Theo ngành chức năng, dự báo độ mặn trong tháng 2 sẽ đạt đỉnh mặn vào khoảng từ ngày 8-10/2 (nhằm 29 tháng Chạp- mùng 1 Tết), độ mặn cao hơn cùng thời kỳ tháng 1. Do đó, để an tâm vui Xuân, đón Tết, các địa phương cùng người dân cũng đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo vệ sản xuất.
Người dân cần thường xuyên theo dõi diễn biến xâm nhập mặn để có kế hoạch sản xuất phù hợp. |
Theo ngành chức năng, dự báo độ mặn trong tháng 2 sẽ đạt đỉnh mặn vào khoảng từ ngày 8-10/2 (nhằm 29 tháng Chạp- mùng 1 Tết), độ mặn cao hơn cùng thời kỳ tháng 1. Do đó, để an tâm vui Xuân, đón Tết, các địa phương cùng người dân cũng đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo vệ sản xuất.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh xuất hiện nửa đầu tháng 1, ảnh hưởng đến các sông chính và kênh, rạch nội đồng trong tỉnh, ranh giới mặn không vượt qua 1‰, đến gần cuối tháng 1 độ mặn bắt đầu tăng dần xấp xỉ 3‰.
Thời điểm vào dịp Tết này, độ mặn trên các sông chính trong tỉnh đã bắt đầu tăng dần. Cụ thể, từ ngày 4-6/2, trong tỉnh xuất hiện mặn ở mức thấp. Dự báo, từ ngày 7- 10/2, trong tỉnh xuất hiện mặn ranh giới 1‰ ở xã Quới An, huyện Vũng Liêm. Trên sông Cổ Chiên, tại cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm) cách cửa sông khoảng 50km, độ mặn cao nhất 3‰ có khả năng xuất hiện ngày 9, 10/2.
Tại Ngã Tư (xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm) cách cửa sông khoảng 60km, độ mặn cao nhất khoảng 0,3‰ có khả năng xuất hiện ngày 7/2. Tại xã Quới An (huyện Vũng Liêm) cách cửa sông khoảng 55km, độ mặn cao nhất 1,5‰, có khả năng xuất hiện ngày 9, 10/2.
Trên sông Hậu, tại xã Tích Thiện (huyện Trà Ôn) cách cửa sông khoảng 55km, độ mặn cao nhất khoảng 1,5‰ có khả năng xuất hiện ngày 9, 10/2. Tại TT Trà Ôn, cách cửa sông khoảng 65km, độ mặn cao nhất 0,4‰ có khả năng xuất hiện ngày 9, 10/2.
Trên sông Tiền, tại xã Đồng Phú (huyện Long Hồ), cách cửa sông khoảng 80km, không xuất hiện mặn. Tại Vàm Cái Muối: huyện Long Hồ (cách cửa sông khoảng 75km), không xuất hiện mặn. Khoảng cách chịu ảnh hưởng của độ mặn 4‰ hoặc 1‰ trở lên tính từ cửa sông chính.
Ông Trương Hoàng Giang- Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn, cho biết: Độ mặn trên các sông chính trong tỉnh tăng dần từ ngày 4/2 và đạt đỉnh mặn vào khoảng từ ngày 8-10/2 cao hơn cùng thời kỳ tháng 1 nhưng thấp hơn so với cùng thời kỳ năm 2023, cao hơn trung bình nhiều năm. Sau đó, từ ngày 11-14/2, độ mặn có xu hướng giảm dần. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn: Cấp độ 2.
“Nhánh sông Cổ Chiên từ trạm Nàng Âm đến Quới An và nhánh sông Hậu từ trạm Tích Thiện đến Trà Ôn có khả năng độ mặn trong các ngày 6-10/2 mặn sẽ ảnh hưởng đến nước sinh hoạt và nước tưới cho cây trồng chịu ngưỡng mặn thấp, sản xuất, vật nuôi, khuyến cáo cân nhắc việc lấy nước tưới, sinh hoạt”- ông Trương Hoàng
Giang cảnh báo.
Để phòng chống hạn mặn, đảm bảo nhu cầu nước cho hoạt động sản xuất và cấp nước sinh hoạt cho người dân, thời gian qua, tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình, hạn chế thiệt hại đến hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, người dân cũng đã chủ động các biện pháp phòng chống hạn mặn ngay từ trước Tết để không bị động trước hạn mặn và an tâm đón Tết.
Chú Nguyễn Văn Te (xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm) cho hay: “Mấy năm trước, cũng có thời điểm mặn xâm nhập vào dịp Tết, gia đình tôi chủ quan nên bị thiệt hại cây trồng. Gần đây, tôi cập nhật thông tin hạn mặn thường xuyên, đo độ mặn hàng ngày, mặn lên là đóng bộng, trữ nước trong vườn. Vậy cho an tâm ăn Tết”.
Tại xã Thanh Bình (huyện Vũng Liêm), ông Hồ Văn Trọn- Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Dự báo độ mặn sẽ tiếp tục tăng cao trong những ngày sắp tới.
Do đó, xã đã thông báo đến trưởng ấp 12 ấp và các hộ dân trên địa bàn toàn xã đóng tất cả các mặt cống, bộng trên phần đất của mình nhằm để ngăn mặn và trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt trong những ngày sắp tới. Đồng thời, tích cực lấy nước và tận dụng những dụng cụ trữ nước hiện có như: lu, xi tẹt, túi biogas, bồn chứa để trữ nước ngọt sử dụng trong thời gian bị ảnh hưởng xâm nhập mặn…
Ngành chức năng khuyến cáo người dân phải kiểm tra nguồn nước trước khi tưới cho cây trồng. |
Để hạn chế thiệt hại, đảm bảo diện tích cây trồng không bị nhiễm mặn, ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân không nên bơm nước trực tiếp từ dưới sông, rạch lên để tưới cây trồng. Cần phải kiểm tra nguồn nước xem có bị nhiễm mặn hay không trước khi tưới.
Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình xâm nhập mặn trên hệ thống truyền thanh của huyện, xã để có kế hoạch sản xuất phù hợp trong những ngày sắp tới.
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, toàn tỉnh đã hình thành hệ thống công trình thủy lợi với trên 400 tuyến đê bao dài hơn 3.600km, trên 6.000 cống, đập, 19 trạm bơm điện, 16 tuyến kè bảo vệ bờ các sông, kênh, rạch lớn dài gần 14km và gần 4.400 tuyến kênh, rạch dài trên 5.300km. Hệ thống thủy lợi đã khép kín chủ động tưới tiêu trên 94% diện tích canh tác. |
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG