Viếng nghĩa trang, tri ân các anh hùng liệt sĩ

08:07, 27/07/2024

Những ngày tháng 7 lịch sử, các nghĩa trang liệt sĩ trên khắp đất nước Việt Nam luôn tấp nập những đoàn người thăm viếng, chăm sóc các phần mộ, dâng hương tri ân anh hùng, liệt sĩ.

(VLO) Những ngày tháng 7 lịch sử, các nghĩa trang liệt sĩ trên khắp đất nước Việt Nam luôn tấp nập những đoàn người thăm viếng, chăm sóc các phần mộ, dâng hương tri ân anh hùng, liệt sĩ.

Người dân đến viếng các liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long.
Người dân đến viếng các liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long.

Chúng tôi đến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long và hít hà mùi hoa sứ thoảng mùi hương dịu nhẹ. Những cây sứ trồng trước và trong khuôn viên nghĩa trang đang nở sắc trắng tinh khôi đem đến cảm giác bình yên. Nhìn cây kiểng xanh mướt, cắt tỉa đẹp mắt; các ngôi mộ được chăm sóc chu đáo, sạch sẽ, chúng tôi mới cảm nhận được những tấm lòng của những người quản trang nơi đây.

Khuôn viên nghĩa trang tỉnh rộng gần 130 ha- là nơi yên nghĩ của hơn 3.400 liệt sĩ khắp mọi miền đất nước. Trong đó có hơn 2.400 mộ liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc khách chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Em Nguyễn Thanh Trúc (Phường 9, TP Vĩnh Long) xúc động: “Sinh ra trong thời bình, khi đất nước Việt Nam đã liền một mối, thế hệ trẻ như chúng tôi chỉ biết chiến tranh qua những trang sử hào hùng, những thước phim tư liệu, những lời kể...

Nay đứng giữa hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ, chúng tôi thật xúc động, cảm nhận nổi đau mất mát của chiến tranh quá lớn. Và, chúng tôi thoả sức trải rộng lòng mình để thấm thía giá trị hạnh phúc, tự do; để thêm nâng niu quý trọng cuộc sống thanh bình mà chúng tôi đang có".

Tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tam Bình- nơi an nghỉ của hơn 2.240 liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh đế quốc Mỹ và bọn tay sai.

Sau khi chăm sóc mộ của người thân rồi thắp từng nén nhang cho các phần mộ xung quanh, chú Phạm Hoàng Hân (TP Trà Vinh) chia sẻ: “Dịp 27/7, tết hay khi về quê tôi đều đến viếng nghĩa trang để thắp nhang cho ba tôi và các anh hùng liệt sĩ.

Ba tôi hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ lúc tôi chưa tròn 1 tuổi. Tới đây, tôi cảm thấy rất xúc động và biết ơn. Khi chứng kiến hàng ngàn phần mộ, tôi cảm nhận được sự hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sĩ. Gia đình tôi cũng có nhiều người thân là liệt sĩ, nên những ngày này càng thêm ý nghĩa với tôi”.

Không có từ nào nói hết được những mất mát, hy sinh trên suốt dãy đất hình chữ S này. Hòa bình đổi thành xương máu của biết bao người con đất Việt. Nghĩa trang Hàng Dương rộng 20ha nhìn từ trên cao rợp bóng cây keo xanh mát. Đây là nơi hầu hết du khách khi có mặt tại Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu) đều ghé thăm, dâng hương.

Ở nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo, có gần 2.000 ngôi mộ được chia thành 4 khu A, B, C, D, trong đó khu vực A, B, C là các nghĩa trang cũ, và D là diện tích khu mộ mới được thiết lập. Nơi đây hàng chục nghìn người yêu nước và chiến sĩ cách mạng nhiều thế hệ đã bị tù đày và hy sinh trong khoảng thời gian từ 1862 đến 1975.

Thế nhưng, trong số gần 2.000 phần mộ tại đây, chỉ 713 ngôi mộ có thể xác định danh tính. Điều đặc biệt là mỗi phần mộ tại Nghĩa trang Hàng Dương hiện nay đều được ốp đá, có in hình ngôi sao ở giữa tượng trưng cho mỗi sinh linh đã yên nghỉ tại Côn Đảo.

Không ít bạn trẻ đã lặng đi trước những tấm bia mộ liệt sĩ vô danh tại Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo).
 Không ít bạn trẻ đã lặng đi trước những tấm bia mộ liệt sĩ gắn ngôi sao 5 cánh màu vàng tại Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo).

Mọi người nghiêng mình tri ân, thắp hương tưởng nhớ các bậc tiền bối, các anh hùng, liệt sĩ, viếng mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong; nhà yêu nước Nguyễn An Ninh; những nhân chứng lịch sử về tinh thần yêu nước, đấu tranh quât cường vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trong đó, có đồng chí Hồ Văn Năm- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người con của tỉnh Vĩnh Long.

Chúng tôi cũng chú ý đến một ngôi mộ cạnh mộ chị Võ Thị Sáu với dòng chữ nhỏ: “Liệt sĩ- AHLLVTND Hồ Văn Năm” sinh năm 1934, quê Vĩnh Long.

Và bất ngờ và xúc động khi nghe chị hướng dẫn viên giới thiệu: “Anh Năm cũng bị giặc xử bắn cùng ngày với chị Võ Thị Sáu, năm anh 16 tuổi nên mọi người chôn anh cạnh mộ chị Sáu”.

Chị Sáu trước khi ra pháp trường còn ngắt nhánh hoa lê ki ma cài trên tóc, người con gái kiên cường, bất khuất, người anh hùng “đã chết cho mùa lê ki ma nở”. Và trước mộ chị, cây lê ki ma vẫn đứng sững sững, xanh tốt như tuổi xuân của chị Sáu anh hùng mãi mãi trường tồn cùng sông núi.

Ngày nay, Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và lịch sử Đảng sống động mà bất kỳ ai đến với Côn Đảo đến thăm viếng đều không khỏi xúc động, xen lẫn niềm khâm phục, tự hào về lớp lớp thế hệ yêu nước cha ông đi trước. Không ít bạn trẻ đã lặng đi trước những tấm bia mộ liệt sĩ không có tên.

Cùng ba mẹ thắp nhang cho các mộ phần liệt sĩ, bé Bùi An Nhiên (9 tuổi, TP Vĩnh Long) để ý nhìn tên các liệt sĩ. Có liệt sĩ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, có liệt sĩ quê tận miền Bắc, miền Trung xa xôi và có rất nhiều ngôi mộ, mộ tập thể chỉ được gắn ngôi sao 5 cánh màu vàng. Bé thắc mắc hỏi ba sao mộ này lại không có tên.    

Rồi khi nghe ba giải thích các cô, chú cũng có tên nhưng vì chiến tranh nên họ bị lạc tên họ và những người thân, đồng đội đang cố gắng tìm kiếm. “Con tội nghiệp và thương các ông bà quá, ba mẹ ơi”- bé An Nhiên xúc động.

Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng những đóng góp của các anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước đã sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Các thế hệ hôm nay và mai sau sẽ mãi tri ân những hy sinh, cống hiến của biết bao anh hùng, liệt sĩ, những người đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường.

Bài, ảnh: MAI NGUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh