Trường học thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) là sự đầu tư lâu dài cho thế hệ tương lai. Khi "gieo mầm" nhận thức về nếp sống xanh sẽ thúc đẩy thói quen của học sinh về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, tìm tòi và đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo trong sử dụng năng lượng bền vững, bảo vệ môi trường. Những kiến thức hôm nay là hành trang theo suốt cuộc đời của các em về trách nhiệm của bản thân trong tiết kiệm năng lượng cho đất nước, góp phần bảo vệ, xây dựng quê hương.
Các tin liên quan |
Mô hình của em Nguyễn Thị Như An và Nguyễn Ngọc Ngân hướng tới nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, chuyển đổi xanh. |
Trường học thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) là sự đầu tư lâu dài cho thế hệ tương lai. Khi “gieo mầm” nhận thức về nếp sống xanh sẽ thúc đẩy thói quen của học sinh về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, tìm tòi và đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo trong sử dụng năng lượng bền vững, bảo vệ môi trường.
Những kiến thức hôm nay là hành trang theo suốt cuộc đời của các em về trách nhiệm của bản thân trong tiết kiệm năng lượng cho đất nước, góp phần bảo vệ, xây dựng quê hương.
Xây dựng nếp sống xanh trong trường học
Theo chia sẻ của bà Ngụy Thị Giang- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Sáng Tạo Xanh Việt Nam, tính đến cuối năm 2023, công ty đã tư vấn và triển khai nhiều giải pháp năng lượng bền vững ở 16 tỉnh, thành trong cả nước, góp phần cải thiện sinh kế, sức khỏe cho hơn 20.000 người dân và giảm phát thải khí nhà kính tại địa phương.
Trường học thông minh thích ứng với BĐKH là một trong những chương trình nâng cao ý thức về nếp sống xanh mà đơn vị đã thực hiện ở nhiều địa phương. Trường học thông minh thích ứng BĐKH là nơi ứng dụng các giải pháp xanh thông minh, góp phần tạo nên một ngôi trường xanh và hạnh phúc.
Nhà trường phát triển cơ sở hạ tầng xanh, kết nối nhà trường với hệ thống trường học xanh toàn cầu, học sinh được học và thực hành các kỹ năng công dân toàn cầu xanh. Các em đã có cơ hội học tập, trải nghiệm, tìm tòi và đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo trong sử dụng năng lượng bền vững, bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Thành Khoa- Phó Trưởng Phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên- Sở GD-ĐT cho biết, Vĩnh Long có khoảng 213.000 học sinh. Vài năm gần đây, thời tiết, thiên tai khắc nghiệt hơn, ngành giáo dục thực hiện tốt những chủ trương, quyết định của bộ, ban ngành, UBND tỉnh, từ đó cụ thể hóa thành kế hoạch chống rác thải nhựa, làm cho thế giới sạch hơn.
Hội thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng với hơn 5.000 sản phẩm mỗi năm của học sinh, phần lớn sáng tạo, sử dụng chất liệu tái chế tạo ra vật dụng, mô hình, nâng cao nhận thức, tạo thói quen, trân trọng bảo vệ môi trường. Từ sản phẩm, định hướng, hướng nghiệp cho các em, nhận thức, chọn lựa nghề nghiệp, chọn giải pháp xanh trong làm chủ doanh nghiệp, phát huy trong công việc sau này…
Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học đưa nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Các trường đã linh hoạt, đa dạng hóa hình thức dạy học nội dung này: lồng ghép vào các môn học chính khóa, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thông qua nội dung sinh hoạt dưới cờ, các cuộc thi, hội thi.
Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần, phân loại rác thải tại nguồn… từ đó, dần hình thành thói quen “Nói không với rác thải nhựa”. Các cơ sở giáo dục thường xuyên tiến hành trồng và chăm sóc cây xanh, phát quang bụi rậm, khơi thông nguồn nước khu vực xung quanh trường học,… tạo môi trường thông, thoáng, xanh, sạch, đẹp.
Thông qua các biện pháp giáo dục, học sinh biết giữ gìn, vệ sinh lớp học, vệ sinh sân trường, không vứt rác bừa bãi, trồng và chăm sóc cây xanh tạo môi trường luôn sạch, đẹp và thoáng mát.
Điển hình trong “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn” năm 2023, ngành giáo dục đã thực hiện: 65 cuộc tuyên truyền, thu hút 27.865 người tham gia. Tổng số lượng rác thu gom, xử lý, phân loại: 33 tấn; trồng mới 732 cây xanh; phát quang 67km2 bụi rậm…
Để những mầm xanh đầu tiên “đâm chồi”
Tổ chức Y tế thế giới cho biết hơn 88% các bệnh do ô nhiễm môi trường và BĐKH xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ em dễ bị tác động của BĐKH và suy thoái môi trường hơn các nhóm tuổi khác bởi đang trong giai đoạn phát triển, bị phụ thuộc vào người lớn và tiếng nói chưa có sức mạnh.
Bảo vệ môi trường góp phần mang lại cho các thế hệ tương lai một không gian sống tốt, giúp trẻ em phát triển một cách toàn diện nhất. Chúng ta đang vun đắp cho niềm tin vấn đề môi sinh khi mà những chủ nhân tương lai của đất nước ta đã biết quan tâm một cách nghiêm túc từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường.
Hội thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng hàng năm là sân chơi của tất cả các em học sinh, với nhiều chủ đề khác nhau nhưng nổi bật là những sản phẩm liên quan đến ứng dụng công nghệ vào đời sống, bảo vệ môi trường...
Sản phẩm “Hệ thống tự động phát hiện bệnh ở lúa” của em Nguyễn Thị Như An (Lớp 9/1) và Nguyễn Ngọc Ngân (Lớp 9/2)- Trường THCS Hiếu Phụng (Vũng Liêm) tạo ấn tượng khi giành nhiều giải thưởng cấp toàn quốc và mang sản phẩm giới thiệu tại Malaysia.
Từ nguyên vật liệu là tấm pin năng lượng mặt trời, máy tính, camera, thiết bị phát sóng 4G, thiết bị cảm biến, máy bơm, các bạn ứng dụng lập trình AI và IoT để giám sát, nhận diện dịch bệnh. Theo đó, hệ thống sẽ lấy hình ảnh lúa từ camera và tự động đưa ra cảnh báo về tình trạng cây lúa kịp thời và gửi về điện thoại cho nông dân.
Với hệ thống này sẽ giúp nông dân phát hiện chính xác trên 90% 4 loại bệnh phổ biến như đạo ôn, khô vằn, cháy bìa lá, thối cổ dé.
Hướng phát triển là sản phẩm sẽ nhận diện thêm nhiều loại bệnh hơn trên cây lúa và có thể nhận diện thêm được các bệnh ở các loại cây ăn trái giúp nông dân có thể tăng hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0.
Toàn tỉnh đã triển khai nhiều công trình, phần việc thanh niên chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã duy trì tổ chức mô hình “Đổi rác lấy cây” từ năm 2020.
Thầy Nguyễn Văn Ngọc Đại- Phó Bí thư Đoàn Trường chia sẻ: “Đây là chương trình thiết thực giúp các em hiểu được giá trị của rác thải đã phân loại. Từ cuốn sách, truyện đã cũ rách đến chai lọ nhựa, bìa carton… đều có thể tái sử dụng. Qua chương trình, mọi người hiểu được trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường và cách thức để phân loại rác thải tại nhà, từ đó lan tỏa lối sống xanh. Hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, kinh phí thu được từ bán phế liệu, trường sẽ sử dụng để trao quà cho các em mồ côi ở trung tâm công tác xã hội”.
Sau tiết học ngoại khóa về tiết kiệm điện- nước, tham gia ngày hội “Điều em muốn nói”, bày tỏ mong muốn qua viết thư hoặc thể hiện qua những poster, tranh minh họa của báo tường xoay quanh chủ đề về môi trường. Những bức vẽ dễ thương, ngộ nghĩnh thể hiện ý thức biết trân trọng, bảo vệ môi trường.
Em Đặng Phúc Quỳnh- Lớp 8/1, Trường THCS Thanh Đức (Long Hồ) háo hức tham gia và cùng thảo luận với các bạn về những bức vẽ: “Khi về nhà, em sẽ thực hành ngay những bài học, nhắc nhở mọi người bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống của chính mình”.
Phong trào chống rác thải nhựa được đoàn viên thanh niên triển khai rộng khắp. |
Ông Nguyễn Thành Khoa chia sẻ, để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục bảo vệ môi trường, xây dựng trường học xanh, Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về bảo vệ môi trường, lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình môn học, hoạt động giáo dục; tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình “Xanh- sạch- đẹp”, tích cực hưởng ứng phong trào “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, phong trào “Chống rác thải nhựa”… huy động sức mạnh toàn đơn vị tham gia công tác này.
Bên cạnh đó, huy động sức mạnh từ cộng đồng, các tổ chức trong và ngoài nước để hỗ trợ cơ sở vật chất trong việc xây dựng nhiều dự án về nước sạch, vệ sinh môi trường (khử mùi nhà vệ sinh, trồng thêm cây xanh,…), nâng cấp và áp dụng năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam không thể đứng ngoài, cũng là một cơ hội để phát triển, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững; phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước, vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của Nhân dân. Việc phát triển xanh phải bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Người dân cùng có góc nhìn chung, cùng đi trên một con đường giảm phát thải ròng mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã mở ra. Đó sẽ là một hành trình dài, bắt đầu từ việc ươm những mầm xanh đầu tiên từ thế hệ trẻ, nhưng nó sẽ ngắn lại ngay từ khi chúng ta nắm bắt được cơ hội là những người dẫn đầu trong xu thế chuyển dịch xanh.
Ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết tỉnh Vĩnh Long có vị trí địa lý chiến lược quan trọng của vùng, được Quy hoạch vùng ĐBSCL xác định thuộc khu vực tứ giác trung tâm của vùng (gồm Cần Thơ, Long Xuyên, Cao Lãnh, Vĩnh Long). Vĩnh Long được bao quanh bởi 2 nhánh sông lớn là sông Tiền và sông Hậu, cùng với hệ thống sông rạch chằng chịt và nhiều điều kiện tự nhiên giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, vận tải hàng hóa, phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa, làng nghề theo định hướng phát triển du lịch xanh,… Đồng thời, Vĩnh Long đóng vai trò quan trọng trong quá trình thích ứng với BĐKH của vùng, được xem như “hậu phương” trong phòng chống xâm nhập mặn, góp phần bảo vệ an ninh nguồn nước. Kế thừa truyền thống cách mạng của các thế hệ trước; đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long luôn đoàn kết và khát vọng mạnh mẽ xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh, góp phần vào sự phát triển của vùng ĐBSCL và của cả nước. |
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ