Hiệu quả những công trình ngăn mặn, trữ ngọt

06:05, 03/05/2024

Trước tình hình hạn, mặn diễn biến ngày càng gay gắt, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để ứng phó, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống người dân. Trong đó, việc đầu tư và đưa vào sử dụng các công trình ngăn mặn, trữ ngọt tiếp tục phát huy hiệu quả rõ rệt.
 

 

Các địa phương đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình ngăn mặn, trữ ngọt.
Các địa phương đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình ngăn mặn, trữ ngọt.
Trước tình hình hạn, mặn diễn biến ngày càng gay gắt, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để ứng phó, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống người dân. Trong đó, việc đầu tư và đưa vào sử dụng các công trình ngăn mặn, trữ ngọt tiếp tục phát huy hiệu quả rõ rệt.
 
Theo ngành chức năng, trước tác động của biến đổi khí hậu, hạn, mặn sẽ xảy ra thường xuyên hơn và những năm tiếp theo sẽ khốc liệt hơn nhiều. Đi đôi với giải pháp tổng hợp thì các giải pháp công trình không chỉ phát huy năng lực phục vụ tại chỗ mà mang tầm cỡ liên vùng.
Theo đó, hệ thống công trình thủy lợi hoàn chỉnh được xem là cơ sở hạ tầng quan trọng đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, nhất là trong thời điểm hạn, mặn diễn biến khó lường như hiện nay.
 
Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm, tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp từ các nguồn kinh phí của huyện, tỉnh, trung ương. Việc đầu tư các công trình ngăn mặn, trữ ngọt cùng với các hệ thống kênh mương nội đồng được nạo vét, khơi thông dòng chảy đã bảo đảm tốt việc ngăn mặn, trữ ngọt.
 
Nhằm đảm bảo nhu cầu nước sản xuất và cấp nước sinh hoạt cho người dân, nhất là ở những địa bàn có nguy cơ bị xâm nhập mặn, các huyện Vũng Liêm và Trà Ôn đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó. Bên cạnh khuyến cáo nông dân sắp xếp lịch thời vụ xuống giống lúa phù hợp, địa phương cũng vận hành đồng bộ và có hiệu quả các cống ngăn mặn.
 
Tại Vũng Liêm, để ứng phó với hạn mặn, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện đã thường xuyên đo mặn vào thời điểm đỉnh triều, thông báo kịp thời số liệu đo độ mặn đến ban ngành huyện, địa phương để chủ động đóng tất cả các cống, bộng ven sông lớn khu vực mặn xâm nhập.
 
Đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý Dự án đầu tư và Xây dựng các công trình nông nghiệp-PTNT; Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam; Tổ vận hành cống Vũng Liêm, Cái Tôm và cống Nàng Âm tổ chức vận hành cống Vũng Liêm để ngăn mặn phục vụ sản xuất và dân sinh.
 
Năm qua, huyện đã triển khai thực hiện hơn 20 công trình cấp trung ương và tỉnh. Đến cuối năm 2023, huyện đã thi công 18 công trình ở các xã, tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng, tiến độ thi công đạt hơn 83% tổng khối lượng, hoàn thành nghiệm thu 9 công trình. Các công trình đã góp phần khép kín 24.216ha diện tích sản xuất nông nghiệp, đạt 99,67%. 
 
Các công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt góp phần bảo vệ sản xuất nông nghiệp  và đời sống của người dân.
Các công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt góp phần bảo vệ sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.
Theo bà Lê Ngọc Yến- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm, trong quý I/2024, huyện đã tiếp tục thực hiện 5 công trình, gồm: Dự án Đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2); hệ thống thủy lợi ngăn mặn tiếp ngọt khu vực huyện Vũng Liêm; hệ thống thủy lợi dọc sông Vũng Liêm; hệ thống thủy lợi ngăn mặn tiếp ngọt xã Thanh Bình- Quới Thiện; sửa chữa đê bao sông Cổ Chiên, xã Thanh Bình và xã Quới Thiện. Đồng thời, tiếp tục theo dõi tiến độ thi công các công trình đầu tư năm 2023 ở các xã…
 
Ông Nguyễn Văn Tâm (ngụ xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm) cho hay: “Các công trình cống ngăn mặn kịp thời xây dựng và đưa vào sử dụng đã giúp nông dân tụi tui giảm chi phí rất lớn trong sản xuất. Nông dân có thể lấy nước ngọt trữ lại trong mương vườn để tưới cho cây, kết hợp với ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tưới tiết kiệm nước nhưng vườn cây vẫn được chăm sóc tốt trong mùa hạn mặn”.
 
Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Trà Ôn, để bảo vệ cho hơn 21.000ha đất sản xuất nông nghiệp, huyện đã đầu tư 7 tỷ đồng thực hiện nạo vét 9 công trình thủy lợi nội đồng.
 
Bên cạnh đó, chủ động rà soát các cống hở đã được đầu tư ở các xã để kịp thời duy tu, sửa chữa và phối hợp các đơn vị chuyên môn khẩn trương hoàn thiện 4 cống hở đang được đầu tư gồm: Bang Chang, Rạch Tra, Rạch Chiếc và Mương Điều với tổng kinh phí xây dựng trên 114,8 tỷ đồng. Dự kiến khi các công trình trên đưa vào sử dụng từ quý II/2024 sẽ nâng tỷ lệ khép kín đất sản xuất nông nghiệp của toàn huyện đạt 95%.
 
Được tỉnh đầu tư xây dựng cống ngăn mặn cũng như thực hiện nạo vét các công trình thủy lợi nội đồng, nhiều bà con nông dân ở các xã Tích Thiện, Thiện Mỹ (Trà Ôn) bày tỏ sự phấn khởi khi diện tích đất sản xuất nông nghiệp được bảo vệ trong các đợt cao điểm của khô hạn và mặn xâm nhập.
 
“Gia đình tôi có gần 10 công đất trồng cây ăn trái, nhiều năm trước bị thiệt hại hoặc không canh tác được do mặn xâm nhập. Công trình cống ngăn mặn hoàn thành đã giúp tôi cũng như nhiều bà con ở đây yên tâm hơn. Ngoài ra, các kênh trữ nước ngọt được tiến hành nạo vét hỗ trợ rất đáng kể cho việc sản xuất trong mùa khô”- chị Nguyễn Thị Yến Ly (ngụ xã Tích Thiện) cho hay.
 
Từ thực tế trên, có thể thấy việc triển khai giải pháp công trình ứng phó hạn, mặn trên địa bàn tỉnh thời gian qua rất kịp thời và đúng đắn. Ngoài những công trình, dự án phòng chống xâm nhập mặn đã, đang và sắp được triển khai, ngành nông nghiệp tỉnh cũng chủ động xây dựng những kịch bản mang tính thích ứng lâu dài với hạn, mặn theo từng thời điểm khác nhau, nhằm đảm bảo nhu cầu sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.
 
Tỉnh phấn đấu phát triển hệ thống thủy lợi đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh.
Tỉnh phấn đấu phát triển hệ thống thủy lợi đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh.
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh cho biết: Hệ thống thủy lợi trong tỉnh đã tiếp cận những thành tựu khoa học công nghệ mới để hiện đại hóa trong đầu tư xây dựng và vận hành, khai thác sử dụng. Đến nay, có 94,24% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được khép kín thủy lợi, đảm bảo tưới tiêu.
 
Thời gian tới, tỉnh phấn đấu phát triển hệ thống thủy lợi đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, bảo đảm chủ động đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp đa dạng, bền vững và phục vụ dân sinh trong điều kiện nguồn nước không xuất hiện tình trạng cực đoan.
 
Định hướng đến năm 2050, hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng hiện đại, thông minh bảo đảm chủ động phục vụ chuyển đổi, đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp và dân sinh, từng bước tự động hóa trong vận hành, có kết nối với phát triển của hệ thống thủy lợi, giao thông trong khu vực để chủ động phục vụ phòng, chống thiên tai, thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bài, ảnh: PHI LONG
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh