​Sẵn sàng để triển khai Luật Tài nguyên nước

07:07, 02/07/2024

Luật Tài nguyên nước (TNN) năm 2023 đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, đánh dấu một bước tiến lớn trong tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị TNN.

 

 

Sử dụng tài nguyên nước phải phù hợp với quy luật, điều kiện tự nhiên, cơ chế thị trường, trình độ phát triển kinh tế- xã hội.
Sử dụng tài nguyên nước phải phù hợp với quy luật, điều kiện tự nhiên, cơ chế thị trường, trình độ phát triển kinh tế- xã hội.

Luật Tài nguyên nước (TNN) năm 2023 đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, đánh dấu một bước tiến lớn trong tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị TNN.

Luật TNN 2023 gồm 10 chương và 86 điều, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ TNN thông qua 4 nhóm chính sách, gồm: bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế TNN; bảo vệ TNN, phòng, chống tác hại do nước gây ra.

Một trong những nguyên tắc cốt lõi của luật là TNN phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về TNN, nguồn nước với trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn; giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, có lỗ hổng trong các luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TNN, bảo đảm an ninh TNN quốc gia; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia...

Theo đó, hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý TNN hướng tới quản trị TNN quốc gia trên nền tảng công nghệ số. Bên cạnh, ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác, tích trữ, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cho sinh hoạt, sản xuất của người dân ở các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn…

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành cho biết, bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật. Ngoài ra, ngay khi các văn bản quy định chi tiết thi hành luật được ban hành, bộ cũng đã có 3 văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phổ biến văn bản cũng như sẵn sàng triển khai khi các văn bản nêu trên có hiệu lực thi hành.

Theo Phó Cục trưởng Cục TNN Ngô Mạnh Hà, Luật TNN năm 2023 có rất nhiều điểm mới, tác động đến nhiều đối tượng, góp phần thay đổi rất lớn phương thức quản trị TNN ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Luật TNN được xây dựng theo hướng quy định tất cả các nội dung về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng TNN, phòng, chống tác hại do nước gây ra đồng thời quy định rõ “quản cái gì, quản như thế nào và ai quản”. Đặc biệt, Luật TNN có hiệu lực sẽ hướng tới nâng cao mức đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh TNN hiệu quả trong khu vực Đông Nam Á, tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới. Cùng với đó, vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước cho sinh hoạt được đặc biệt chú trọng, trong đó quy định việc kiểm soát các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

Bên cạnh đó, luật cũng bổ sung quy định về điều hòa, phân phối TNN; trong đó quy định cụ thể việc xây dựng kịch bản nguồn nước, tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra trên các lưu vực sông.

Cùng với đó, luật cũng bổ sung các quy định về phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác TNN nhằm nâng cao ý thức bảo vệ, sử dụng nước tiết kiệm; sửa đổi, bổ sung quy định về tiền cấp quyền khai thác TNN nhằm tính đúng, tính đủ giá trị TNN.

Đồng thời, luật đã bổ sung quy định xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm. “Luật ưu tiên phục hồi các “dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm sống lại các dòng sông”- ông Ngô Mạnh Hà cho biết.

Cũng theo ông Ngô Mạnh Hà, Luật TNN và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, trong đó luật đã giao cho địa phương thực thi 28 nội dung để tổ chức thi hành (điều tra cơ bản, phương án khai thác trong quy hoạch tỉnh, lập, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt, lập và ban hành danh mục hồ ao không được san lấp...).

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã có văn bản giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 274 ngày 2/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật TNN số 28/2023/QH15 trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh