Khai thác hiệu quả tài sản công, góp phần phát triển kinh tế- xã hội

Cập nhật, 05:24, Thứ Ba, 18/06/2024 (GMT+7)

(VLO) Công tác quản lý, sử dụng tài sản công (TSC), đặc biệt TSC là nhà, đất luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Cùng với đó, sự phối hợp của các sở, ngành và UBND cấp huyện trong triển khai thực hiện, đã góp phần đưa công tác quản lý TSC từng bước đi vào nề nếp, khai thác hiệu quả, đúng mục đích.

Đến nay, phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; tài sản công là nhà, đất đang được quản lý chặt chẽ.
Đến nay, phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; tài sản công là nhà, đất đang được quản lý chặt chẽ.

Quản lý chặt chẽ tài sản công

Ông Phan Thanh Hoàng- Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho biết, đến nay phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đã được sở thực hiện xong và được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể, có 2.184 cơ sở nhà, đất sắp xếp lại, xử lý; trong đó các sở, ban, ngành tỉnh, doanh nghiệp nhà nước là 429 cơ sở; UBND cấp huyện là 1.755 cơ sở; tổng diện tích đất gần 5,66 triệu m²; tổng diện tích nhà hơn 1,67 triệu m².

Phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc tỉnh quản lý có 3 hình thức. Cụ thể, giữ lại tiếp tục sử dụng 1.766 cơ sở; điều chuyển 249 cơ sở; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) 169 cơ sở.

Giai đoạn 2021-2023, đã xác định giá khởi điểm để Trung tâm Phát triển quỹ đất tổ chức đấu giá thành 5 khu, với tổng diện tích 34,32ha, thu nộp ngân sách gần 20,5 tỷ đồng.

Bên cạnh, đã trình cấp thẩm quyền thanh lý 106 tài sản trên đất, trụ sở làm việc. Tổng thu từ nhà đất 1.748 tỷ đồng; đã bố trí gần 313,7 tỷ đồng cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa trụ sở làm việc.

Tổng thu từ cho thuê, thuê mua và bán nhà hơn 7,3 tỷ đồng; chi công tác bảo dưỡng sửa chữa gần 2,96 tỷ đồng.

Ông Phan Thanh Hoàng cho biết thêm, TSC đã được phân cấp quản lý, sử dụng (theo Nghị quyết số 120 ngày 6/7/2018 của HĐND tỉnh).

Theo đó, đã tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của tập thể, cá nhân người đứng đầu cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng TSC.

Công tác theo dõi, hạch toán tài sản nguyên giá, giá trị còn lại được đầy đủ, không gây thất thoát, lãng phí. Qua đây, góp phần cho công tác quản lý, sử dụng TSC nói chung và TSC là nhà, đất được chặt chẽ, TSC được khai thác đúng mục đích, hiệu quả.

Tuy nhiên, một số địa phương lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chậm; chất lượng chưa cao; bổ sung, sửa đổi nhiều lần ảnh hưởng đến tiến độ chung của tỉnh.

Bên cạnh, một số đơn vị sự nghiệp (lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao) khi lập đề án sử dụng TSC vào mục đích cho thuê, liên doanh liên kết, có trường hợp trong phương án tài chính số tiền thu được từ cho thuê không đủ chi phí thực hiện nghĩa vụ tài chính thuế, tiền thuê đất phải nộp đối với Nhà nước, nếu không cho thuê thì không có nơi phục vụ hoạt động hỗ trợ... diện tích đất trống không được khai thác gây lãng phí.

Mặt khác, nhiều cơ quan, đơn vị chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; các đơn vị chưa thực hiện cấp, đổi lại giấy chứng nhận QSDĐ, do thay đổi tên, sáp nhập...

Khai thác hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế- xã hội

Trên cơ sở Quyết định số 925 ngày 14/5/2024 của UBND tỉnh về phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh triển khai phương án đảm bảo khai thác hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích nhằm góp phần phát triển kinh tế- xã hội.

Bên cạnh, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành quyết định thay thế Nghị quyết số 120 ngày 6/7/2018 của HĐND tỉnh về phân cấp quản lý, sử dụng TSC.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng TSC, đảm bảo việc quản lý, sử dụng TSC đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm ngân sách.

Ông Nguyễn Thanh Cần- Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách, HĐND tỉnh, đánh giá cao công tác quản lý, khai thác TSC thời gian qua; đặc biệt là công tác tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 925 về phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất.

Theo ông Cần, “đây là kết quả của quá trình làm việc chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở”, cần phát huy vai trò là cơ quan tham mưu; phối hợp chỉ đạo thực hiện quản lý TSC tốt hơn.

Ông Nguyễn Minh Dũng- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, nhấn mạnh, cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về mục đích, yêu cầu, phương pháp, nâng cao trách nhiệm trong quản lý và sử dụng TSC.

Bên cạnh, tăng cường rà soát, cập nhật quy chế quản lý, sử dụng TSC, đảm bảo quản lý, sử dụng chặt chẽ và khai thác hiệu quả; rà soát khắc phục hạn chế trong đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, như là cập nhật dữ liệu thông tin phục vụ tốt công tác kiểm kê, lập báo cáo tài chính hàng năm; phối hợp tham mưu UBND tỉnh đôn đốc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, rà soát giải quyết vướng mắc phát sinh trong quản lý, sử dụng TSC.

Cùng với đó, tham mưu đẩy nhanh tiến độ sắp xếp nhà đất; kinh phí thực hiện việc tạm ứng, lập quy hoạch khu đất có tiềm năng phục vụ tốt cho công tác đấu giá; phân bổ kinh phí duy tu, bảo dưỡng các công trình, TSC, kết cấu hạ tầng...

Đồng thời, chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý TSC để phòng ngừa, có hướng dẫn, giúp các địa phương, đơn vị trong quản lý và sử dụng TSC.

Ông Phan Thanh Hoàng- Phó Giám đốc Sở Tài chính, nhấn mạnh, các sở, ngành và UBND cấp huyện đẩy mạnh tổ chức phổ biến, tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng TSC và các văn bản thi hành pháp luật. Bên cạnh, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do tỉnh, địa phương ban hành liên quan đến quản lý, sử dụng TSC; phối hợp các cơ quan chức năng để hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà đất, cấp, đổi giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ pháp lý về cơ sở nhà, đất; xác định tiền thuê đất tại các đơn vị sự nghiệp công tự chủ tài chính…

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN