Phòng, chống thiên tai: Nhìn từ giải pháp công trình

07:05, 10/05/2024

Những năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã và đang đầu tư thực hiện mạnh mẽ giải pháp công trình trong phòng, chống thiên tai (PCTT), góp phần to lớn giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân do thiên tai gây ra. Bên cạnh những thành tựu đạt được, giải pháp này còn một số hạn chế đối với phòng, chống các thiên tai cực đoan, tỉnh đang hướng đến đầu tư toàn diện hơn trong thời gian tới.

 

 

Đê bao sông Măng Thít hoàn thành giúp người dân trữ ngọt ngăn mặn, đường giao thông nông thôn thông suốt, thuận tiện cho việc vận chuyển nông sản. Ảnh: TẤN TÂN
Đê bao sông Măng Thít hoàn thành giúp người dân trữ ngọt ngăn mặn, đường giao thông nông thôn thông suốt, thuận tiện cho việc vận chuyển nông sản. Ảnh: TẤN TÂN

Những năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã và đang đầu tư thực hiện mạnh mẽ giải pháp công trình trong phòng, chống thiên tai (PCTT), góp phần to lớn giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân do thiên tai gây ra. Bên cạnh những thành tựu đạt được, giải pháp này còn một số hạn chế đối với phòng, chống các thiên tai cực đoan, tỉnh đang hướng đến đầu tư toàn diện hơn trong thời gian tới.

Công trình phòng chống thiên tai do nước gây ra được đầu tư lớn

Các thiên tai liên quan đến nước gây ra trên địa bàn tỉnh thường xảy ra là: lũ lụt, triều cường, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lớn, sạt lở bờ sông. Chúng tác động trực tiếp (như gây thiệt hại cho công trình xây dựng, cây trồng, về người và tài sản) và tác động gián tiếp (như làm giảm năng suất vật nuôi, cây trồng và sinh kế, tăng rủi ro đầu tư và ảnh hưởng đến sức khỏe con người).

Vĩnh Long nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL là nơi được đánh giá là “mưa thuận gió hòa”, nhưng thời gian gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai, thời tiết khí tượng ngày càng bất thường hơn.

Xác định tầm quan trọng của xây dựng công trình PCTT, từ đầu tư, hỗ trợ của Trung ương và huy động sự đóng góp của các tổ chức trong, ngoài tỉnh, của Nhân dân, tỉnh đã mạnh mẽ triển khai thực hiện giải pháp công trình ứng phó với những tác động bất lợi của BĐKH, phòng chống những thiên tai có xu thế gia tăng như xâm nhập mặn, triều cường, trong đó nổi bật nhất là công trình thủy lợi, giao thông.

Trên lĩnh vực thủy lợi, theo Sở Nông nghiệp-PTNT, thủy lợi của tỉnh được đầu tư lớn kể từ sau 3 năm lũ lớn ở vùng ĐBSCL (2000-2002); riêng trong giai đoạn gần đây (2017-2023), thủy lợi của tỉnh được đầu tư từ 700-1.000 tỷ đồng/năm để xây dựng mới, duy tu, sửa chữa và nâng cấp các công trình như nạo vét kinh, rạch, xây cống, đập, đê bao, kè chống sạt lở.

Để ứng phó triều cường cũng như xâm nhập mặn, những năm gần đây, đầu tư thủy lợi trên địa bàn tỉnh có xu hướng mở rộng vùng đê bao từ vài chục, vài trăm hecta lên đến hàng trăm ngàn hecta bằng việc đầu tư đê bao lớn ven các sông lớn và xây dựng các công trình trên đê bao, như các cống lớn tại các cửa sông và các kè chống sạt lở kết hợp làm đê bao tại các đô thị.

Việc đầu tư ô bao lớn giúp chủ động ngăn triều, ngăn mặn trên vùng rộng lớn, từ đó giảm đáng kể việc đầu tư xây dựng tôn cao các công trình thủy lợi nhỏ, ngay cả các đường giao thông bộ trong vùng đê bao. Điển hình là vùng Nam Măng Thít (phần đất liền) thuộc địa phận huyện Trà Ôn- Vũng Liêm rộng khoảng 40.000ha.

Hiệu quả đầu tư công trình thấy rõ nhất là số lượng đê bao trong tỉnh tăng lên nhanh chóng, từ trên 2.700km (năm 2002), lên 3.540km (năm 2010) và 3.642km (năm 2023) với trên 400 tuyến đê. Đến nay, toàn tỉnh có 112.855ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp được khép kín thủy lợi, đảm bảo các điều kiện về tưới tiêu phục vụ sản xuất và phòng, chống thiên tai.

Hệ thống giao thông bộ từng bước xây dựng, nâng cấp, nhất là hệ thống giao thông nông thôn kết nối với hệ thống thủy lợi ứng phó hiệu quả với xâm nhập mặn, triều cường. Nhà ở, cơ sở giáo dục- đào tạo, công trình viễn thông, điện… từng bước được đầu tư kiên cố, là chỗ ở, trú ẩn an toàn khi có mưa lớn, gió mạnh xảy ra.

Hướng đến đầu tư công trình ứng phó tốt với các loại hình thiên tai cực đoan

Thời gian qua, tuy giải pháp công trình PCTT đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng giải pháp này còn triển khai chậm, còn một số hạn chế đối với phòng, chống các thiên tai cực đoan như gió giật mạnh, bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy,…Cụ thể là, mặc dù trong những năm qua, kết cấu hạ tầng, nhà ở, công trình được xây dựng ngày càng nhiều, nhưng số lượng nhà, công trình (nhất là công trình có tầm cao) bị hư hỏng, thiệt hại còn nhiều.

Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh, mỗi năm có hàng trăm căn nhà, công trình cùng với nhiều diện tích cây trồng bị hư hại… do các thiên tai cực đoan trên gây ra, thiệt hại về tài sản hàng chục tỷ đồng/năm. Các năm gần đây có nhiều nhà bị thiệt hại là: năm 2020 (332 căn), năm 2021 (242 căn), năm 2022 (126 căn) và năm 2023 (113 căn).

Thực tiễn cho thấy, ngoài nguyên nhân do BĐKH gây thời tiết thay đổi thất thường, nhiều thiên tai cực đoan xảy ra, gây ra thiệt hại càng nặng nề hơn... Còn do tổ chức, cá nhân chưa chú trọng tính an toàn đối với thiên tai giông, lốc, mưa lớn, gió mạnh khi xây dựng nhà ở, công trình.

Hiện quy định về xây dựng nhà ở, công trình đảm bảo an toàn với thiên tai của tỉnh đã được ban hành (cụ thể tại Quyết định số 26/2022/QĐ-UBND ngày 5/9/2022 quy định về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành, sử dụng các công trình và tiêu chí bảo đảm yêu cầu PCTT đối với công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long) nhưng do chưa có quy định, cơ chế ràng buộc cụ thể trong cấp phép xây dựng nhà ở, công trình, và thiếu giám sát, kiểm tra, nên nhà cửa xây mỗi nơi mỗi kiểu, chỉ chú ý che mưa, che nắng và thẩm mỹ, ít chú ý đến tính kiên cố chống bão, chống gió mạnh.

Trước hạn chế đó, thời gian tới, ngành chức năng của tỉnh cần hướng tới tập trung thực hiện giải pháp công trình ứng phó tốt hơn đối với các thiên tai cực đoan.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, để hạn chế số nhà ở, công trình bị hư hỏng do thiên tai cực đoan gây ra, trước mắt các địa phương trong tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân, các tổ chức quan tâm hơn về kiên cố nhà ở, công trình và khi xây dựng nhà ở, công trình cần tuân thủ các quy định về xây dựng nhà ở, công trình đảm bảo an toàn với thiên tai.

Công trình đê bao trong tỉnh được đầu tư mạnh mẽ, giúp tăng hiệu quả trong phòng, chống thiên tai, lũ, triều cường, xâm nhập mặn.
Công trình đê bao trong tỉnh được đầu tư mạnh mẽ, giúp tăng hiệu quả trong phòng, chống thiên tai, lũ, triều cường, xâm nhập mặn.

Song song đó, Sở Nông nghiệp-PTNT đã phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh đề xuất với Trung ương ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù về các lĩnh vực PCTT, như: chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà phòng, tránh gió mạnh, bão lụt vùng ĐBSCL như Chính phủ đã có chính sách đối với các tỉnh miền Trung tại Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014; điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ thiệt hại thiên tai theo hướng tăng thêm mức hỗ trợ, nhằm giúp cho tổ chức, cá nhân có thể khôi phục lại nhà ở, sản xuất khi bị thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bên cạnh, UBND tỉnh cần chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung các chính sách hiện có hay ban hành mới các chính sách về hỗ trợ, cho vay phát triển, kiên cố nhà ở phù hợp để người dân, tổ chức có thể tiếp cận hoặc được vay xây dựng, kiên cố lại nhà ở, công trình phòng chống tốt với thiên tai.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh