Phòng chống thiên tai là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng và thường xuyên

06:07, 03/07/2024

Phóng viên Báo Vĩnh Long đã có buổi phỏng vấn ông Lưu Nhuận- Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp-PTNT) về tình hình thiên tai, những khó khăn trong công tác PCTT và giải pháp, kiến nghị trong thời gian tới.

 

Nằm ở trung tâm ĐBSCL, được đánh giá là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi, song, những năm qua, tại Vĩnh Long, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Ngành chức năng, địa phương, người dân cũng đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để phòng chống thiên tai (PCTT), tuy nhiên, vẫn còn nhiều thiệt hại xảy ra.

Phóng viên Báo Vĩnh Long đã có buổi phỏng vấn ông Lưu Nhuận- Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp-PTNT) về tình hình thiên tai, những khó khăn trong công tác PCTT và giải pháp, kiến nghị trong thời gian tới.

* Xin ông cho biết tình hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua? Thiên tai đã gây ảnh hưởng và thiệt hại về kinh tế, đời sống người dân như thế nào, thưa ông?

- Trong giai đoạn năm 2014-2023, tỉnh Vĩnh Long chịu ảnh hưởng bởi một số loại hình thiên tai như giông lốc, mưa lớn, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, triều cường,... gây thiệt hại về nhà ở, sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh, ước thiệt hại khoảng 800 tỷ đồng. Đáng kể nhất là sạt lở bờ sông, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 812 điểm sạt lở, làm mất 24.356,5m bờ sông, rạch, ảnh hưởng trực tiếp đến 817 hộ dân.

Xâm nhập mặn lên mức kỷ lục liên tiếp 2 mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020, gây thiệt hại lớn đến cây trồng, thủy sản và nguồn nước sinh hoạt của người dân. Triều cường ở mức nước dâng kỷ lục liên tiếp trong các năm 2019-2022 đã gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhất là các khu vực đô thị.

Đặc biệt trong năm 2022, triều cường đạt mức kỷ lục mới (tại trạm Mỹ Thuận: 2,17m trên mức báo động III 0,37m), vượt đỉnh triều cường lịch sử năm 2019 (trạm Mỹ Thuận: 2,12m).

* Trong thời gian qua, công tác PCTT đã có những thuận lợi nào và còn gặp những khó khăn, tồn tại nào, thưa ông?

- Thời gian qua, các cấp chính quyền và người dân trong tỉnh rất quan tâm đến công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn. Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống hạn, mặn.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành chỉ thị, xem công tác PCTT nói chung, trong đó có công tác phòng chống hạn mặn là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng và thường xuyên của cả hệ thống chính trị trong tỉnh.

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch PCTT, phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và ứng phó với triều cường, mưa lũ hàng năm, đặc biệt là năm 2015-2016, 2019-2020 và giai đoạn 2023-2025 do tác động của hiện tượng El Nino nhằm bảo vệ sản xuất và dân sinh.

Công tác tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin về tình hình thiên tai được thực hiện nhanh, có hiệu quả, có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan trong và ngoài tỉnh trong trao đổi thông tin, đặc biệt là với BCĐ Trung ương về PCTT. Công tác tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT đã được chú trọng và thực hiện nhiều hơn…

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thành quả đạt được, công tác quản lý, tổ chức PCTT và tìm kiếm cứu nạn vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Cụ thể, tiến độ thực hiện các dự án, công trình xây dựng cơ bản và duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, giao thông kết hợp PCTT thực hiện chậm, kết quả còn thấp.

Một số nơi, một số thời điểm, người dân, chính quyền còn chủ quan, lơ là trong công tác PCTT. Sạt lở bờ sông vẫn còn xảy ra nhiều nơi, nhưng còn thiếu biện pháp phòng ngừa, chỉ tập trung khắc phục hậu quả. Do thiếu kinh phí nên số điểm, tuyến được xử lý khắc phục rất ít, chỉ chiếm khoảng 20-30% so với nhu cầu. Công tác xử lý, khắc phục hậu quả sạt lở bờ sông các huyện chưa tự chủ, do có kinh phí lớn còn trông chờ vào tỉnh.

Bên cạnh đó, việc vận động các hộ dân sống vùng sạt lở và nguy cơ sạt lở di dời đến nơi ở mới còn nhiều trở ngại. Các chính sách hỗ trợ thiệt hại thiên tai, hỗ trợ người dân khôi phục lại nhà ở và sản xuất còn thấp không đủ để người dân tái thiết lại sản xuất…

* Để chủ động phòng chống ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, thời gian tới, ngành chức năng sẽ có những giải pháp gì, thưa ông?

- Ngày 1/7/2024, Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực, công tác PCTT là một nội dung trong Luật Phòng thủ dân sự. Trong khi chờ nghị định Chính phủ hướng dẫn thi hành. Thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tham mưu UBND tỉnh kiện toàn ban chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp, ngành.

Đồng thời, thường xuyên cập nhật, bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó với thiên tai; tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị về tăng cường công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.

Đôn đốc thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm phục vụ phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai nhằm góp phần bảo vệ dân cư và ổn định sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai nhằm phục vụ tốt cho công tác phòng, chống, ứng phó khi thiên tai xảy ra…

Bên cạnh đó, đề nghị các bộ ngành có liên quan chỉ đạo, triển khai rộng ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ về sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL, hỗ trợ các tỉnh, thành về dự báo sạt lở bờ sông, rạch, trước mắt tập trung cho những khu vực sạt lở trọng điểm trên các tuyến sông chính tại các khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, khu du lịch, khu quốc phòng an ninh.

Song song đó, hỗ trợ tỉnh đào tạo, nâng cao phát triển nguồn lực, phát triển khoa học công nghệ trong phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó và giảm nhẹ tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu; hỗ trợ về thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Hỗ trợ tỉnh đầu tư thực hiện giải pháp công trình.

Trong đó, đề nghị xem xét, hỗ trợ đầu tư thêm các khu vực sạt lở bờ sông đặc biệt nguy hiểm có quy mô lớn nhưng chưa được bố trí vốn để đầu tư xây dựng công trình, gồm: 6 khu vực, dài 4.790m, tổng kinh phí đầu tư khoảng 577 tỷ đồng. Đề nghị Bộ GT-VT hỗ trợ tỉnh đầu tư nâng cấp các đường giao thông thường xuyên bị ngập lụt để kết hợp với ngăn lũ, ngăn triều, nước dâng như QL53, QL54…

* Xin cảm ơn ông!

THẢO LY (thực hiện)

 

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh