Nhiều nguyên nhân khiến cây trồng cháy lá, rụng lá

07:06, 01/06/2024

Qua buổi khảo sát vào ngày 30/5 tại nhiều vườn chôm chôm, sầu riêng tại các xã An Bình, Đồng Phú và Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ), theo Chi cục Trồng trọt- BVTV tỉnh (Sở Nông nghiệp-PTNT), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cháy lá, rụng lá trên cây như: độ mặn, nắng nóng, kỹ thuật canh tác, cách chăm sóc…

(VLO) Qua buổi khảo sát vào ngày 30/5 tại nhiều vườn chôm chôm, sầu riêng tại các xã An Bình, Đồng Phú và Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ), theo Chi cục Trồng trọt- BVTV tỉnh (Sở Nông nghiệp-PTNT), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cháy lá, rụng lá trên cây như: độ mặn, nắng nóng, kỹ thuật canh tác, cách chăm sóc…

Đoàn khảo sát tại các vườn cây ăn trái các xã cù lao.
Đoàn khảo sát tại các vườn cây ăn trái các xã cù lao.

Ngày 30/5, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Long Hồ phối hợp Chi cục Trồng trọt-BVTV, các ban, ngành có liên quan đã đến khảo sát tình hình thiệt hại vườn cây ăn trái tại các xã cù lao huyện Long Hồ do ảnh hưởng khô hạn, xâm nhập mặn.

Qua khảo sát, đoàn đã phát hiện nhiều vườn cây, đặc biệt là chôm chôm và sầu riêng có biểu hiện cháy lá, rụng lá. Một số vườn có biểu hiện chết nhánh.

Trước đó, đoàn công tác huyện Long Hồ cũng đã tiến hành 2 đợt khảo sát hiện trạng cây trồng trong mùa nắng nóng tại các xã cù lao huyện Long Hồ.

Nhiều vườn chôm chôm bị cháy lá do nắng nóng, độ mặn.
Nhiều vườn chôm chôm bị cháy lá do nắng nóng, độ mặn.

Qua đó, đoàn công tác xác định nguyên nhân sầu riêng, chôm chôm, mai vàng bị cháy lá, khô đọt, chết nhánh, chết cây, lá dúm lại không phải chỉ bị ảnh hưởng từ nước xả thải trực tiếp của hộ nuôi lươn ra sông, rạch gây ra mà còn do nhiều yếu tố khác gây nên như do thời tiết nắng nóng, mùa khô hạn kéo dài, nhiệt độ môi trường tự nhiên cao, kỹ thuật canh tác của các hộ dân khác nhau, bỏ vườn lâu ngày không tưới dẫn đến hiện tượng cây bị cháy lá, khô đọt, chết nhánh, dúm lá và chết cây.

Bên cạnh đó, có nhiều vườn cây sầu riêng ở khu vực ấp Phú Thạnh 4, xã Đồng Phú có độ mặn cao hơn các ấp đã khảo sát ở xã Bình Hòa Phước nhưng nhờ canh tác đúng kỹ thuật cây vẫn rất xanh tốt không bị
cháy lá.

UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện thường xuyên theo dõi độ mặn, có dự báo, cảnh báo kịp thời để người dân tưới cây kết hợp với mùa mưa để rửa mặn; cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân phun thuốc, bón phân để cây trồng phục hồi.

UBND huyện giao Phòng TN-MT huyện hướng dẫn, giải thích người dân sử dụng giếng khoan sinh hoạt không xả thải trực tiếp mà phải qua xử lý trước khi đưa ra môi trường. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ khi sử dụng giếng khoan không đúng quy định.

Song song đó, thường xuyên hướng dẫn, tuyên truyền để người dân biết và khai thác sử dụng giếng khoan trong sinh hoạt, sản xuất đúng quy định của pháp luật.

Theo Chi cục Trồng trọt- BVTV tỉnh, nguyên nhân của tình trạng cháy lá ghi nhận ở một số vườn cây ăn trái trong ngày khảo sát 30/5 (chủ yếu trồng chôm chôm, sầu riêng) là do thời gian qua nắng nóng gay gắt ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng.

Bên cạnh đó, còn nhiều nguyên nhân khác như vườn cây đang giai đoạn ra hoa, đậu trái hoặc xử lý ra hoa, cây bị ngộ độc muối.

Theo kết quả quan trắc ngày 30/5 của đoàn khảo sát, trong các mương vườn thuộc xã An Bình, xã Đồng Phú và xã Bình Hòa Phước cũng như trên tuyến sông Cổ Chiên ghi nhận độ mặn khoảng 0,2‰.

Tại buổi khảo sát, ông Hồ Thế Nhu- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Long Hồ cho biết: Trước đây, có thời điểm xâm nhập mặn tăng cao, nên trên nhánh sông Cổ Chiên độ mặn có lúc lên đến 0,3‰, trên sông Tiền độ mặn có lúc lên đến 0,33‰.

Đo độ mặn tại các mương vườn với độ mặn từ 0,2-0,3‰.
Đo độ mặn tại các mương vườn với độ mặn từ 0,2-0,3‰.

Do đó, khi người dân lấy nước vào mương vườn để tưới cho cây thì khả năng độ mặn còn tích tụ lại ở mương vườn.

Qua buổi khảo sát, độ mặn trong các mương vườn ở xã An Bình là 0,2‰, còn độ mặn tại các mương vườn và sông tại xã Đồng Phú, xã Bình Hòa Phước là 0,2-0,3‰.

Như vậy, độ mặn trên nhánh sông Cổ Chiên và sông Tiền dẫn vào các nhánh nhỏ cũng gây ảnh hưởng mặn xâm nhập vào mương vườn của các hộ dân.

Tham gia đoàn khảo sát, ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt- BVTV cho rằng: Thời gian qua, do ảnh hưởng của hạn mặn kéo dài, hiện nay đã đến thời điểm cuối tháng 5, nên chi cục cũng đã phối hợp với huyện Long Hồ khảo sát, đánh giá tình hình ảnh hưởng của hạn mặn đến cây trồng.

Qua khảo sát, bên cạnh một số vườn cây ăn trái phát triển tốt thì cũng có một số vườn bị ảnh hưởng. Theo đánh giá, do tình hình thời tiết mùa khô, nắng nóng gay gắt diễn biến phức tạp, độ mặn duy trì thường xuyên trong ao, mương… nên cũng đã có phần nào tác động đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng.

Bên cạnh đó, một số nhà vườn còn chủ quan trong việc kiểm tra nước tưới, một số nông dân có nóng vội trong việc bón phân cho cây trồng trong thời điểm nắng hạn… cũng đã gây ảnh hưởng đến cây trồng, khiến cây suy.

“Có thể thấy thể hiện rõ nhất là tình trạng cháy lá do nhiễm mặn. Mặc dù độ mặn năm nay đo trên các sông không cao như những năm trước, nhưng mặn thường xuyên duy trì trên sông, do đó ảnh hưởng sẽ kéo dài hơn.

Trước đây độ mặn lên cao nhưng xuống nhanh, do đó, khoảng 3-4 ngày độ mặn giảm xuống mức cho phép thì nông dân có thể tưới nước để cây phát triển, sinh trưởng.

Nhưng năm nay ngược lại, độ mặn duy trì thường xuyên, kéo dài nhiều ngày, nếu nông dân chủ quan không đo độ mặn trong mương vườn trước khi tưới cho cây, tưới trong nhiều ngày cũng sẽ ảnh hưởng đến cây trồng”- ông Phúc cho biết thêm.

Đoàn công tác khẳng định, nguyên nhân khiến chôm chôm, sầu riêng cháy lá không chỉ do tưới nước mặn mà còn do nhiều yếu tố khác như nắng nóng, khô hạn kéo dài, nhiệt độ môi trường tự nhiên cao, kỹ thuật canh tác của các nhà vườn khác nhau.

Qua việc khảo sát, xác định nguyên nhân, huyện Long Hồ và ngành chuyên môn sẽ tiếp tục đề ra giải pháp phù hợp để hỗ trợ nhà vườn phục hồi các vườn cây bị thiệt hại.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh