Kỷ niệm 113 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2024)

"Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi..."

Cập nhật, 06:32, Thứ Năm, 06/06/2024 (GMT+7)
Bến Nhà Rồng- nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.Ảnh: Intenet
Bến Nhà Rồng- nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.Ảnh: Intenet
“Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta...”. Đây là lý do để người thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống tàu xuất dương vào ngày 5/6/1911.
 
Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học, một địa phương có truyền thống yêu nước.
 
Từ lúc tuổi còn nhỏ, Người sớm được tiếp cận với các tư tưởng lớn của phương Đông, hấp thụ vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, Hán học và bước đầu tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Chứng kiến cảnh khổ cực của người dân mất nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của cha anh, Người càng yêu nước, thương dân sâu sắc và hun đúc những hoài bão lớn lao.
 
Vốn có tư chất thông minh, tinh thần ham học hỏi, khả năng tư duy độc lập, tính ham hiểu biết và nhạy bén với cái mới, Người bị lôi cuốn bởi khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái” và thôi thúc bởi ý định tìm hiểu “cái gì ẩn dấu sau” những từ đẹp đẽ đó ở chính nước sinh ra khẩu hiệu đó.
 
Những tư tưởng tiến bộ của cuộc cách mạng ở Pháp năm 1789, thành tựu văn minh, tiến bộ của nhân loại ở Pháp và các nước châu Âu khác đã thúc đẩy Người muốn đến tận nơi tìm hiểu. Đó chính là những lý do Nguyễn Tất Thành quyết định chọn nước Pháp, chọn châu Âu làm điểm đến đầu tiên trong cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước.
 
Ngày 5/6/1911, với tên mới là Văn Ba, Nguyễn Tất Thành đã lên tàu L”Admiral Latouche Tréville (một tàu lớn vừa chở hàng, vừa chở khách của hãng Năm Sao của Pháp) với vai trò phụ bếp, rời bến cảng Nhà Rồng ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Một ngày lao động của Người từ 4 giờ sáng hàng ngày đến 9 giờ tối, suốt tháng không có ngày nghỉ. Ông chủ chỉ trả cho Người mỗi tháng không quá 50 phrăng, là thứ tiền công rẻ mạt nhất cho một lao động.
 
Một tháng sau đó, lần đầu tiên Người đặt chân lên đất Pháp. Người chứng kiến ở nước Pháp cũng có những người nghèo như ở xứ sở của mình. Người nói với người bạn điều mình nghĩ: “Tại sao người Pháp không “khai hóa” đồng bào của nước họ trước khi đi “khai hóa” chúng ta?”.
 
Năm 1912, Người làm thuê cho một chiếc tàu hãng Chargeurs Réunis của Pháp đi vòng quanh châu Phi. Năm 1913, Người đến nước Anh và kẹt lại nơi đây vì cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất đang nổ ra ở lục địa châu Âu từ năm 1914-1917. Người làm nghề quét tuyết cho một trường học. Sau đó, Người chuyển sang làm nghề đốt lò. Đây là một công việc rất nặng nhọc: trong hầm hết sức nóng, ra ngoài trời cực kỳ rét, không có đủ quần áo. Tiếp đó, Người đến làm thuê ở các khách sạn.
 
Cuối năm 1917, Người trở lại nước Pháp. Người vừa hoạt động chính trị, vừa phải kiếm sống một cách chật vật. Người dành nhiều thời gian đi sâu sát những khu vực có đông Việt kiều, vận động, cổ vũ tinh thần yêu nước, tố cáo tội ác của bọn thực dân đế quốc, dần dần trở thành linh hồn của Hội Những người Việt Nam yêu nước tại Pháp.
 
Đại diện Hội Những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam”, gồm 8 điểm và được viết bằng tiếng Pháp gửi tới Hội nghị Hòa bình Versailles vào ngày 18/6/1919, đòi chính phủ Pháp ân xá các tù chính trị, thực hiện các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.
 
Dù bản yêu sách phản ánh nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam không được Hội nghị Hòa bình Versailles xem xét nhưng nó lại tác động mạnh mẽ đến người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Bản yêu sách đã được đăng toàn văn trên báo Nhân đạo (L” Humanité) và trên báo Dân chúng (Le Populaire).
 
Ngoài bản tiếng Pháp, bản yêu sách còn có bản chữ quốc ngữ theo thể văn vần, nhan đề “Việt Nam yêu cầu” và một bản chữ Hán nhan đề “An Nam nhân dân thỉnh nguyện thư” để gửi cho Việt kiều ở Pháp và bí mật gửi về nước. Tổng cộng, 6.000 bản yêu sách đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tự bỏ tiền túi để in. Một tiếng vang nữa là ngày 18/9/1919, bản yêu sách được đăng trên báo Yiche Pao (Nghị xã báo) xuất bản ở Thiên Tân (Trung Quốc).
 
Ngày 2/8/1919, bài “Vấn đề bản xứ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Nhân đạo (L’Humanité) cũng nhắc lại những nội dung chính bản yêu sách và khẳng định nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam là chính đáng.
 
Ngày 6/9/1919, Albert Sarrau- Bộ trưởng Bộ Thuộc địa (từng là Toàn quyền Đông Dương) đã đích thân gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trụ sở Bộ Thuộc địa. Ngay ngày hôm sau, Người viết thư đòi Albert Sarraut thực thi bản yêu sách.
 
Trên hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến các nước tư bản tiên tiến nhất lúc bấy giờ là Pháp, Mỹ, Anh… và các nước thuộc địa trên thế giới. Người nhận ra bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa và khẳng định: “Đấu tranh giành độc lập thì phải dựa vào sức mình để giải phóng mình, đừng bao giờ hy vọng, trông chờ vào sự “ban ơn” của chính quyền tư sản”.
 
Năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Người nhớ lại: “Điều mà tôi muốn biết hơn cả- và cũng chính là điều mà người ta không thảo luận trong cuộc họp là: Vậy thì cái quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa? Trong một cuộc họp, tôi đã nêu câu hỏi ấy lên, câu hỏi quan trọng nhất đối với tôi... Và một đồng chí đã đưa cho tôi đọc Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo Nhân đạo”.
 
Sau khi tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (12/1920), tại Thủ đô Paris của nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số đồng chí là người của các thuộc địa Pháp đã tham gia thành lập Hội Liên hiệp Các dân tộc thuộc địa (1921) và đến năm 1922, Người trở thành chủ lực trong việc xuất bản tờ báo Người cùng khổ (Le Paria) làm cơ quan ngôn luận hội này.
 
Bắt đầu từ cuối năm 1923, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã theo học Trường ĐH Cộng sản của những người lao động Phương Đông. Trường được thành lập tại Thủ đô Moskva của nước Nga Xô viết vào năm 1921. Sau Đại hội V Quốc tế III (tháng 6/1924), Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Ủy viên Thường trực Bộ Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam của Quốc tế III.
 
Khi được Quốc tế III cử hoạt động tại Trung Quốc, Người cùng với các đồng chí của mình là người Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Indonesia, Miến Điện… tham gia sáng lập Hội Liên hiệp Các dân tộc bị áp bức (1925). Lúc đó, Người mang tên Lý Thụy, là một trong những người lãnh đạo của hội đồng thời cũng là người trực tiếp phụ trách Chi bộ Việt Nam của Hội Liên hiệp Các dân tộc bị áp bức.
 
“Bản án chế độ thực dân Pháp” (Le Procès de la Colonisation Fran-aise) là cuốn sách tập hợp các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các tờ báo ở Pháp và ở Liên Xô từ năm 1921-1924. Cuốn sách gồm 12 chương và phần phụ lục được một số đồng chí của Người xuất bản lần đầu tiên tại Thư quán lao động (Libraire du Travail) ở Paris vào năm 1925. Cuốn sách này của Người đã làm sáng tỏ thêm quan điểm của V.I. Lênin về chủ nghĩa đế quốc, góp phần làm phong phú thêm chủ nghĩa Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa.
 
Tàu Đô đốc Latouche Tréville, nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước, ngày 5/6/1911.Ảnh: Internet
Tàu Đô đốc Latouche Tréville, nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước, ngày 5/6/1911.Ảnh: Internet
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã khẳng định con đường cứu nước, giải phóng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm ra là đúng đắn. Trong Bản Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “những lẽ phải không ai chối cãi được”. Đó là: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
 
Kỷ niệm sự kiện 113 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước gắn với kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Người, chúng ta càng hiểu rõ hơn về cuộc đời cách mạng và tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng dịp cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu sâu sắc hơn về những cống hiến to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và thế giới.
Bình Nguyên
(Sưu khảo)