Đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

01:02, 20/02/2024

Sau 5 năm triển khai thực hiện, thành tựu nổi bật nhất đạt được của thủy lợi tỉnh nhà là đáp ứng cơ bản các điều kiện cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn; đồng thời tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động thủy lợi. 
 

Cống Nàng Âm giúp ngăn mặn và trữ nước ngọt cho gần 3.000ha đất canh tác vùng phía Đông QL53 của huyện Vũng Liêm.Ảnh: TẤN TÂN
Cống Nàng Âm giúp ngăn mặn và trữ nước ngọt cho gần 3.000ha đất canh tác vùng phía Đông QL53 của huyện Vũng Liêm.Ảnh: TẤN TÂN
Luật Thủy lợi 2018 ra đời là cơ sở cho các địa phương (trong đó có tỉnh Vĩnh Long) phát triển thủy lợi phục vụ đa mục tiêu, góp phần quan trọng trong thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
 
Sau 5 năm triển khai thực hiện, thành tựu nổi bật nhất đạt được của thủy lợi tỉnh nhà là đáp ứng cơ bản các điều kiện cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn; đồng thời tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động thủy lợi. 
 
Thủy lợi được đầu tư lớn
 
Trên cơ sở Luật Thủy lợi, tỉnh Vĩnh Long đã lần lượt ban hành các chính sách cho phát triển thủy lợi. Trên cơ sở các quy hoạch thủy lợi, kế hoạch được duyệt, trong giai đoạn 2018-2023, từ nguồn vốn ngoài đầu tư công, vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư, Vĩnh Long thực hiện 481 công trình thủy lợi với tổng kinh phí gần 5.900 tỷ đồng.
 
Đến nay, tỉnh Vĩnh Long có hệ thống thủy lợi rất lớn với 405 tuyến đê bao (dài 3.642km), 14.638m kè chống sạt lở bờ sông được xây dựng, hơn 6.008 cống, đập, 17 trạm bơm điện và gần 4.400 tuyến sông, kinh, rạch tự nhiên các loại (dài hơn 5.326km) được nạo vét, cải tạo kết hợp sử dụng làm công trình thủy lợi.
 
Có 94,24% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được khép kín thủy lợi (tương đương 112.855ha) đảm bảo tưới, tiêu trong điều kiện thời tiết thủy văn không bất thường. 
 
Hệ thống thủy lợi đã bước đầu tiếp cận những thành tựu khoa học công nghệ mới để hiện đại hóa trong đầu tư xây dựng và vận hành, khai thác sử dụng. Trong đó, năm 2020 đánh dấu nhiều công nghệ, kỹ thuật thủy lợi mới được ứng dụng vào thực tiễn ở Vĩnh Long.
 
Đột phá lớn nhất có thể kể đến là việc xây dựng 2 công trình cống thủy lợi có quy mô lớn nhất, tiên tiến nhất ở tỉnh từ trước đến nay và có nhiều ứng dụng mới, tiên tiến nhất Việt Nam hiện nay trong việc kiểm soát nguồn nước mặn, ngọt, đó là cống Vũng Liêm (ở huyện Vũng Liêm) và cống Tân Dinh (ở huyện Trà Ôn). 
 
Trong công tác tổ chức khai thác công trình thủy lợi, hiện cống Vũng Liêm- công trình phục vụ liên tỉnh (Vĩnh Long- Trà Vinh) do Bộ Nông nghiệp- PTNT quản lý (trực tiếp quản lý khai thác là Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam).
 
Đối với các công trình còn lại, phân cấp quản lý như sau: Cấp tỉnh do Sở Nông nghiệp-PTNT quản lý hệ thống công trình thủy lợi đầu mối do Trung ương, tỉnh đầu tư. Cấp huyện quản lý các công trình vừa và nhỏ, đa phần do các phòng nông nghiệp- PTNT, phòng kinh tế quản lý, khai thác. Riêng huyện Bình Tân đạt chuẩn NTM đã thành lập ban quản lý, khai thác công trình thủy lợi cấp huyện.
 
Đối với các công trình thủy lợi có quy mô nhỏ, UBND cấp huyện giao cho tổ chức thủy lợi cơ sở trực tiếp quản lý, khai thác. Do không có tổ chức thủy lợi cơ sở, nên nhiệm vụ này được các xã giao cho 114 HTX, 1.174 tổ hợp tác, vừa hợp tác trong kế hoạch sản xuất nông nghiệp, lịch thời vụ, vừa quản lý công trình thủy lợi nhỏ ở xã, hoạt động theo hình thức tự nguyện, không làm dịch vụ thủy lợi.
 
Thủy lợi cần được hiện đại hóa các mặt
 
Tuy hệ thống thủy lợi đã được đầu tư lớn, nhưng chỉ mới đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp đơn giản, chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hệ thống kinh, đê bao mau bị bồi lắng, xuống cấp tốn nhiều kinh phí nạo vét, nâng cấp (mỗi năm có từ 200-300km cần phải nạo vét, nâng cấp).
 
Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới trong phát triển, vận hành khai thác hạ tầng thủy lợi chưa phổ biến. Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi của tỉnh chưa theo quy định của Luật Thủy lợi nên công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi còn nhiều khó khăn, bất cập... 
 
Từ những tồn tại của hệ thống thủy lợi hiện tại, trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch “Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn năm 2021-2050”, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2030 phát triển hệ thống thủy lợi đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, bảo đảm chủ động đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp đa dạng, bền vững và phục vụ dân sinh trong điều kiện nguồn nước không xuất hiện tình trạng cực đoan. 
 
Đến năm 2050, hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng hiện đại, thông minh bảo đảm chủ động phục vụ chuyển đổi, đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp và dân sinh, từng bước tự động hóa trong vận hành, có kết nối với phát triển của hệ thống thủy lợi, giao thông trong khu vực để chủ động phục vụ phòng, chống thiên tai, thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu. 
 
Giải pháp trước mắt là từ nay đến năm 2025, tỉnh xây dựng đề án sắp xếp tổ chức, bộ máy quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Trong đó sẽ thành lập các doanh nghiệp, các tổ chức thủy lợi cơ sở để quản lý, khai thác các công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật về thủy lợi. 
 
Bước kế tiếp là tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi theo hướng kết hợp đồng bộ với hạ tầng kinh tế khác. Lĩnh vực và công trình, dự án mà tỉnh Vĩnh Long ưu tiên đầu tư là: Các dự án, công trình thủy lợi tạo động lực cho phát triển nông nghiệp- nông thôn như phát triển cánh đồng lớn trồng lúa, phát triển rau màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, các dự án cho xây dựng NTM và ứng phó với biến đổi khí hậu.
 
Giai đoạn năm 2021-2050, tỉnh dự tính cần khoảng 66.322 tỷ đồng để đầu tư hiện đại hóa thủy lợi. Nhiều công trình/dự án thủy lợi tỉnh sẽ dự kiến thực hiện, như: Hoàn chỉnh thủy lợi vùng Nam sông Măng Thít; nâng cấp mở rộng các kinh trục cấp nước, tiêu nước, thoát lũ nối sông Tiền, sông Hậu ở vùng Bắc QL1; nạo vét hệ thống kinh cấp I, cấp II; nạo vét, cải tạo, nâng cấp mở rộng các kinh trục ở vùng Bắc và Nam Măng Thít.
 
Về công trình đê bao, sẽ hoàn chỉnh đê bao bờ Nam sông Măng Thít, nâng cấp các tuyến đê ven sông Cổ Chiên, sông Hậu và nâng cấp hệ thống đê/bờ bao kiểm soát lũ theo quy mô nhỏ đến hệ thống kinh cấp II… Về công trình cống, sẽ đầu tư hệ thống cống lớn ở các vàm sông nối với sông Măng Thít, sông Cổ Chiên, sông Hậu (mặn 4 g/l đến đâu sẽ xây cống đến đó).
 
Tỉnh còn chú trọng thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý, vận hành công trình, như: Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, khai thác công trình thủy lợi từ cấp tỉnh đến tận cơ sở; hiện đại hóa hệ thống quan trắc, lắp đặt hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn chuyên dùng phục vụ quản lý, khai thác và vận hành công trình... Ngoài ra còn xây dựng hệ thống giám sát vận hành công trình, từng bước tiến tới tự động hóa trong vận hành hệ thống.
 
Đề xuất, kiến nghị
 
Để thực hiện tốt Luật Thủy lợi trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long đề xuất, kiến nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ tỉnh rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống các cơ chế, chính sách pháp luật về thủy lợi.
 
Trong đó, sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định số 77/2018/NĐ-CP, liên quan đến đối tượng hỗ trợ như việc cần phân định cụ thể các đối tượng hỗ trợ trực tiếp (Nhà nước hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, thị trường…) và đối tượng hỗ trợ gián tiếp (nội dung Nhà nước hỗ trợ và nội dung doanh nghiệp, các tổ chức ngoài Nhà nước hỗ trợ) để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước khi thực hiện các chính sách hỗ trợ.
 
Bên cạnh đó, Trung ương cần hỗ trợ tỉnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong thủy lợi, nhất là trên lĩnh vực tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng; hỗ trợ tỉnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ trong phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó và giảm nhẹ tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu;
 
có mô hình chung về quản lý khai thác công trình thủy lợi thống nhất cho vùng ĐBSCL; mở các lớp đào tạo, tập huấn về công tác quản lý khai thác công trình, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm để công chức, viên chức có điều kiện cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực, trình độ quản lý.
 
Ngoài ra, Trung ương cần hoàn thiện khung pháp lý cho việc đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
 
Theo đó, Trung ương cần sớm ban hành luật PPP để tạo khung pháp lý đủ mạnh và ổn định làm cơ sở triển khai hiệu quả mô hình hợp tác này. Đồng thời, ban hành văn bản hướng dẫn, quy định về cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích khối doanh nghiệp và tư nhân tham gia trong công tác xã hội hóa, PPP trong lĩnh vực thủy lợi; hướng dẫn thành lập bộ phận chuyên trách ở địa phương về PPP, đồng thời nhanh chóng bồi dưỡng, nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác PPP ở địa phương.
LƯU NHUẬN
(Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi)
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh