Theo Bộ Nông nghiệp-PTNT, tình hình sạt lở sông kênh rạch ĐBSCL ngày một gia tăng cả về số điểm, quy mô, tốc độ. Mức độ xói lở càng ngày càng nghiêm trọng. Nếu trước năm 2005, mỗi năm bồi 100ha thì 15 năm trở lại đây mỗi năm mất trên 350ha. Xói lở xảy ra quanh năm, trước đây chủ yếu là mùa lũ, hiện nay về mùa khô xói lở lại nhiều hơn.
(VLO) Theo Bộ Nông nghiệp-PTNT, tình hình sạt lở sông kênh rạch ĐBSCL ngày một gia tăng cả về số điểm, quy mô, tốc độ. Mức độ xói lở càng ngày càng nghiêm trọng. Nếu trước năm 2005, mỗi năm bồi 100ha thì 15 năm trở lại đây mỗi năm mất trên 350ha. Xói lở xảy ra quanh năm, trước đây chủ yếu là mùa lũ, hiện nay về mùa khô xói lở lại nhiều hơn.
Điểm sạt lở Cồn Thanh Long xảy ra vào tháng 2/2024, gây ảnh hưởng đời sống nhiều hộ dân. |
Tại Vĩnh Long, theo Sở Nông nghiệp-PTNT, những năm trước, thường ghi nhận sạt lở nhiều trên các sông lớn, thì nay sạt lở rải đều khắp các tuyến sông, thậm chí là các con sông nhỏ.
Năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 152 điểm sạt lở (tăng 27 điểm so với năm 2022), làm mất 4.725m bờ sông, kênh, rạch, ảnh hưởng trực tiếp đến 112 hộ dân, thất thoát 3,2 tấn thuỷ sản nuôi, thiệt hại hơn 12 tỷ đồng. UBND tỉnh đã quyết định công bố 6 khu vực sạt lở nguy hiểm.
Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 10 điểm sạt lở, sụt lún, làm ảnh hưởng đến 14 hộ dân, ước thiệt hại trên 400 triệu đồng.
Nhiều năm qua, Vĩnh Long đã duy trì thực hiện giải pháp phi công trình và công trình, phần nào chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Liệt- Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra nhiều nơi, nhưng còn thiếu biện pháp phòng ngừa mà chỉ tập trung khắc phục hậu quả. Do thiếu kinh phí nên số điểm, tuyến được xử lý khắc phục rất ít, chỉ chiếm khoảng 20-30% so với nhu cầu.
Công tác xử lý, khắc phục hậu quả sạt lở bờ sông các huyện chưa tự chủ, còn trông chờ vào tỉnh. Trong khi đó, việc vận động các hộ dân sống vùng sạt lở và nguy cơ sạt lở di dời đến nơi ở mới còn nhiều trở ngại.
Để chủ động phòng chống, ứng phó tình hình sạt lở, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của các ngành và người dân.
Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành liên quan xem xét triển khai rộng ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ về sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL, hỗ trợ các tỉnh, thành về dự báo sạt lở bờ sông, rạch...
Tin, ảnh: THẢO LY