Nâng thu nhập, đưa xã về đích nông thôn mới

05:06, 26/06/2024

Trong xây dựng NTM, thu nhập (TN) là một trong những tiêu chí gắn liền với cuộc sống người dân nông thôn, thể hiện chất lượng cuộc sống của người dân. Để giúp người dân nâng cao TN, các địa phương trong huyện Vũng Liêm đã đề ra nhiều giải pháp. Cùng với đó, người dân trong xã đã chủ động chuyển đổi mô hình, tìm hướng đi để nâng cao TN trên cùng diện tích canh tác và tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi.

(VLO) Trong xây dựng NTM, thu nhập (TN) là một trong những tiêu chí gắn liền với cuộc sống người dân nông thôn, thể hiện chất lượng cuộc sống của người dân. Để giúp người dân nâng cao TN, các địa phương trong huyện Vũng Liêm đã đề ra nhiều giải pháp. Cùng với đó, người dân trong xã đã chủ động chuyển đổi mô hình, tìm hướng đi để nâng cao TN trên cùng diện tích canh tác và tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi.

Thêm nguồn thu từ các mô hình hiệu quả

Thấy có người quen ở Bến Tre làm mô hình dệt thảm xơ dừa khá hiệu quả, ông Nguyễn Văn Chiến (ở ấp Trường Thọ, xã Trung Thành Tây) đã bàn bạc với vợ là bà Nguyễn Ngọc Phương, tận dụng mặt bằng rộng có sẵn ở nhà mở cơ sở ra để gia công và vận động người dân địa phương tận dụng thời gian nhàn rỗi đến làm để có thêm TN.

Nhờ chuyển ruộng lên vườn, giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Trong ảnh: Đoàn khảo sát của tỉnh tham quan các mô hình kinh tế và tìm hiểu đời sống người dân.
Nhờ chuyển ruộng lên vườn, giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Trong ảnh: Đoàn khảo sát của tỉnh tham quan các mô hình kinh tế và tìm hiểu đời sống người dân.

Hiện, cơ sở dệt thảm xơ dừa nhận gia công nhiều mặt hàng theo yêu cầu của công ty, chủ yếu là các loại thảm, lưới... Đây là các sản phẩm thân thiện với môi trường, chủ yếu xuất khẩu sang nước ngoài.

Ông Chiến cho biết, mỗi cuộn lưới ông được công ty trả 113.000- 115.000đ (tùy vụ). Trừ chi phí, tiền lời không nhiều, nhưng nhờ số lượng, mỗi ngày dệt được khoảng 40-50 cuộn lưới. Mô hình này hiện tạo việc làm thường xuyên cho 12 người, tiền công được trả theo sản phẩm.

“Chủ yếu là giúp người dân có thêm TN lúc nhàn rỗi”- ông Chiến cho hay và bày tỏ mong muốn được tiếp cận với chương trình khuyến công để mua sắm thêm máy móc, tạo thêm việc làm cho người dân.

Tuyến đường Quang Trạch- Quang Đức (Miễu Ông Tà) thuộc xã Trung Chánh vừa được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa. Dọc hai bên đường, xen lẫn nhà dân là những thửa ruộng, rẫy màu xanh tươi.

Ngồi nghỉ trưa cạnh chòi canh rẫy, anh Phạm Minh Việt (ở ấp Quang Đức) cho biết, anh đã chuyển 7 công đất lúa sang trồng màu. Vụ rồi anh trồng dưa leo, dưa hấu, cho TN ổn. Vụ này, anh tiếp tục xuống giống trồng dưa leo và trồng thêm 4 công bí hồ lô. Anh hy vọng vụ mùa này sẽ đem đến cho gia đình anh TN khá.

Tận dụng diện tích rộng quanh sân nhà, chị Phạm Thị Thùy Dương (ở ấp Rạch Chim, xã Trung Chánh) rào lưới nuôi 1.200 con gà nòi lai thả vườn. Chị chủ yếu cho gà ăn thức ăn chăn nuôi kết hợp với thuốc bổ và cho ăn liên tục, “để lúc nào gà cũng có thể ăn, không phải tranh thức ăn với nhau”- chị Dương nói.

Vào cử trưa, chị còn tranh thủ xắt chuối cây và bằm ra để tạo thêm nguồn thực phẩm cho đàn gà. Chị Dương cho hay: Mấy mùa trước nuôi gà cũng khá “êm”, giúp gia đình có nguồn thu khá. Thông thường, nuôi gà khoảng 110 ngày là có thể xuất bán. Hiện giá bán hơn 70.000 đ/kg.

Có giải pháp tác động để tăng thu nhập

Năm 2024, xã Trung Thành Tây và Trung Chánh thực hiện lộ trình về đích NTM. Bên cạnh các mô hình kinh tế nêu trên, các xã còn có các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả như nuôi chồn hương, nuôi nhím, trồng bưởi da xanh, trồng tắc... Các mô hình này đã và đang đem lại TN khá cho nông hộ.

Mô hình nuôi gà thả vườn giúp cho các nông hộ có nguồn thu khá.
Mô hình nuôi gà thả vườn giúp cho các nông hộ có nguồn thu khá.

Tuy nhiên, trong sản xuất nông nghiệp, người dân xã Trung Thành Tây đang gặp khó do hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu về phục vụ sản xuất. Hiện, đất nông nghiệp đang bị thiếu nước, phèn nhiều...

Tại buổi làm việc với các địa phương, ông Lê Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, lưu ý Phòng Nông nghiệp-PTNT cần phối hợp chặt chẽ với xã khảo sát thi công trạm bơm, nạo vét kinh nội đồng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho rằng: Mục đích cuối cùng trong NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến các tiêu chí, nhà ở, hộ nghèo và TN. Riêng về tiêu chí TN, xã cần xác định rõ thế mạnh của xã là gì để tác động kịp thời.

Tuy nhiên, nếu tác động nông nghiệp thì cần phải lâu dài vì sản xuất nông nghiệp có độ trễ nhất định, cần có thời gian để đến kỳ thu hoạch, đánh giá hiệu quả... Theo đó, cần rà soát đối tượng lao động chưa có việc làm để phối hợp hỗ trợ đào tạo theo địa chỉ, giải quyết việc làm.

Ông Lê Văn Dũng cũng đề nghị, địa phương tự đánh giá mức độ đạt tiêu chí TN để có hướng phấn đấu. Để xây dựng xã đạt chuẩn NTM năm 2024 thì TN bình quân đầu người phải đạt 59 triệu đồng/năm trở lên. Như vậy, đến nay xã đã đạt tới đâu.

Đồng thời, cần xem xét 4 nhóm TN là sản xuất nông nghiệp- thủy sản, công nghiệp- dịch vụ, lao động tiền lương và TN khác, thì đâu là nguồn TN chính của người dân trong xã, để từ đó có tác động cho phù hợp.

“Về lâu dài, Phòng Nông nghiệp-PTNT cần phối hợp với UBND các xã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đi vào thực chất, để không chỉ đưa các xã về đích xã NTM, mà còn xây dựng huyện Vũng Liêm đạt chuẩn huyện NTM trong thời gian tới”- ông Lê Văn Dũng lưu ý.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh