Phát huy hiệu quả công trình thủy lợi nội đồng

Cập nhật, 13:30, Thứ Ba, 18/06/2024 (GMT+7)

(VLO) Theo ngành nông nghiệp, phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng góp phần nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi, phục vụ nhu cầu sử dụng nước đa dạng trong nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Các công trình thủy lợi nội đồng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Các công trình thủy lợi nội đồng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Trên cơ sở các quy hoạch được duyệt về phát triển thủy lợi và quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch xây dựng thủy lợi tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong những năm qua từ nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh đã đầu tư để xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhiều hệ thống công trình, công trình thủy lợi... góp phần quan trọng, có hiệu quả trong chuyển dịch, phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong đó, các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng có vai trò rất quan trọng đối với việc sản xuất nông nghiệp, trực tiếp cấp, tiêu thoát nước đến từng khu sản xuất, từng thửa ruộng của nông dân và là điều kiện để phát huy hiệu quả đồng bộ với các công trình thủy lợi lớn.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, từ năm 2015-2023, mỗi năm, bằng các nguồn vốn khác nhau như: xây dựng cơ bản, sự nghiệp thủy lợi, quỹ phòng chống thiên tai, kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, vốn huy động người dân đóng góp... các huyện, thị, thành phố đầu tư từ 40-55 tỷ đồng, cấp xã đầu tư từ 1,2-2,2 tỷ đồng (chủ yếu tại huyện Vũng Liêm và Bình Tân) để thực hiện nạo vét kênh, rạch, tu sửa cống, trạm bơm, đập thủy lợi nội đồng.

Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm, tính đến tháng 5/2024, các xã, thị trấn thực hiện thủy lợi nội đồng đạt hơn 90 công trình, với tổng chiều dài trên 41.700m, tổng kinh phí thực hiện trên 1,1 tỷ đồng.

Trong đó, sửa chữa 20 công trình đê bao với chiều dài gần 2.400m, tu sửa 13 đập với chiều dài 190m, nạo vét 59 công trình kênh với chiều dài trên 39.100m.

Theo ông Lê Văn Thăm- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm, thời gian qua, huyện đã tập trung duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, đê bao, cống đập để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả các công trình thủy lợi trên địa bàn.

Tuyên truyền, vận động người dân nạo vét, vệ sinh kênh mương, chủ động giữ ngọt, sử dụng nước ngọt tiết kiệm; tiếp tục phối hợp vận hành có hiệu quả hệ thống cống ngăn mặn, tiếp ngọt trên địa bàn, nhằm phát huy tối đa công năng của công trình.

Theo đó, các công trình thủy lợi đã góp phần ngăn lũ bảo vệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nâng cao hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích sản xuất.

Tại huyện Trà Ôn, nhiều người dân cho hay, nhờ vận hành tốt hệ thống thủy lợi nội đồng nên quá trình sản xuất nông nghiệp đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Chú Nguyễn Thanh Phong (ngụ xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn) cho hay: “Trước đây khi chưa được đầu tư nạo vét thủy lợi nội đồng, một số tuyến kênh bị tắc nghẽn, thiếu nước tưới tiêu trong sản xuất, nhất là vào mùa khô.

Nhưng hiện nay được địa phương quan tâm nạo vét kênh, mương bị bồi lắng, bà con nơi đây rất phấn khởi và an tâm do hệ thống các kênh nội đồng đã được hoàn chỉnh.

Gia đình tôi canh tác rau màu, cây ăn trái quanh năm mà không lo thiếu nước sản xuất, nhờ đó, có thu nhập ổn định”.

Ông Hồ Văn Ba- Phó Chủ tịch UBND xã Tích Thiện (huyện Trà Ôn) cho biết: Thời gian qua, xã đã tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người dân về tình hình biến đổi khí hậu, tác hại của thiên tai; khuyến cáo lịch thời vụ, biện pháp canh tác giúp người dân nhận thức, chủ động tích cực tham gia trong công tác thủy lợi nội đồng, phòng, chống thiên tai.

Song song đó, địa phương cũng tăng cường thực hiện nạo vét hệ thống kênh nội đồng đảm bảo khơi thông dòng chảy và trữ nước; đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét các tuyến kênh nội đồng để đưa vào phục vụ trong sản xuất và dân sinh.

Tuy nhiên, theo ngành chức năng, việc đầu tư các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua phần lớn tập trung cho các công trình xây dựng mới, cải tạo những công trình thủy lợi tạo nguồn, thủy lợi đầu mối có quy mô lớn (như cống Vũng Liêm, Tân Dinh, đê bao sông Măng Thít...).

Đầu tư cho thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng cũng được các huyện, thị xã, thành phố và các xã quan tâm thực hiện nhưng còn thấp, chưa đồng bộ với các công trình, hệ thống công trình thủy lợi quy mô lớn đã được Trung ương, tỉnh đầu tư.

Bên cạnh đó, do đầu tư còn thấp nên năng lực phục vụ của một số công trình thủy lợi nội đồng chưa cao, còn nhiều kênh, rạch trong nội đồng, trong vùng đê bao bị bồi lắng, chưa được phát hoang, khơi thông dòng chảy...

Vì vậy, tình trạng bị ngập hay bị thiếu nước cục bộ còn xảy ra ở một số nơi, gây ảnh hưởng, thiệt hại đến cây trồng, vật nuôi của nông dân.

Để phát huy hiệu quả sử dụng của hệ thống công trình trong thời gian tới, nhất là công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đồng bộ với các công trình thủy lợi đầu mối, tạo nguồn đã được đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện như: phòng nông nghiệp-PTNT, phòng kinh tế và hạ tầng, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện... và UBND cấp xã tổ chức thực hiện rà soát hiện trạng các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đã được phân cấp quản lý, khai thác, đặc biệt là các tuyến kênh nội đồng; xem xét cân đối, bố trí các nguồn vốn do cấp huyện, cấp xã quản lý để xây dựng kế hoạch thực hiện nạo vét, duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi đã xuống cấp, năng lực sử dụng kém.

Đồng thời, tăng cường xã hội hóa đầu tư cho thủy lợi, huy động sự đóng góp của tổ chức, hộ dân hưởng lợi từ công trình để đầu tư thực hiện duy tu, sửa chữa, cải tạo các công trình thủy lợi nội đồng, phục vụ tốt hơn cho sản xuất của người dân.

Bài, ảnh: THẢO LY