Hành động để góp phần giảm khí nhà kính

Kỳ 2: Hướng tới giảm phát thải khí nhà kính trong doanh nghiệp

Cập nhật, 14:22, Thứ Năm, 06/06/2024 (GMT+7)
Việc cắt giảm phát thải khí nhà kính (KNK) trong sản xuất kinh doanh không chỉ là xu hướng, mà sẽ là bắt buộc các doanh nghiệp (DN) phải thực hiện trong thời gian tới. DN Vĩnh Long đang có nhiều nỗ lực xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho nội tại DN, thực hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội.
 
Công ty CP Sản xuất- Kinh doanh Xuất nhập khẩu Vĩnh Long luôn thực hiện sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.
Công ty CP Sản xuất- Kinh doanh Xuất nhập khẩu Vĩnh Long luôn thực hiện sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.
Tác động từ các chính sách tới doanh nghiệp
 
Bà Ngụy Thị Giang- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sáng Tạo Xanh Việt Nam chia sẻ thông điệp: “Bây giờ hoặc không bao giờ”- đó là cảnh báo từ các nhà khoa học về những hành động cần thiết của con người để “cứu vãn” tình thế khi trái đất đang nóng lên. Bối cảnh này thu hút sự quan tâm từ cả người tiêu dùng đến các tổ chức, DN. Chuyển đổi sang Net Zero không chỉ vì môi trường mà vì chính DN, để giảm chi phí, tăng doanh thu và định vị DN trên thị trường. 
 
Theo bà Ngụy Thị Giang, để chuyển hóa thách thức thành cơ hội, DN cần lập kế hoạch giảm phát thải KNK, nghiên cứu các giải pháp giảm phát thải phù hợp, xây dựng lộ trình, kế hoạch và tích hợp vào chiến lược kinh doanh. Triển khai các giải pháp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, nâng cấp để tăng hiệu suất thiết bị, đầu tư công nghệ, thiết bị mới…
 
Là nhà sản xuất cung cấp sản phẩm đến hơn 60 quốc gia trên thế giới, Công ty CP Sản xuất- Kinh doanh Xuất nhập khẩu Vĩnh Long thực hành sản xuất gắn với bảo vệ môi trường qua việc cam kết thực hiện các điều khoản với các đối tác trong quá trình sản xuất như: không sử dụng hóa chất, an toàn môi trường, giảm phát thải, nói không với nguyên liệu hóa thạch, sử dụng nguồn nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên…
 
Để đảm bảo tuân thủ những cam kết và duy trì sản xuất hiệu quả, phát triển bền vững, thời gian qua, DN đã đầu tư trên 30 tỷ đồng để hoàn thiện các tiêu chí trong bảo vệ môi trường, phát triển xanh.
 
Ông Lê Mạnh Kha- Giám đốc khối phát triển bền vững và tuân thủ, Công ty CP Sản xuất- Kinh doanh Xuất nhập khẩu Vĩnh Long cho biết: “Hiện giờ chúng tôi có thể tự cung cấp hơn 40% sản lượng điện tiêu thụ bằng điện năng lượng mặt trời sản xuất tại chỗ. Hàng năm, chúng tôi đều có hệ thống giám sát đo lường và thực hiện quan trắc đúng theo tiêu chuẩn xử lý khí thải, rác thải…” 
 
Để tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, doanh nghiệp nâng cấp để tăng hiệu suất thiết bị, đầu tư công nghệ.
Để tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, doanh nghiệp nâng cấp để tăng hiệu suất thiết bị, đầu tư công nghệ.
Ông Nguyễn Văn Thành- Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Long chia sẻ, hiện là Chủ tịch HĐQT DN gắn liền với Vĩnh Long đã hơn 30 năm, triển khai hơn 6 ngành nghề với hơn 500 nhân sự. Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Phước Thành IV đã đưa tiêu chí tuyển nhân lực xanh gần 5 năm.
 
Đây là công ty gạo mỗi năm sản xuất hơn 200.000 tấn, đến nhiều quốc gia như Trung Đông, EU,… có yêu cầu sản xuất sạch, sản xuất xanh. Công ty con là công ty xây lắp điện mái nhà mặt trời, đến giờ này công ty có thể sản xuất hơn 6MW điện; nhà hàng khách sạn cũng bắt đầu xây lắp điện mặt trời.
 
Công ty chế biến rau quả đông lạnh, xuất xoài qua Nga và một số quốc gia khác. Trong những tiêu chí xanh mà các khách hàng yêu cầu thì đó là điểm lợi của công ty. Vấn đề biến đổi khí hậu, giá điện tăng trong khi công ty đã có thể tự cung nguồn điện- đó là một lợi thế. Công ty có nhu cầu nhân lực có kỹ năng về sản xuất xanh nên mong muốn nhà trường đào tạo sinh viên, doanh nghiệp đưa đi đào tạo thêm những kỹ năng xanh đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững… 
 
Hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện tăng trưởng xanh
 
Chuyển đổi xanh đang trở thành một xu hướng khách quan và trở thành là ưu tiên trong lựa chọn định hướng phát triển của nhiều quốc gia. Chuyển đổi xanh mang lại cho cộng đồng DN cả thời cơ và thách thức đan xen. Nó mang lại tăng trưởng dài hạn cho DN gắn với lợi ích bền vững cho cộng đồng về văn hóa, xã hội và môi trường.
 
ThS. Võ Quốc Bảo- Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT cho biết, thời gian qua, sở đã tham mưu UBND tỉnh triển khai các quy định pháp luật liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có kiểm kê KNK trên địa bàn tỉnh; báo cáo kết quả rà soát, cập nhật, điều chỉnh danh mục cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK.
 
Trong thời gian tới, Sở TN-MT sẽ tiếp tục phát hành văn bản nhắc nhở, đôn đốc các cơ sở thuộc danh mục cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK trước ngày 31/3 kể từ năm 2025. Thực hiện kiểm kê KNK cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê KNK cấp cơ sở định kỳ 2 năm một lần cho năm 2024 trở đi. Bên cạnh đó, trước ngày 1/12 bắt đầu từ năm 2025 phải hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê KNK cấp cơ sở, gửi Bộ TN-MT và tổ chức thẩm định kết quả kiểm kê KNK cấp cơ sở.
 
Để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đổi mới công nghệ nhằm cải tiến quy trình sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu phát thải, sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững tiến đến thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, thời gian qua, Sở Công Thương đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành và triển khai nhiều hoạt động. 
 
Theo bà Văn Thị Mỹ Trang- Phó trưởng Phòng Quản lý công nghiệp- Sở Công Thương, đến nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 1.729 tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh, với tổng công suất khoảng 52.528 kWp. Đổi mới công nghệ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN thông qua chương trình khuyến nông địa phương và chương trình khuyến công quốc gia. 
 
Trong giai đoạn từ 2015-2023, có tổng số 165 đề án được thực hiện hỗ trợ cho 180 cơ sở công nghiệp nông thôn với tổng kinh phí thực hiện gần 16 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động.
 
Qua triển khai các nội dung hỗ trợ chính sách khuyến công đã giúp các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực quản lý, tăng cường ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ và đưa sản phẩm gần với người tiêu dùng.
 
Thêm vào đó, hoạt động khuyến công đã khuyến khích hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện sức khỏe của con người…
 
Bà Văn Thị Mỹ Trang nhấn mạnh, nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2024, Sở Công Thương tiếp tục xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chương trình khuyến công nhằm hỗ trợ các DN ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng góp phần giảm phát thải KNK góp phần thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh. 
 
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và DN về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống, tạo lập văn hóa tiêu dùng bền vững cần được chú trọng, và quan tâm hơn.
Doanh nghiệp hỗ trợ điện mặt trời phục vụ chiếu sáng cho người dân, góp phần tiết kiệm năng lượng.
Doanh nghiệp hỗ trợ điện mặt trời phục vụ chiếu sáng cho người dân, góp phần tiết kiệm năng lượng.
 
“Sở Công Thương luôn đồng hành cùng với DN trên địa bàn tỉnh trong việc ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất, phổ biến kiến thức, các kinh nghiệm mô hình điển hình về sản xuất sạch hơn, hỗ trợ xây dựng các mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm giảm phát thải KNK, góp phần xanh hóa kinh tế tỉnh trong xu hướng tăng trưởng xanh của đất nước”- bà Mỹ Trang nói. 
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
 
>> Kỳ cuối: Ươm mầm xanh cho thế hệ tương lai