Trước dự báo về diễn biến gay gắt của tình hình hạn, mặn trong mùa khô năm nay, ngành chức năng, địa phương, người dân đã và đang tích cực, nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro thiệt hại, nhất là trong giai đoạn đỉnh mặn.
Trong thời điểm hạn mặn, nông dân cần chủ động sử dụng nước tiết kiệm; bảo vệ, chống ô nhiễm nguồn nước để có nước tưới cho các vườn cây ăn trái. |
Trước dự báo về diễn biến gay gắt của tình hình hạn, mặn trong mùa khô năm nay, ngành chức năng, địa phương, người dân đã và đang tích cực, nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro thiệt hại, nhất là trong giai đoạn đỉnh mặn.
Chủ động ứng phó
Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam dự báo, dòng chảy thượng lưu về ĐBSCL trong tháng 3 và 4 ở mức thấp, kéo theo xâm nhập mặn (XNM) có khả năng xảy ra gay gắt, nghiêm trọng và kéo dài ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.
Tại Vĩnh Long, theo Sở Nông nghiệp-PTNT, dự báo đỉnh mặn sẽ rơi vào tháng 3-4, với nồng độ cao nhất phía sông Cổ Chiên tại cống Nàng Âm khoảng 5,5-6,5‰, tại vàm Măng Thít từ 2,5-3‰; phía sông Hậu tại xã Tích Thiện từ 4-5‰, tại vàm Trà Ôn khoảng 1‰; trong nội đồng cao nhất từ 1-1,5‰. Ranh giới mặn 1‰ trên sông Cổ Chiên có thể đến địa bàn xã An Phước, huyện Mang Thít; mặn trên sông Hậu có khả năng đến TT Trà Ôn.
Với tình hình trên, Vĩnh Long có khả năng đối mặt với nguy cơ nguồn nước bị nhiễm mặn, thiếu hụt ảnh hưởng đến sản xuất (nhất là vụ Đông Xuân và Hè Thu) và sinh hoạt, đặc biệt là các vùng nằm ven và trên các sông lớn (sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên), tuy nhiên không gay gắt, ít nghiêm trọng như XNM đã xảy ra vào mùa khô năm 2015-2016 hay 2019-2020.
Thực tế, từ đầu mùa khô năm 2023-2024 đến nay độ mặn cao nhất xuất hiện tại Vũng Liêm (từ ngày 7-9/2/2024) chỉ đạt 3,7‰ (thấp hơn cùng thời điểm năm 2016 hơn 6‰), nguồn nước vẫn còn thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, ảnh hưởng hạn mặn không đáng kể.
Để chủ động tổ chức phòng, chống hạn hán, XNM trong mùa khô năm nay, tỉnh đã chủ động, sớm triển khai các giải pháp ứng phó hạn, mặn, đặc biệt không lơ là, chủ quan dù độ mặn không cao.
Được cảnh báo mặn đang trong thời điểm đỉnh mặn từ 6-9/3, có 4 công trồng sầu riêng, anh Võ Thanh Lâm (xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm) cho biết: “Rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn trước, tôi đã củng cố hệ thống đê bao của vườn cây cho chắc chắn để tránh nước xâm nhập vào vườn.
Dự trữ nước ngọt trong mương để tưới cho cây hoặc dự trữ trong những túi ny lông dày và đặt dưới gốc cây để tưới cho cây trồng trong những tháng nước mặn. Đặc biệt, tôi không tưới nước cho cây sầu riêng khi nồng độ mặn trên 0,5‰”.
Tương tự, để bảo vệ vườn cây ăn trái, anh Lê Trọng Nghĩa (xã Chánh An, huyện Mang Thít) cho hay: “Để giảm nước bốc hơi và nhu cầu cần nước của cây, tôi cũng tỉa cành, tạo tán, tỉa bớt hoa và trái, không xử lý cây ra hoa trong giai đoạn này nếu nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây khi đậu trái và phát triển trái. Ủ gốc giữ ẩm cho cây trồng bằng rơm rạ, lục bình, cỏ khô,…
Tôi cũng thường xuyên cập nhật thông tin về dự báo tình hình XNM, nồng độ mặn trên các sông, rạch để có hướng xử lý kịp thời ngăn chặn hoặc lấy nước vào vườn”.
Ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp-PTNT) cho biết: Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tổ chức vận hành tốt các công trình thủy lợi, nước sạch theo quy trình, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa các công trình thủy lợi, giao thông có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ nước ngọt, sẵn sàng ứng phó trường hợp hạn, mặn bất thường.
Ngoài các giải pháp công trình, phi công trình, ngành chức năng, địa phương cũng vận động người dân trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô bằng nhiều hình thức, phương tiện như lu, túi chứa nước, trong ao mương…
Cần chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp
Theo Chi cục Trồng trọt-BVTV (Sở Nông nghiệp-PTNT), vụ lúa Đông Xuân 2023- 2024 đã và đang bước vào thu hoạch rộ trên 2.800ha, ước năng suất bình quân 6,2 tấn/ha, sản lượng 13.100 tấn. Hiện tại, diện tích chín đến sắp thu hoạch hơn 34.200ha, còn lại trà muộn giai đoạn trổ 1.700ha.
Đồng thời, lúa Hè Thu đã xuống giống khoảng 1.600ha đang giai đoạn mạ đến đẻ nhánh. Bên cạnh đó, ước diện tích cây màu vụ Hè Thu trên đồng đến nay gần 1.900ha, trong đó diện tích màu xuống ruộng gần 1.000, chiếm trên 53% diện tích xuống giống.
Để bảo vệ sản xuất, Chi cục Trồng trọt-BVTV cảnh báo: hiện nay độ mặn đang có xu hướng tăng. Do vậy, đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra độ mặn và theo dõi cập nhật các bản tin SMS về XNM để có phương án chủ động ứng phó.
Các địa phương cần cập nhật kịp thời các bản tin dự báo mặn để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, bố trí mùa vụ hợp lý với các diễn biến nguồn nước, vận hành hệ thống công trình ứng phó, tăng cường lấy nước ngay khi có thể và kết hợp tưới tiêu tiết kiệm, đồng thời kiểm soát mặn ở các hệ thống thủy lợi, đảm bảo tích trữ nước phục vụ sản xuất.
Đồng thời, tăng cường công tác giám sát mặn, khuyến cáo sản xuất cây trồng ứng phó hợp lý trong điều kiện hạn, mặn, chẳng hạn như: Đối với lúa dễ bị thiệt hại ở giai đoạn mạ và giai đoạn lúa trổ, nếu độ mặn trên 1‰ không cho nước vào ruộng; khi sử dụng nước pha thuốc phun xịt thì nên sử dụng nước không nhiễm mặn (nhỏ hơn 0,8‰).
Nông dân cần kiểm tra độ mặn trước khi tưới cho cây trồng. |
Đối với rau màu hoa kiểng cần thận trọng hơn, có kế hoạch trữ nước ngọt để tưới. Đối với cây ăn trái, sầu riêng là cây nhạy cảm nhất đối với mặn nên cần theo dõi chặt chẽ và có kế hoạch trữ nước ngọt trong mương vườn để tưới trong thời gian mặn xâm nhập. Các cây ăn trái khác cũng chú ý không nên dùng nước nhiễm mặn để pha thuốc phun hoặc tưới nhiều lần trong lúc mặn xâm nhập.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, đến thời điểm hiện tại, hạn mặn 2023-2024 diễn ra đúng như dự báo từ sớm và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không gay gắt như các năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Dự báo hạn mặn cao điểm sẽ vào tháng 3. Đợt này, có điểm sẽ bị XNM sâu từ 80-90km. Các địa phương ở khu vực có nguy cơ đã triển khai gieo cấy sớm để né hạn mặn đầu vụ; các diện tích này được thu hoạch trước XNM cao điểm; đảm bảo tuyệt đối cho cây ăn trái có giá trị cao. Đồng thời đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất. Những khu vực được xác định khó khăn về nguồn nước đã triển khai nhiều giải pháp như kéo dài đường ống, tích nước, làm hồ nước nhỏ… |
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG