Chỉnh lý biến động đất đai công trình "Nhà nước và Nhân dân cùng làm"

Cập nhật, 15:00, Thứ Tư, 05/06/2024 (GMT+7)
Việc chỉnh lý biến động đất đai được thực hiện theo nhu cầu và mức độ biến động của từng tuyến đường.
Việc chỉnh lý biến động đất đai được thực hiện theo nhu cầu và mức độ biến động của từng tuyến đường.

Qua khảo sát việc thực hiện công tác quản lý tài sản công là nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước tại huyện Mang Thít, ông Nguyễn Thanh Cần- Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh, đã gợi mở nhiều vấn đề để địa phương thực hiện thời gian tới.

Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), chỉnh lý biến động về đất đai, đặc biệt là các công trình, dự án về giao thông nông thôn trong thực hiện chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

58 công trình, dự án cần chỉnh lý biến động đất đai

Bà Nguyễn Thị Thùy Trang- Trưởng Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện Mang Thít, cho biết, huyện đang quản lý 7 chợ và 223 cơ sở. Hiện, 126/223 cơ sở được cấp giấy chứng nhận QSDĐ; 41 cơ sở là trụ sở ấp mượn đất của dân xây dựng; còn lại 46 cơ sở đang làm thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ.

Huyện Mang Thít đã lập phương án sắp xếp, xử lý theo quy định 223 cơ sở. Trong đó, giữ lại tiếp tục sử dụng 171 cơ sở; điều chuyển 24 cơ sở; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng QSDĐ 28 cơ sở. Hiện, đã trình UBND tỉnh phê duyệt phương án.

Giai đoạn 2021-2023, huyện thanh lý 17 trụ sở làm việc, 23 trường học để xây mới; duy tu, sửa chữa 24 cơ sở với kinh phí gần 9,5 tỷ đồng. Bên cạnh, bán đấu giá 13 lô đất với diện tích hơn 1.240m², trong đó đấu giá thành 11 lô; thanh lý 30 tài sản là nhà làm việc cũ để xây nhà làm việc mới.

Ông Nguyễn Văn Diên- Chủ tịch UBND huyện Mang Thít, cho biết, huyện gặp rất nhiều khó khăn đối với việc lấn chiếm đất bãi bồi, đa số là các doanh nghiệp, cũng có những người dân bồi ra 5.000-6.000m². Toàn huyện có tới 121 thửa với trên 200.000m² đang chờ điều chỉnh quy hoạch. Hiện, huyện đang xin ý kiến thêm về cách xử lý vấn đề đất bãi bồi.

Cho hay “tại huyện còn xảy ra tình trạng lấn chiếm kinh rạch”- ông Nguyễn Văn Diên trần tình: Đối với việc lấn chiếm mang tính chất lớn, thì công tác xử lý gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là, tình trạng kè mé cất nhà, phải tuyên truyền vận động người dân tự tháo dỡ. Còn xử lý thì phải phối hợp, áp dụng nhiều văn bản...

Chủ tịch UBND huyện Mang Thít cũng thông tin: Trong xây dựng NTM, thực hiện chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, toàn huyện có 58 công trình, dự án phải chỉnh lý biến động đất đai, riêng kinh phí hồ sơ đo đạc là hơn 3 tỷ đồng. Sau khi tiếp thu chỉ đạo của tỉnh là phân cấp về địa phương để làm, thì phải chia nhỏ ra làm từng năm, từng dự án. Năm 2023, huyện chọn TT Cái Nhum và xã Hòa Tịnh làm điểm với 7/58 công trình dự án. Trong đó, đa số là dự án giao thông “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Theo đó, địa phương thực hiện theo khả năng cân đối ngân sách để xử lý. 

“Quan tâm chỉnh lý biến động về đất đai”

Cùng với việc đề nghị cần “đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận QSDĐ”- ông Nguyễn Thanh Cần- Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND huyện, lưu ý: quan tâm chỉnh lý biến động đất đai, đặc biệt là các công trình dự án về giao thông ở nông thôn trong thực hiện chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Theo đó, người dân hiến đất, cây trồng, hoa màu, vật kiến trúc. Nhà nước đầu tư về hạ tầng để làm đê bao, xây đường giao thông nông thôn. Về kinh phí điều chỉnh biến động đất, tỉnh giao ngân sách địa phương thực hiện. Song, huyện Mang Thít chỉ mới thực hiện 7/58 công trình, dự án, đã tốn 500 triệu đồng. Do không có nguồn lực để thực hiện một lượt, cho nên sẽ chỉnh lý theo nhu cầu và theo mức độ biến động của từng tuyến đường.

Cho rằng “Người dân đã hiến đất, cây trồng và vật kiến trúc là đã chịu một phần thiệt thòi. Tất nhiên là, sau này người ta cũng vẫn khai thác được, nhưng mà chúng ta phải quan tâm đến việc này”- ông Nguyễn Thanh Cần đề nghị: Việc nào cần thiết, bức thiết nhất, thì phải hết sức lưu ý, có kế hoạch hàng năm, các phòng tham mưu UBND huyện để chỉnh lý biến động, để người dân dễ sử dụng.

Trên thực tế, khi người dân đã hiến đất để xây dựng công trình thì QSDĐ vẫn còn, nếu không chỉnh lý, thì sau này sẽ rất khó quản lý về chỉ giới đất hành lang. Nhất là khi người dân xây cất nhà ở, công trình... quá gần mặt đường, ảnh hưởng đến ATGT, không đảm bảo vẻ mỹ quan... Do đó, “cần phải chỉnh lý, để có thể quy định trên từng tuyến đường hành lang ATGT như thế nào, chỉ giới xây dựng ra làm sao để quản lý chặt chẽ hơn”- ông Nguyễn Thanh Cần lưu ý.

Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh cũng đề nghị, cần có giải pháp hạn chế đến mức thấp nhất việc lấn chiếm đất công, kinh rạch, bãi bồi. Bên cạnh, thường xuyên duy tu bảo dưỡng tài sản công để được sử dụng lâu dài, hiệu quả hơn; khẩn trương xử lý tài sản sau khi được UBND tỉnh ký ban hành quyết định. Đối với tài sản công nói chung và đất đai nói riêng, phải quản lý hết sức chặt chẽ và có kế hoạch kiểm tra, báo cáo hàng năm.

Ông Nguyễn Minh Dũng- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh

Hướng tới, cần tiếp tục quan tâm tuyên truyền, quán triệt các quy định, thống nhất về mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, cách thức để quản lý chặt chẽ tài sản công. Đối với các cơ sở thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận QSDĐ, thì phải hết sức chú ý, quan tâm quản lý chặt đất công đã được cấp. Bên cạnh, chỉ đạo đầu tư phù hợp với nhu cầu, công năng đầu tư công, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, tránh lãng phí; quan tâm sắp xếp lại nhà đất. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý sử dụng tài sản công để phòng chống tiêu cực, lãng phí.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN