Nâng cao trách nhiệm quản trị, sử dụng hiệu quả nguồn nước

Cập nhật, 06:02, Thứ Tư, 19/06/2024 (GMT+7)

(VLO) Biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, nguồn nước ngầm suy giảm… khiến vùng ĐBSCL đối mặt với sụt lún, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất- sinh hoạt nghiêm trọng. Thực tế đặt ra yêu cầu cần có giải pháp kịp thời, trong đó, cần có trách nhiệm hơn trong quản trị, sử dụng hiệu quả nguồn nước, để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận nước sạch.

Mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Long có tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch đạt trên 99%.
Mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Long có tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch đạt trên 99%.

Tại hội thảo “Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng ĐBSCL” được tổ chức tại TP Cần Thơ mới đây, ông Bùi Trọng Lực- Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước- Công trình đô thị Hậu Giang, cho biết, tỉnh đang xây dựng hồ chứa 100ha, đã thực hiện xong giai đoạn 1 là 50ha.

Để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn, năm 2010, tỉnh đã chấp thuận chủ trương xây dựng 15 giếng ngầm, nhưng chỉ được khai thác nước các giếng này khi nước mặn xâm nhập hay có sự cố về môi trường.

Đến nay nguồn nước ngầm chỉ chiếm 3-4% nguồn cấp nước của đơn vị, còn lại chủ yếu là nước mặt. Hiện các trạm cấp nước của công ty đã liên kết với nhau để điều tiết lưu lượng.

Về giải pháp lâu dài, hiện nay đã và đang thử nghiệm bổ cập nước ngầm ở các nhà máy. Vào mùa mưa, sản xuất dư thì chúng tôi dùng nước đã đạt tiêu chuẩn để bổ cập nước ngầm với lưu lượng 2.000 m3/ngày.
Vào mùa khô thì khai thác lên, tương ứng 2.000 m3/ngày. Hiện có 2 dự án đang thử nghiệm việc này, có sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài về chuyên môn, kinh phí.

Cho biết nước mặt sông Sài Gòn và sông Đồng Nai là 2 nguồn nước thô chính để xử lý và cung cấp nước sạch cho TP Hồ Chí Minh, bà Võ Xuân Khanh- Trưởng bộ phận Kỹ thuật, Sản xuất (Phòng Kỹ thuật Công nghệ- Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) chia sẻ, BĐKH với những hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, mưa bão, hạn hán đang ảnh hưởng lớn đến ngành cấp nước.

Những hiện tượng cực đoan này đe dọa kết cấu hạ tầng; có thể làm thay đổi khả năng cung cấp của tài nguyên nước (khối lượng và chất lượng).

Theo đó, Sawaco trang bị các thiết bị giám sát chất lượng cho các trạm cấp nước; phối hợp liên ngành, liên địa phương trong ứng phó xử lý các sự cố.

Đồng thời triển khai các giải pháp ứng phó khẩn cấp cho người dân khi sự cố kéo dài trên 12 giờ: cung cấp nước bằng xe bồn, bồn nước tập trung. Cung cấp nước thông qua các túi nước khẩn cấp. Về giải pháp dài hạn có việc cải tạo lại hệ thống cấp nước theo các DMZ.

“Chúng ta đang hướng đến kinh tế xanh, số, tuần hoàn. Trong ngành cấp nước cũng đang nâng cao nhận thức rằng nước là nguồn tài nguyên có thể tái sử dụng, tuần hoàn.

Các đơn vị khai thác, sử dụng phải có trách nhiệm hơn trong quản trị nguồn nước, sử dụng hiệu quả, xử lý nguồn nước cho sản xuất phải đáp ứng được tiêu chuẩn trước khi xả thải, để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận nước sạch trong tương lai”, bà Khanh nhấn mạnh.

Ông Phạm Văn Sỹ- chuyên viên Cục BĐKH (Bộ TN-MT) cho biết, thời gian qua, bộ đã xây dựng được các chính sách liên quan đến ứng phó BĐKH.

Trong đó, vùng ĐBSCL sẽ có các hoạt động như điều tra đánh giá các nguồn nước dưới đất, phát triển vùng nguyên liệu hướng đến phát triển bền vững, xây dựng các công trình giao thông...

Ông Phạm Văn Sỹ đề xuất một số giải pháp như cần xây dựng chiến lược tổng thể, bảo vệ sử dụng bền vững các nguồn nước ở ĐBSCL; giảm tình trạng sụt lún do khai thác nước ngầm; xây dựng các tuyến dân cư, nhà ở để chủ động hỗ trợ người dân trong các trường hợp cần thiết…

PGS.TS Trần Bá Hoằng- Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, cho rằng, việc phát triển ĐBSCL cần theo hướng thích nghi có kiểm soát, chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên, làm giảm mức độ rủi ro, bấp bênh trong các hoạt động kinh tế- xã hội. Bên cạnh các giải pháp công trình, thì giải pháp phi công trình rất quan trọng.

Quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên nước.
Quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên nước.

Đó là các công trình để trữ nước trong hệ thống kênh, rạch; mương vườn; trên ruộng (đối với lúa); trong các dụng cụ trữ nước; các công trình thủy lợi nội đồng, kiểm soát cửa sông. Bộ Nông nghiệp-PTNT cũng cho rằng cần nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn cho người dân.

Trong đó, ở vùng ngọt và vùng ngọt có ảnh hưởng mặn thì sử dụng nguồn nước từ sông chính, các kênh trong hệ thống thủy lợi (sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông).

Với các vùng mặn ngọt luân phiên và vùng lợ mặn thì sử dụng kết hợp các nguồn dẫn nước từ vùng ngọt về, sử dụng nước ngầm (hạn chế), xây dựng hồ trữ nước ngọt. Cùng với đó là xây dựng các hồ chứa phân tán.

Tại Vĩnh Long, ông Võ Quốc Bảo (Sở TN-MT)- chủ nhiệm đề tài “Phân vùng môi trường nước mặt phục vụ phát triển bền vững tỉnh Vĩnh Long”, cho biết, từ các kết quả nghiên cứu cho thấy, sông rạch trên địa bàn tỉnh chịu đựng nguồn thải rất lớn từ sinh hoạt, chảy tràn.

Nhìn chung, nguồn thải phân tán chiếm tới 89% lượng thải đưa vào môi trường nước. Do đó, cần kiểm soát được nguồn thải phân tán này để bảo vệ nguồn nước mặt.

Ông cho biết thêm, đề tài nhằm đánh giá hiện trạng chất lượng nước mặt, nguồn thải vào nguồn nước mặt tỉnh Vĩnh Long trong điều kiện BĐKH; đánh giá khả năng tự làm sạch và khả năng chịu tải của hệ thống sông, rạch; đề xuất phân vùng môi trường nước mặt và quy hoạch các vùng xả thải vào nguồn nước mặt tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2025-2030. Đồng thời, đề xuất giải pháp quản lý chất lượng môi trường nước mặt phục vụ phát triển bền vững tỉnh Vĩnh Long.

Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quan điểm là quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, nước.

Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch đạt trên 99%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 97%.

 Theo đó, đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp nước đô thị, nông thôn và các khu chức năng để đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt; ưu tiên xây dựng công trình cấp nước tập trung. Đồng thời, xây dựng, nâng cấp các nhà máy nước có công suất đáp ứng nhu cầu sử dụng nước tại các đô thị và khu vực thiếu nước ngọt vào mùa khô…

Theo Sở Xây dựng, năm 2023, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung khu vực đô thị đạt 99,2%, đạt 100% so kế hoạch. Năm 2024, phấn đấu nâng chỉ tiêu tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung khu vực đô thị đạt 99,3%.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU