Chủ động, linh hoạt ứng phó thiên tai

05:05, 22/05/2024

Trước những diễn biến ngày một cực đoan, khó lường của thiên tai, tỉnh Vĩnh Long luôn chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống thiên tai (PCTT) ở cả 3 giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả. Qua đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
 

 

Hệ thống cống, đê bao được kiểm tra, củng cố, nâng cấp kịp thời để đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai.
Hệ thống cống, đê bao được kiểm tra, củng cố, nâng cấp kịp thời để đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai.
Trước những diễn biến ngày một cực đoan, khó lường của thiên tai, tỉnh Vĩnh Long luôn chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống thiên tai (PCTT) ở cả 3 giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả. Qua đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
 
Hành động sớm- Chủ động trước thiên tai
 
Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp-PTNT), thời gian qua, trong tỉnh chủ yếu xảy ra 4 loại hình thiên tai gây thiệt hại gồm sạt lở, hạn mặn, giông lốc, triều cường. Trong đó, sạt lở, hạn mặn gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của người dân. Năm qua, UBND tỉnh cũng đã quyết định công bố 6 khu vực sạt lở nguy hiểm. Về loại hình thiên tai sạt lở, hạn mặn, triều cường có thể dự báo để người dân phòng tránh, riêng giông lốc chỉ dừng ở mức độ cảnh báo. 
 
Theo đó, để ứng phó với thiên tai, các địa phương cũng đã chủ động “hành động sớm” nhằm tăng cường khả năng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai và chú trọng tới những đối tượng dễ bị tổn thương. Có thể kể đến các hoạt động: tăng cường dự báo, cảnh báo về thiên tai và thông tin tới cộng đồng; kiểm tra đảm bảo an toàn các công trình PCTT; sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn…
 
Tại huyện Vũng Liêm, ông Lê Văn Thăm- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT, cho biết: Năm 2024, tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp hơn so với trước đây. Riêng địa bàn Vũng Liêm có tuyến đê bao dọc sông Măng Thít, sông Cổ Chiên, nên thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở cục bộ ở một số đoạn.
 
Bên cạnh đó, tình trạng hạn mặn cũng diễn biến phức tạp, đặc biệt là vấn đề xâm nhập mặn vào nội đồng. Để chủ động ứng phó có hiệu quả với hạn, xâm nhập mặn, trong thời gian qua huyện tập trung thực hiện đồng bộ 2 giải pháp công trình và phi công trình.
 
Cụ thể, huyện đã đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô; theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình xâm nhập mặn; kịp thời thông tin, dự báo, cảnh báo để chủ động phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả.
 
Hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, chủ động tích trữ nước ngọt trong kênh, mương để sản xuất. Song song đó, thực hiện chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với hạn, mặn. 
 
“Nhờ hệ thống kênh nội đồng, cống đập cơ bản khép kín, vận hành tốt hệ thống cống như: cống Vũng Liêm, Cái Tôm, Nàng Âm… nên huyện cơ bản khống chế được mặn xâm nhập vào nội đồng, cung cấp và giữ ngọt phục vụ sản xuất”- ông Thăm cho biết thêm.
 
Bên cạnh các giải pháp của ngành chức năng, những năm gần đây người dân cũng đã nâng cao nhận thức hơn trong việc PCTT. Cụ thể, để ứng phó với hạn mặn, người dân cũng chủ động trang bị máy đo độ mặn, giãn lịch thời vụ, chuyển đổi cây trồng…
 
Còn để ứng phó với sạt lở, tại các tuyến sông, người dân cũng đã thực hiện các kè mềm bằng cây xanh. Đây được xem là một trong những giải pháp phòng chống sạt lở hiệu quả. Chú Nguyễn Văn Hoàng (xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm) cho biết: “Tôi sống ở cặp sông lớn nên cũng rất lo sạt lở do trước đây khu vực tôi sống là bãi đất trống ven sông, trước đó thường xảy ra sạt lở. Do đó, tôi đã nghĩ ra cách trồng cây cặp mé sông để giữ đất. Theo đó, phía ngoài tôi trồng lục bình, phía trong bờ tôi trồng cây gừa và cây tra- đây là 2 loại cây giữ bờ rất tốt, còn lục bình thì giảm tác động của sóng vào bờ. Từ khi triển khai đến nay được 3 năm tôi thấy diện tích đất của tôi giữ đất tốt, không có dấu hiệu sạt lở”. 

Ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp-PTNT) cho biết: Ngay từ đầu năm, các địa phương, đơn vị đã xây dựng phương án PCTT cho từng loại hình thiên tai, củng cố lực lượng chuẩn bị ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, giông lốc, triều cường… Sau khi thiên tai xảy ra, các ngành, các cấp đã huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ kịp thời, khôi phục kết cấu hạ tầng sản xuất để giúp người dân ổn định đời sống. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp công trình, hoàn thiện các đê bao ven sông lớn, đồng thời, sắp tới sẽ đưa vào hoạt động 11 trạm quan trắc đo độ mặn tự động. Song song đó, sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá lại mức độ sạt lở tại các điểm có dấu hiệu sạt lở, cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở để người dân chủ động ứng phó.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp

Bên cạnh những thuận lợi, thành quả đạt được, công tác quản lý, tổ chức PCTT và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Cụ thể, tiến độ thực hiện các dự án, công trình xây dựng cơ bản và duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, giao thông kết hợp PCTT thực hiện chậm, kết quả còn thấp.
 
Một số nơi, thời điểm, Nhân dân, chính quyền còn chủ quan, lơ là trong công tác PCTT. Các chính sách hỗ trợ thiệt hại thiên tai, hỗ trợ người dân khôi phục lại nhà ở và sản xuất còn thấp. Nhu cầu cho công tác PCTT, ứng phó với biến đổi khí hậu là khá lớn, trong khi nguồn lực của địa phương còn hạn chế…
 
Kè mềm bằng cây xanh phát huy hiệu quả trong việc phòng chống sạt lở.
Kè mềm bằng cây xanh phát huy hiệu quả trong việc phòng chống sạt lở.

Để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả PCTT, ông Lê Văn Thăm cho hay: Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng thủy văn, tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn, thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời để chủ động ứng phó; tập trung duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, đê bao, cống đập để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; tuyên truyền, vận động người dân nạo vét, vệ sinh kênh mương, chủ động giữ ngọt, sử dụng nước ngọt tiết kiệm. Đồng thời, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cơ cấu mùa vụ thích ứng với hạn, mặn, hạn chế thiệt hại trước thiên tai.

Thiệt hại do thiên tai trên 1,4 tỷ đồng

Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp-PTNT), từ đầu năm đến hết tháng 4/2024, thiên tai đã làm thiệt hại 1 căn nhà (bị tốc mái), xảy ra 33 điểm sạt lở. Cụ thể, tại huyện Long Hồ 7 điểm, huyện Mang Thít 2 điểm, TX Bình Minh 4 điểm, huyện Tam Bình 19 điểm, huyện Vũng Liêm 1 điểm; tổng chiều dài các điểm sạt lở 825m, làm ảnh hưởng trực tiếp 124 hộ dân.

Ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên 1,4 tỷ đồng, tăng 1,1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thiệt hại do sạt lở, sụt lún gần 1,38 tỷ đồng.

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, chính quyền, đoàn thể tại địa phương đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, huy động lực lượng hỗ trợ khắc phục gia cố kịp thời các đoạn bờ bao sạt lở giúp người dân ổn định cuộc sống, sản xuất. Đồng thời, khẩn trương thực hiện thủ tục hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại theo quy định.

 

Bài, ảnh: THẢO LY

 

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh