Phiên chất vấn và trả lời chất vấn: Đại biểu mong muốn có giải pháp thích ứng BĐKH và cải thiện, phát triển ngành du lịch

05:07, 10/07/2024

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021- 2026, đại biểu đã chất vấn đề nước sạch, biến đổi khí hậu và phát triển du lịch. Đây là nhóm vấn đề được nhiều cử triđại biu quan tâm vì liên quan đến sản xuất, đời sống, phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. 

Xem video

 

(VLO) Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021- 2026, đại biểu đã chất vấn đề nước sạch, biến đổi khí hậu và phát triển du lịch. Đây là nhóm vấn đề được nhiều cử tri, đại biu quan tâm vì liên quan đến sản xuất, đời sống, phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. 

Đồng chí Bùi Văn Nghiêm- điều hành phiên chất vấn.
Đồng chí Bùi Văn Nghiêm- điều hành phiên chất vấn.

Sớm giải quyết nước sạch cho người dân

Đại biểu Nguyễn Bá Tòng- đơn vị huyện Tam Bình chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Bá Tòng- đơn vị huyện Tam Bình chất vấn.

Chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, đại biểu Nguyễn Bá Tòng (Tổ đại biểu đơn vị huyện Tam Bình) thông tin kiến nghị của cử tri ấp Tường Trí B (xã Tường Lộc-Tam Bình) về việc phát triển tuyến ống nước máy dài 450m, để 16 hộ dân nơi đây có nước máy sinh hoạt- do nguồn nước ô nhiễm.

Những kiến nghị này từ năm 2022 nhưng đến nay vẫn không được giải quyết. Nguyên nhân do đâu, kinh phí đầu tư tuyến ống là bao nhiêu và giải pháp trong thời gian tới như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Bá Tòng- đơn vị huyện Tam Bình chất vấn.
Ông Trương Thành Dãnh- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT trả lời chất vấn.

Trả lời việc này, ông Trương Thành Dãnh- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho hay, ngành đã trả lời nhiều lần. Những dự án kéo nước phải lập hồ sơ dự toán thường là có chiều dài lớn và số tiền khá lớn. Riêng khu vực này, đường ống dài khoảng 450m, ngành đã lập dự toán đã lâu.

Kinh phí đầu tư khoảng 23 triệu đồng. Đơn vị cung cấp nước cũng đề nghị bà con cử tri cùng chính quyền địa phương xã hội hoá. Đối với 16 hộ thì chia bình quân mỗi hộ khoảng 1,4 triệu đồng. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường sẽ cử cán bộ kỹ thuật, công nhân hỗ trợ kéo đấu nối cho bà con.

Thông tin tại nhiều nơi cũng đã thực hiện xã hội hoá kéo ống nước, ông Trương Thành Dãnh cho rằng “những mong muốn của cử tri là chính đáng”. Ngành cũng đã trao đổi, thời gian tới sẽ phối hợp với UBND huyện chỉ đạo xã hội hoá.  Dự kiến, trong 6 tháng cuối năm nay sẽ giải quyết nước sạch cho các hộ dân nơi đây.

Giải pháp thích ứng hiệu quả BĐKH

Liên quan biến đổi khí hậu và sạt lở bờ sông, đại biểu Nguyễn Bá Tòng cho biết:  Hiện nay tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), khô hạn, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông ngày càng diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến môi trường, sản xuất, sinh hoạt đời sống của Nhân dân. Sở Nông nghiệp- PTNT có kế hoạch và giải pháp gì tối ưu để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại và thích ứng có hiệu quả, phát triển bền vững trong thời gian tới?

Ông Trương Thành Dãnh cho biết, phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH là lĩnh vực tương đối rộng và dài. Về dự báo, hiện nay tình hình xâm nhập mặn, thời tiết bão, đã có cơ quan Trung ương cập nhật liên tục, tỉnh chỉ chuyển tiếp. Thời gian qua, thông tin báo bão, hạn mặn của tỉnh liên tục cập nhật 2 lần/ngày. Đối với cảnh báo sạt lở, thì dự báo chính xác là rất khó. Song ngành vẫn cố gắng làm tốt công tác này.

Đối với thủy lợi và đê bao cống đập, hiện toàn tỉnh có trên 5.400km đê bao, bờ sông, kinh rạch. Trong đó, chỉ mới làm bê tông 16km. Việc ảnh hưởng bởi BĐKH sạt lở là rất lớn, song điều kiện kinh phí còn khó khăn. Tuy nhiên, toàn tỉnh đã đê bao bên ngoài để đảm bảo 94% diện tích đất nông nghiệp sản xuất là tốt. Thực trạng hiện nay khó, vướng là thuỷ lợi nội đồng bên trong.

Hiện, các cống kênh bồi lắng, thậm chí người dân san lấp làm ảnh hưởng lớn đến lưu thông nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt. Vấn đề này, sẽ triển khai nạo vét ngay những con kinh thuộc phạm vi trách nhiệm, quyền hạn đã phân cấp.

Cũng theo ông Trương Thành Dãnh, trên thực tế, điều kiện kinh phí của tỉnh rất khó khăn. Đến thời điểm này, chỉ mới làm kè bê tông 16km. Trong khi đó, Vĩnh Long có khoảng 5.400km tuyến bờ sông, kinh rạch, không có khả năng để đầu tư hết. Do đó, ngành đã tham mưu cùng với bà con trồng cây xanh, kết hợp những giải pháp truyền thống thời gian qua rất có hiệu quả.

Về quy hoạch và quản lý quy hoạch, ông Trương Thành Dãnh cho biết, tỉnh đã được Trung ương phê duyệt, ngành đang chuẩn bị trong năm nay sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt 4 kế hoạch thực hiện quy hoạch thuộc các lĩnh vực thủy lợi, nước sạch, trồng trọt, chăn nuôi- thủy sản.

Giải pháp để ngành du lịch cải thiện, phát triển?

Đại biểu Hồ Văn Ngoan- đơn vị huyện Long Hồ chất vấn về phát triển du lịch.
Đại biểu Hồ Văn Ngoan- đơn vị huyện Long Hồ chất vấn về phát triển du lịch.

Để khắc phục các yếu kém, tạo bứt phá ngành du lịch Vĩnh Long phát triển thành ngành quan trọng theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, đại biểu Hồ Văn Ngoan- (Tổ đại biểu đơn vị huyện Long Hồ) nêu chất vấn: Với vai trò là Giám đốc quản lý ngành du lịch, ông tham mưu đề xuất gì với UBND tỉnh và có giải pháp nào để ngành du lịch Vĩnh Long cải thiện, phát triển?

Trả lời việc này, Giám đốc Sở Văn hóa- TT- DL Phan Văn Giàu cho biết, hoạt động du lịch của tỉnh có chuyển biến tích cực sau đại dịch COVID-19. Đến cuối năm 2024, lượt khách và doanh thu phục hồi và phát triển mạnh.

Ông Phan Văn Giàu- Giám đốc Sở Văn hóa- TT – DL trả lời chất vấn.
Ông Phan Văn Giàu- Giám đốc Sở Văn hóa- TT – DL trả lời chất vấn.

Cụ thể, ước đạt 1,7 triệu lượt khách với doanh thu khoảng 830 tỷ đồng, tăng trưởng 13,5% so với trước dịch. So 6 tỉnh trong cụm phía Đông vùng ĐBSCL thì lượt khách và doanh thu du lịch của tỉnh đứng thứ 4 trong 6 tháng đầu năm 2024.

Toàn tỉnh có 124 cơ sở lưu trú với 1.588 phòng, tăng lên đáng kể, tuy nhiên chưa có khách sạn 4, 5 sao và resort cao cấp.

Việc triển khai một số đề án, dự án còn chậm do mang tính phức tạp và phải thực hiện các quy trình thủ tục theo quy định nên ảnh hưởng đến việc thúc đẩy phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ. Song song đó, sản phẩm du lịch chủ yếu tập trung vào du lịch sinh thái.

Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù. Qua đó, tập trung triển khai xây dựng các sản phẩm đặc thù của tỉnh gồm du lịch Homestay, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề và du lịch văn hóa.

Nhằm tạo dựng thương hiệu, thời gian qua Sở tập trung xây dựng thương hiệu du lịch với những nét riêng qua các sản phẩm: xác lập kỷ lục Việt Nam 100 món ăn, thức uống chế biến từ khoai lang Bình Tân; điểm du lịch nhà gốm Tư Buôi đạt kỷ lục Việt Nam “Ngôi nhà 3 gian 2 chái truyền thống bằng gốm đỏ Vĩnh Long lớn nhất tại Việt Nam”…Qua đó đã tạo được điểm nhấn đối với du khách khi nhắc đến du lịch Vĩnh Long.

Thời gian tới, để thúc đẩy du lịch phát triển, Sở Văn hoá-TT-DL tiếp tục phối hợp triển khai nghị quyết, đề án, kêu gọi đầu tư thu hút doanh nghiệp. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công sự kiện Festival gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 và các hoạt động hưởng ứng kích cầu du lịch...

Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án phát triển kinh tế đêm khu vực Bến cảng hành khách đến công viên Phường 9 (TP Vĩnh Long); tập trung xây dựng các sản phẩm đặc thù, sản phẩm đặc trưng, giá trị cao như Di sản Mang Thít, Bảo tàng Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường công khai minh bạch hoạt động du lịch trên nền tảng mạng xã hội, Cổng Thông tin du lịch.

Trả lời tình trạng “chặt chém”, ông Phan Văn Giàu cho biết “đây là tình trạng xảy ra không phổ biến”. Hầu hết các cơ sở đã có niêm yết giá, hướng đến phát triển kinh doanh ổn định, lâu dài. Sở đã công bố đường dây nóng về quản lý du lịch để phản ánh kịp thời, mong muốn các ngành, địa phương, đoàn thể cùng cộng đồng trách nhiệm trong xử lý vấn đề.

Đặt ra vấn đề trữ nước ngọt

Điều hành phiên chất vấn, liên quan vấn đề nước sạch, biến đổi khí hậu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Văn Nghiêm cho hay, trước tình hình BĐKH ĐBSCL không còn thời hoàng kim nước ngọt quanh năm. Đây là vấn đề đặt ra mà tất cả các cấp ủy, chính quyền, người dân có giải pháp để tập trung, đảm bảo chống khô hạn và xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước. Cùng với đó, vấn đề đặt ra là trữ nước ngọt ở đâu, khi đóng cống, nước cạn khô thì nước đâu để sản xuất, sinh hoạt?

Cũng theo Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Văn Nghiêm, trước đây, chúng ta chỉ ngăn, nhưng bây giờ phải trữ- đây là giải pháp rất quan trọng. Theo đó, phải làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trước tác động BĐKH ngày càng gay gắt, ảnh hưởng đến sản xuất, nước sinh hoạt của người dân.

Người dân phải tiết kiệm nguồn nước để phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt; tuyên truyền để người dân ngay từ bây giờ phải quý, tiết kiệm nguồn nước, đảm bảo môi trường vì sức khoẻ của gia đình, cộng đồng. Bên cạnh, phối hợp tổ chức cuộc vận động làm sạch môi trường các kinh rạch, dòng sông. Các ngành, đoàn thể phải tham gia. Mỗi gia đình phải cam kết bảo vệ môi trường cho cả khu dân cư, dòng sông, khu vực mình quản lý.

Cùng với đó, xây dựng đề án phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước và chống sạt lở. Hiện, Tỉnh uỷ đang dự thảo nghị quyết về phòng khô hạn, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước và chống sạt lở. Thời gian tới, cần có kế hoạch cụ thể; phát động mỗi ấp hoặc liên ấp, cứ khoảng 400- 500ha phải có hồ trữ nước; tận dụng các dòng sông, kinh rạch lớn làm sạch để trữ nước. Thí điểm một vài nơi đảm bảo điều kiện để triển khai.

Bí thư Tỉnh ủy giao trách nhiệm, phân cấp từng địa phương chịu trách nhiệm, của tỉnh, huyện, xã và xã hội hoá, không phải những công trình của nhà nước, mà từng mảnh vườn, thửa ruộng phải có ao hồ trữ nước.

Công ty CP Cấp nước sinh hoạt đô thị phải xây dựng nhà máy cung cấp nước lớn để phục vụ cho cả tỉnh. Trước mắt, cung cấp cho các đơn vị, sau đó, nếu tình hình diễn biến nữa thì trực tiếp cấp đến Nhà máy nước sinh hoạt nông thôn để cấp ra những hộ nhỏ lẻ.

Đề nghị UBND tỉnh mời các chuyên gia ở các nước có tình hình xâm nhập mặn gần giống như tỉnh Vĩnh Long để nghiên cứu phương án lâu dài. Về sạt lở, phải có giải pháp đâu là kè cứng, đâu là kè mềm. Đồng thời, mời đơn vị tư vấn quy hoạch lại cặp các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên, di dời để không gian phát triển du lịch và các điều kiện khác.

TƯƠI- TÂN- NGA (thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh