Nguyện noi gương, tiếp bước bác Hai Phạm Hùng

Cập nhật, 06:46, Thứ Ba, 11/06/2024 (GMT+7)

 

Những người con Vĩnh Long hôm nay nguyện phấn đấu, tiếp bước để trở thành thế hệ kế thừa xứng đáng. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH
Những người con Vĩnh Long hôm nay nguyện phấn đấu, tiếp bước để trở thành thế hệ kế thừa xứng đáng. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) Phạm Hùng sinh ra trên mảnh đất Long Phước, Long Hồ. Những người con Vĩnh Long hôm nay luôn tự hào về nhà lãnh đạo tài năng của dân tộc với nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nguyện phấn đấu, tiếp bước để trở thành thế hệ kế thừa xứng đáng.

Một địa chỉ đỏ để nhớ về bác Hai

Hơn 75 năm tuổi đời và 60 năm tham gia hoạt động cách mạng, Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng được Đảng và Nhân dân tin tưởng giao nhiều trọng trách trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong thời kỳ tái thiết, xây dựng đất nước. Để tưởng nhớ công lao người con ưu tú của quê hương, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng Khu lưu niệm Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng để giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Khu lưu niệm là địa chỉ đỏ giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước cho nhiều thế hệ.
Khu lưu niệm là địa chỉ đỏ giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước cho nhiều thế hệ.

Khu lưu niệm tái hiện phòng biệt giam đồng chí Phạm Hùng tại Côn Đảo từ 1934-1945, ngôi nhà làm việc của ông tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam (tỉnh Tây Ninh) từ 1967-1975 và căn phòng làm việc của ông tại Hà Nội đến năm 1988.

Chị Lê Thị Huỳnh Trang- Trưởng Ban Quản lý Khu lưu niệm Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng, cho biết: “Gần 300 hiện vật, hình ảnh gửi gắm câu chuyện về thân thế, sự nghiệp, cuộc đời hoạt động cách mạng của bác Hai Phạm Hùng và những tình cảm mà ông dành cho quê hương. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ góp phần bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước và khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho nhiều thế hệ đoàn viên, học sinh, sinh viên”.

Theo chị Huỳnh Trang, trong 6 tháng đầu năm 2024, có gần 30.000 lượt khách về thăm khu lưu niệm. Đặc biệt là từ năm 2023, khu lưu niệm đã thực hiện số hóa hình ảnh 3D kèm theo thuyết minh và các thông tin cần thiết cho nghiên cứu, thưởng lãm. Đây là bước chuyển đổi số để khu lưu niệm có thể gần gũi hơn với công chúng, phục vụ du khách và những bạn trẻ tìm về những câu chuyện lịch sử.

Vừa qua, khi về thăm khu lưu niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã góp ý phương án chỉnh trang để tăng thêm sự gần gũi, kết nối được sinh hoạt của công chúng, với ý nghĩa tri ân những cống hiến của Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng.

Phương án chỉnh trang hướng tới tăng cường sự thân thiện, tái sắp xếp cảnh quan, mở rộng không gian xanh trong sự hợp lý, nhằm tạo sự thu hút, tiện nghi cho công chúng và du khách đến dâng hương, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, chú ý đảm bảo vấn đề an ninh trật tự, chú trọng nội dung tuyên truyền giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ...

Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm, cho biết, phương án chỉnh trang hướng tới sự thân thiện và vẫn đảm bảo sự trang nghiêm, không phá bỏ những công trình đã có, bổ sung thêm lối đi dành cho người khuyết tật; tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo các tầng lớp nhân dân đến tham quan, dâng hương, tưởng niệm Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng. 

Sáng 11/6, tất cả 15 xã, thị trấn của huyện Long Hồ tổ chức trưng bày bánh dân gian và cắm hoa nghệ thuật với chủ đề “Tri ân”, dâng lên tưởng nhớ Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng. Chiều cùng ngày, Sở Văn hóa-TT-DL tổ chức chương trình giao lưu đờn ca tài tử, thông qua hoạt động kỷ niệm nhằm góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, truyền thống yêu nước cho các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tiếp bước người con ưu tú của quê hương

Buổi sáng đầu tháng 6, dù đã bước vào hè nhưng cô Phạm Ngọc Tố Quỳnh- Bí thư Đoàn Trường THPT Phạm Hùng, và đông đảo các bạn học sinh của trường về thăm Khu lưu niệm bác Hai Phạm Hùng. Thầy và trò có những giây phút lắng lại cùng xem những thước phim tư liệu và hình ảnh, hiện vật về thân thế, sự nghiệp cách mạng của bác Hai.

Cô Phạm Ngọc Tố Quỳnh chia sẻ: “Các trường học ở huyện Long Hồ đều đồng lòng phối hợp công tác chăm sóc, bảo tồn Khu lưu niệm Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng. Nhà trường thường xuyên tổ chức các lớp ngoại khóa đến khu lưu niệm để các em hiểu được những gian khó mà bác Hai đã từng trải qua trong quá trình hoạt động cách mạng, ý chí kiên định của người chiến sĩ “dạ sắt gan đồng”, từ đó góp phần bồi dưỡng truyền thống cách mạng, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để lực lượng thanh niên rèn luyện, phấn đấu và học tập noi theo”.

Theo chị Lê Thị Huỳnh Trang, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long và Phòng GD-ĐT huyện Long Hồ đã tổ chức lễ ký kết phối hợp công tác chăm sóc, bảo tồn Khu lưu niệm Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng. Các đơn vị phối hợp hiệu quả trong việc tổ chức hoạt động chăm sóc, vệ sinh tại khu lưu niệm. Phối hợp tổ chức tuyên truyền, giáo dục về văn hóa địa phương, di tích, di sản văn hóa,…

Qua những tư liệu, hiện vật, thế hệ hôm nay thấu hiểu những gian khổ, hy sinh của ông cha.
Qua những tư liệu, hiện vật, thế hệ hôm nay thấu hiểu những gian khổ, hy sinh của ông cha.

Tổ chức các buổi nói chuyện, các hội thi tìm hiểu về di tích, di sản văn hóa, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng trong các hoạt động giáo dục của nhà trường. Sự phối hợp của các đơn vị nhằm nâng cao nhận thức và lòng tự hào của học sinh trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương. Khẳng định công lao to lớn và tôn vinh những đóng góp của đồng chí Phạm Hùng- Người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long trong sự nghiệp cách mạng.

Đồng thời, giúp thế hệ trẻ nâng cao nhận thức vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, góp phần giữ gìn môi trường luôn xanh- sạch- đẹp; cùng chung tay bảo vệ và phát huy giá trị di tích một cách tốt nhất.

Em Nguyễn Chí Hiển- lớp 11T1, Trường THPT Phạm Hùng, bộc bạch: “Được học tập và rèn luyện trong ngôi trường mang tên bác Hai Phạm Hùng, em vô cùng xúc động và tự hào. Mỗi lần về thăm khu lưu niệm, những câu chuyện kể lại một lần nữa khiến chúng em khâm phục và nguyện noi theo tinh thần vượt khó, nỗ lực cống hiến hết mình của người chiến sĩ cách mạng kiên trung”.

Thông qua hoạt động kỷ niệm góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, truyền thống yêu nước, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Thông qua hoạt động kỷ niệm góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, truyền thống yêu nước, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh- Bí thư Huyện Đoàn Long Hồ, chia sẻ: Tinh thần kiên trung bất khuất, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc của Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng để thế hệ trẻ hôm nay phấn đấu ra sức học tập và rèn luyện.

Tuổi trẻ huyện Long Hồ hôm nay nguyện phấn đấu noi gương bác Hai, không ngừng học tập, hăng hái thi đua, lao động, sản xuất với khát vọng xây dựng quê hương, đất nước. Bằng những việc làm cụ thể, tiếp tục thể hiện tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, cùng chung tay thực hiện các công trình, phần việc xây dựng NTM, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và chăm lo đời sống người dân.

Trong sổ ghi cảm tưởng tại Khu lưu niệm Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính viết: Tưởng nhớ những công lao, cống hiến của đồng chí Phạm Hùng, chúng ta nguyện noi gương, tiếp bước, không ngừng học tập tấm gương mẫu mực và đạo đức cách mạng của đồng chí; nêu cao tinh thần tự giác rèn luyện, giữ gìn đạo đức trong sáng, giản dị và liêm khiết, hết lòng vì nước, vì dân; nỗ lực phấn đấu, quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ