Đưa tin về thiệt hại do thiên tai- nhà báo mong muốn trao nhiều sẻ chia

12:06, 22/06/2024

Thời gian qua, cùng với ngành chức năng, địa phương, các cơ quan báo chí, các nhà báo đã đồng hành cùng những người làm công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) để cung cấp, chia sẻ, phản ánh thông tin kịp thời, chính xác công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, qua đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

(VLO) Thời gian qua, cùng với ngành chức năng, địa phương, các cơ quan báo chí, các nhà báo đã đồng hành cùng những người làm công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) để cung cấp, chia sẻ, phản ánh thông tin kịp thời, chính xác công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, qua đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thông tin nhanh chóng, kịp thời

Nhiều phóng viên, nhà báo phụ trách mảng PCTT cho hay: luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực này.

Mỗi khi có tình huống thiên tai xảy ra, từ sự chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan, bằng sự yêu nghề, trách nhiệm với nghề, các nhà báo, phóng viên đã dành hết tâm tư, nhiệt huyết để cho ra đời những tác phẩm báo chí hay, truyền tải thông tin sớm, chính xác, kịp thời đến người dân.

Vào nghề được 2 năm và có không ít lần tác nghiệp về các vụ sạt lở, phóng viên Huỳnh Thảo Tiên- Báo Vĩnh Long, chia sẻ: “Ngay khi có thông báo về tình hình sạt lở, chúng tôi phải sẵn sàng phương tiện tác nghiệp như điện thoại, máy tính, máy ảnh, sạc dự phòng... để tác nghiệp.

Lần đầu tiên cùng đồng nghiệp đến vùng sạt lở tại cồn Thanh Long, tôi đã học hỏi được rất nhiều. Lúc đó, trời còn đang mưa lớn, khu vực bị sạt lở nước tràn vào, ngập sâu, khó tiếp cận được hiện trường.

Chúng tôi phải tác nghiệp thật nhanh, chính xác, vừa chụp ảnh vừa ghi chép thông tin gửi về cơ quan. Đồng cảm, trăn trở về những mất mát mà người dân vùng sạt lở đang phải gánh chịu, tôi chỉ mong sao mỗi bài viết của mình trở thành cầu nối, phần nào chia sẻ với người dân, giúp họ sớm vượt qua khó khăn”.

Từ khi bắt đầu công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long, 10 năm nay, phóng viên Huỳnh Phương Thanh đã gắn bó với lĩnh vực PCTT. Khi hỏi Phương Thanh về những lần công tác không thể quên, anh cho biết gần đây nhất là vụ sạt lở tại xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, ngày 6/12/2022 làm thiệt hại 13 căn nhà của các hộ dân nơi đây.

Hơn 9 giờ tối, khi nhận được phân công từ ban lãnh đạo Phòng Thời sự, anh nhanh chóng liên hệ với phóng viên quay phim di chuyển đến hiện trường.

Khi đến nơi, thấy vẻ thất thần của các hộ dân vừa bị mất đất, mất nhà, mất hầu như tất cả tài sản tích góp hơn nửa đời người vì bị sạt lở, lòng anh cũng nặng trĩu.

Đêm đó, anh không ngủ để hoàn thành bài viết, kịp thời gửi về ban biên tập phát sóng ngay trong sáng hôm sau nhằm đưa đến bạn xem đài thông tin sớm và chính xác nhất.

Phóng viên, nhà báo có mặt kịp thời khi có thiên tai xảy ra.
Phóng viên, nhà báo có mặt kịp thời khi có thiên tai xảy ra.

“Trong những chuyến công tác về thiên tai, sạt lở, tôi đặc biệt quan tâm đến những khó khăn, mất mát to lớn của các hộ dân bị thiệt hại nhằm gửi đến bạn xem đài sự cảm thông, lòng chia sẻ.

Ẩn sâu bên trong bài viết là lời kêu gọi hỗ trợ đến các hộ gia đình, không chỉ về vật chất mà cả về mặt tinh thần. Đó là hai thứ mà các hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở cần nhất lúc đó.

Bên cạnh đó, tôi cũng quan tâm và viết về sự vào cuộc, hỗ trợ kịp thời của ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp ngay sau sự cố xảy ra. Qua đó cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị- xã hội đối với các hộ dân”- Phương Thanh chia sẻ.

Có báo chí luôn đồng hành

Theo đánh giá của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, chính sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cơ quan báo chí đã góp phần vào sự hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó từ cấp Trung ương đến địa phương, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bên cạnh đó, báo chí cũng có mối quan hệ mật thiết với cơ quan PCTT-TKCN các cấp, cùng đa dạng nội dung và hình thức truyền tải với nhiều loại hình như: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, báo ảnh và các ứng dụng mạng xã hội trong truyền thông.

Ông Lưu Nhuận- Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, cho biết: Trong thời gian qua, báo chí luôn đồng hành cùng ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác PCTT-TKCN. Các hình thức truyền thông của báo chí về công tác PCTT rất đa dạng.

Báo chí tập trung tuyên truyền đến cộng đồng trong công tác phòng ngừa, phản ánh kịp thời những sự cố thiên tai xảy ra, đồng thời thông tin về giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của ngành chức năng và Nhân dân cùng những dự báo của ngành chức năng đối với thiên tai trong thời điểm ngắn hạn hoặc dài hạn.

Đặc biệt là kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả mỗi khi thiên tai nặng nề xảy ra, giúp người dân ổn định sản xuất và cuộc sống.

Ông Trần Văn Thuận- Trưởng Phòng Thời sự, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long, cho biết: Thời gian qua, phòng luôn quan tâm và tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về PCTT-TKCN.

Việc tuyên truyền của phòng tập trung công tác phòng là chính, trong đó thông tin nhanh, kịp thời các cảnh báo từ cơ quan chức năng trong các chương trình thời sự, chạy chữ trên màn hình ở bất cứ thời điểm nào có khuyến cáo của cơ quan chức năng.

“Ngoài thông tin cảnh báo chúng tôi còn luôn đưa thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất về tình hình thiên tai, sạt lở để có giải pháp kịp thời hỗ trợ khắc phục và cảnh báo di dời, hạn chế tiếp tục thiệt hại tài sản tính mạng của người dân.

Không chỉ thông tin diễn biến, thực tế tình hình thiên tai, bão lũ, sạt lở, thời gian qua phòng thời sự còn có tuyến bài viết phân tích tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở xảy ra khá nhiều trên địa bàn tỉnh cũng như ở khu vực ĐBSCL.

Trong các giải pháp đề ra, chúng tôi đã tìm ra một số mô hình mới để giới thiệu đến người dân. Thời gian tới, phòng tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về tình hình PCTT-TKCN nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người, chủ động trong thực hiện các biện pháp phòng chống hiệu quả.

Trong thông tin, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy lợi thế của truyền hình là hình ảnh rõ ràng, sinh động bằng việc tăng cường thông tin từ hiện trường để tăng tính chất thật của thông tin, tăng cường việc tìm hiểu đánh giá phân tích tìm nguyên nhân để công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu, giúp cơ quan chức năng có thêm một góc nhìn trong công tác PCTT-TKCN hiện nay” - ông Trần Văn Thuận cho biết thêm.

Thời gian qua, Báo Vĩnh Long rất quan tâm, đồng hành cùng công tác PCTT. Qua đó, phản ánh những góc nhìn trực quan về các hiện trạng, tác động và những thách thức của thiên tai; chú trọng thông tin dự báo, phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, hiến kế, gợi mở những sáng kiến, giải pháp, mô hình điển hình, kinh nghiệm về PCTT thích ứng với biến đổi khí hậu ở các địa phương nhằm góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai, nâng cao ý thức trách nhiệm của cả cộng đồng.

Phóng viên Báo Vĩnh Long kịp thời có mặt ở những “điểm nóng” sạt lở, giông lốc, hạn, mặn, triều cường… để đưa tin, bài, hình ảnh thời sự, trung thực, sinh động nhất. Song song đó, những bài viết về sự vào cuộc, hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo, ngành chức năng, địa phương khắc phục, hỗ trợ sau khi thiên tai xảy ra, nhằm giúp người dân yên tâm, dần ổn định cuộc sống. Nhiều tin bài, ảnh thời sự trên Báo Vĩnh Long như: “Chủ động ứng phó cao điểm hạn mặn”, “Nỗi lo sạt lở mùa mưa bão”, “Chủ động linh hoạt ứng phó thiên tai”, phóng sự ảnh “Kết hợp giải pháp công trình và phi công trình: Vĩnh Long “đứng vững” trước hạn mặn”… nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả và Ban Biên tập đánh giá cao.

Bài, ảnh: THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh