Nỗi lo sạt lở mùa mưa bão

Cập nhật, 14:47, Thứ Ba, 11/06/2024 (GMT+7)

 

Sạt lở gây ảnh hưởng đến giao thông, thiệt hại tài sản của người dân.
Sạt lở gây ảnh hưởng đến giao thông, thiệt hại tài sản của người dân.

Bước vào mùa mưa, nhiều hộ dân sống ven sông, trong vùng nguy cơ sạt lở lại thêm thấp thỏm nỗi lo sạt lở. Theo đó, để bảo vệ an toàn cho người dân, các địa phương, ngành chức năng cũng đã chủ động theo dõi, phòng ngừa và ứng phó với sự cố thiên tai trong mùa mưa bão.

Sạt lở gia tăng

Đầu tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số điểm sạt lở trên các tuyến sông lớn, gây ảnh hưởng giao thông và thiệt hại đến tài sản của người dân. Cụ thể, mới đây, đoạn sạt lở đê bao sông Măng thuộc xã Tân Long Hội (huyện Mang Thít) dài 38m, rộng 6m, sâu 3m, ảnh hưởng 2 căn nhà của người dân và tuyến đường đan dài 10m.

Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người, tuy nhiên trên đoạn đường này xuất hiện rất nhiều vết nứt song song với chân đê bao và sạt lở còn đang tiếp tục ăn sâu, có nguy cơ sụp toàn bộ đoạn đan này. Nguyên nhân sạt lở ban đầu được xác định là do đoạn đê bao nằm khu vực sông cong tạo vòng nước xoáy gây mất đất và lún sụp.

Ông Nguyễn Văn Bé Hai- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long Hội (huyện Mang Thít) cho biết: Ngay sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã vận động người dân di dời đồ đạc đến khu vực đảm bảo an toàn nhằm hạn chế thiệt hại.

Đồng thời, địa phương cũng đã liên hệ với chủ đầu tư, các ngành có liên quan để sớm có biện pháp gia cố, khắc phục đoạn sạt lở. Đoạn sông này thuộc khúc co của dòng chảy nguy cơ sạt lở rất cao. Địa phương đề xuất ngành chức năng nghiên cứu làm rọ đá, gia cố kè để đảm bảo có sự bồi lắng, giảm nguy cơ sạt lở trên tuyến đê bao.

Còn tại xã Tân An Luông (huyện Vũng Liêm) cũng vừa xảy ra sạt lở tại khu vực gần cầu Gò Ân, chiều dài khoảng 60m. Khoảng 100m toàn tuyến nguy cơ sạt lở thêm. Sạt lở làm 2 nhà tiền chế, bờ kè và một số tài sản của 4 hộ dân rơi xuống sông.

Trước đó, trên tuyến sông Cái Cao thuộc địa bàn ấp Phú Thạnh (xã Phú Đức, huyện Long Hồ) cũng đã xảy ra điểm sạt lở chiều dài gần 100m gây ảnh hưởng đến giao thông nông thôn, việc đi lại của người dân khó khăn, nhất là khi triều cường dâng cao. Sạt lở không gây thiệt hại về người và tài sản, ước thiệt hại do sụp lún đất khoảng 100 triệu đồng.

Có nhà ven sông Cái Cao, chú Nguyễn Văn Hai (xã Phú Đức, huyện Long Hồ) cho hay: “Nhiều năm trở lại đây, tuyến sông này thường xảy ra sạt lở, nhất là bước vào thời điểm mưa bão. Tôi rất lo. Mong ngành chức năng quan tâm và sớm có biện pháp khắc phục tình trạng sạt lở”.

Tăng cường tuyên truyền, chủ động ứng phó

Ông Hồ Thế Nhu- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Mang Thít cho biết: Ảnh hưởng biến đổi khí hậu, sự tác động của dòng chảy làm cho tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng trở nên nghiêm trọng, khó lường, nhất là trong mùa mưa lũ, sạt lở xảy ra với chu kỳ nhanh hơn, cường độ mạnh hơn và thời gian kéo dài lâu hơn gây nhiều thiệt hại nặng nề.

Theo khảo sát địa bàn huyện Long Hồ, có 30 điểm nguy cơ sạt lở cao nằm trên các tuyến sông, kênh chính, nhiều hộ dân sống ven sông chịu sự đe dọa, ảnh hưởng của sạt lở đất, nhất là tuyến sông Mương Lộ đi qua 2 xã Hòa Ninh và Đồng Phú với chiều dài gần 600m đang có dấu hiệu sạt lở, gây ảnh hưởng trực tiếp khoảng 100 hộ dân và 200ha vườn cây ăn trái cần phải có giải pháp khắc phục.

“Công tác phòng chống sạt lở bờ sông gặp nhiều khó khăn như: sạt lở bờ sông xảy ra ngày càng nhiều, nguồn kinh phí địa phương hạn hẹp nên chủ yếu khắc phục khu vực đã xảy ra sạt lở, còn khu vực có nguy cơ sạt lở cao thì chưa thực hiện. Giải pháp kè sinh thái trước đây chưa được chú trọng, chủ yếu tuyên truyền vận động người dân thực hiện bảo vệ khu vực đất canh tác của mình, chỉ khắc phục khi xảy ra sạt lở còn mang tính bị động, chưa chủ động trước trong phòng chống sạt lở do thiếu nguồn kinh phí. Mức hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng thiên tai theo quy định còn thấp so với mức thiệt hại của người dân phải chịu là quá lớn, nhất là những trường hợp thiên tai khẩn cấp làm mất đất, mất nhà, diện tích canh tác, không còn tư liệu sản xuất, cuộc sống người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn”- ông Nhu cho biết thêm.

Theo ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp-PTNT), thời gian qua, toàn tỉnh xảy ra 4 loại hình thiên tai gây thiệt hại gồm sạt lở, hạn mặn, dông lốc, triều cường. Trong đó, sạt lở, hạn mặn gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của người dân. Năm qua, UBND tỉnh cũng đã quyết định công bố 6 khu vực sạt lở nguy hiểm. Thời gian qua, ngành chức năng, địa phương đã thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, kịp thời huy động lực lượng, phương tiện, vật tư hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do sạt lở gây ra.

Đồng thời, tổ chức cắm biển cảnh báo các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở cao để có các biện pháp thích hợp phòng tránh hoặc giảm thiệt hại, di dời dân ra khỏi khu vực đang xảy ra sạt lở; sử dụng cây cỏ và các vật liệu tại chỗ để chắn sóng, chống xói lở bờ...

Tuy nhiên, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường, sạt lở bờ sông, kênh, rạch xảy ra nhiều nơi nhưng công tác phòng tránh sự cố này chỉ được thực hiện thông qua công tác cảnh báo là chính, chưa có những công cụ dự báo hiệu quả về nguy cơ sạt lở, do đó công tác chủ động ứng phó của chính quyền và người dân còn hạn chế.

Trong khi đó, kinh phí dành cho công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục thiên tai còn hạn chế, đặc biệt là khắc phục sạt lở tại các huyện, thị xã, thành phố (mỗi năm xảy ra hàng trăm điểm/tuyến sạt lở, nhưng do thiếu kinh phí nên số điểm/tuyến được xử lý khắc phục rất ít, khoảng vài chục điểm/tuyến).

Thời gian tới, ngành chức năng, địa phương sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát bờ sông, kênh, rạch ngay trong đầu mùa mưa bão, đồng thời vận động người dân sống khu vực có nguy cơ sạt lở di dời đến nơi ở an toàn và thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, xây dựng kè sinh học, nhằm hạn chế sạt lở xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng, giao thông, đi lại của người dân.

Song song đó, kiến nghị triển khai rộng ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ về sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL, hỗ trợ các tỉnh, thành về dự báo sạt lở bờ sông, rạch, trước mắt tập trung cho những khu vực sạt lở trọng điểm trên các tuyến sông chính tại các khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, khu du lịch, khu quốc phòng an ninh.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG