chăm lo cho người có công, gia đình chính sách.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu đẩy mạnh các giải pháp nâng cao mức sống gia đình người có công, phấn đấu đạt mục tiêu sau 50 năm thống nhất đất nước, mức sống gia đình người có công phải bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân của người dân trên địa bàn.

Ngày 23/7, tại Hà Nội, Bộ Lao động-TB-XH, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân và UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2024, kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024). Tỉnh Vĩnh Long có 7 đại biểu đại diện người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh tham dự hội nghị biểu dương. Đó là ông, bà: Nguyễn Văn Thoại (SN 1946, thương binh), Hồ Thị Thắm (SN 1951, bị nhiễm chất độc hóa học), Đỗ Thị Khêu (SN 1955, bị nhiễm chất độc hóa học), Trần Kịch (SN 1952, thương binh, tỷ lệ 21%), Trần Văn Bình (SN 1957, thương binh, tỷ lệ 42%), Huỳnh Văn Thành (SN 1949, thương binh), Lê Văn Hoàng (SN 1958, bệnh binh).

Bài, ảnh: MINH THÁI- TẤN ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh