Tăng cường duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi nội đồng

Cập nhật, 05:30, Thứ Tư, 12/06/2024 (GMT+7)

Để phát huy hiệu quả sử dụng của hệ thống công trình, nhất là công trình thủy lợi nhỏ, nội đồng đồng bộ với các công trình thủy lợi đầu mối, tạo nguồn đã được đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện rà soát hiện trạng các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đã được phân cấp quản lý, khai thác, đặc biệt là các tuyến kênh nội đồng; xem xét cân đối, bố trí các nguồn vốn do cấp huyện, cấp xã quản lý để xây dựng kế hoạch thực hiện nạo vét, duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi đã xuống cấp, năng lực sử dụng kém.

Đồng thời, tăng cường xã hội hóa đầu tư cho thủy lợi, huy động sự đóng góp của tổ chức, hộ dân hưởng lợi từ công trình để đầu tư thực hiện duy tu, sửa chữa, cải tạo các công trình thủy lợi nội đồng, phục vụ tốt hơn cho sản xuất của người dân.

Theo UBND tỉnh, công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng có vai trò rất quan trọng đối với việc sản xuất nông nghiệp, trực tiếp cấp, tiêu thoát nước đến từng khu sản xuất, từng thửa ruộng của nông dân và là điều kiện để phát huy hiệu quả đồng bộ với các công trình thủy lợi lớn.

Do đầu tư còn thấp nên năng lực phục vụ chưa cao, còn nhiều kênh, rạch trong nội đồng, trong vùng đê bao bị bồi lắng, chưa được phát hoang, khơi thông dòng chảy... Vì vậy, tình trạng bị ngập hay bị thiếu nước cục bộ còn xảy ra ở một số nơi, gây ảnh hưởng, thiệt hại đến cây trồng, vật nuôi của nông dân.

Từ năm 2015-2023, mỗi năm, bằng các nguồn vốn khác nhau, các huyện, thị, thành phố đầu tư từ 40-55 tỷ đồng, cấp xã đầu tư từ 1,2-2,2 tỷ đồng (chủ yếu tại huyện Vũng Liêm và Bình Tân) để thực hiện nạo vét kênh, rạch, tu sửa cống, trạm bơm, đập thủy lợi nội đồng.

NGUYÊN KHANG