Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm giai đoạn 2021- 2025, vì thế, tỉnh Vĩnh Long xác định mục tiêu cần tăng tốc bứt phá, trọng tâm là thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội.
(VLO) Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm giai đoạn 2021- 2025, vì thế, tỉnh Vĩnh Long xác định mục tiêu cần tăng tốc bứt phá, trọng tâm là thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội. Cùng với việc định hình không gian phát triển, khai thác hiệu quả các lợi thế so sánh, phát triển xứng tầm là một trong những trung tâm động lực của cả vùng ĐBSCL, các giải pháp, định hướng cụ thể được xem là “đường băng” tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện các đột phá chiến lược.
Trước thềm Xuân mới 2024, PV Báo Vĩnh Long có cuộc trao đổi với ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về những giải pháp, định hướng lớn nhằm khai thác các thế mạnh, tạo động lực, đột phá tăng trưởng, bảo đảm tỉnh Vĩnh Long phát triển bền vững trong dài hạn.
Ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long |
* Thưa ông, trong năm 2023, Vĩnh Long đã khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ và đạt những thành tựu nhất định. Xin cho biết kết quả này có ý nghĩa thế nào đối với việc phục hồi kinh tế- xã hội của tỉnh trong năm qua, thưa ông?
- Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021- 2025. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các cấp, các ngành tỉnh đã tập trung, khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và đẩy nhanh thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công.
Vĩnh Long hướng đến phát triển và thu hút các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: PHẠM ĐỨC TÀI |
Qua đó, đến cuối năm 2023, tỉnh thực hiện đạt và vượt kế hoạch 18/21 chỉ tiêu kinh tế- xã hội chủ yếu (còn 3/21 chỉ tiêu không đạt là các chỉ tiêu về kinh tế). Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 ước đạt 41.479 tỷ đồng, tăng 2,61% so với năm 2022. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; thu ngân sách vượt dự toán được giao.
Các hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, có trọng tâm và đi vào chiều sâu. An sinh xã hội, giải quyết việc làm, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, bảo vệ môi trường được chú trọng. Quốc phòng, an ninh giữ vững ổn định.
Đạt kết quả trên đây là nhờ tỉnh đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kịp thời cụ thể hóa các quy định của Trung ương; tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, kịp thời. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, lấy khó khăn, thách thức làm động lực để không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên.
* Từ những thuận lợi đan xen khó khăn như trên, tỉnh Vĩnh Long sẽ làm gì để biến những thách thức thành cơ hội trong năm mới, thưa ông?
- Chúng ta xác định năm 2024 là năm cần tăng tốc bứt phá, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm giai đoạn 2021- 2025; trọng tâm là thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội.
Cùng với đó, trên cơ sở xây dựng và sắp tới đây Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được thông qua. Đây là cơ hội để Vĩnh Long sắp xếp lại không gian phát triển mới, khai thác tốt dư địa và tạo ra động lực phát triển xứng tầm là một trong những trung tâm động lực của cả vùng ĐBSCL.
* Cụ thể theo bản quy hoạch này, để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế và nhất là để cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn, tỉnh Vĩnh Long đã định hướng và tổ chức không gian phát triển như thế nào, thưa ông?
- Quan điểm của tỉnh Vĩnh Long xác định phát triển nhanh và bền vững dựa trên khai thác hiệu quả lợi thế so sánh và phù hợp với vị trí của Vĩnh Long trong vùng ĐBSCL.
Trong đó tập trung phát triển: Một trục động lực phát triển, hai hành lang kinh tế, ba đột phá chiến lược, bốn trụ cột tăng trưởng, năm nhiệm vụ trọng tâm. Không gian phát triển được tổ chức hợp lý, hài hòa giữa các tiểu vùng, gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chúng ta cũng đặt ra mục tiêu tổng quát Vĩnh Long là tỉnh phát triển hiện đại, sinh thái, văn minh và bền vững; là một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững và có hiệu quả cao của vùng; hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước hiện đại, đồng bộ, kết nối thông suốt với kết cấu hạ tầng của vùng và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh chuyển đổi số; phát triển nhanh kinh tế du lịch, dịch vụ thương mại, logistics; phát triển đô thị, nông thôn, văn hóa xã hội, con người toàn diện; bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng và an ninh.
* Từ cơ sở nền tảng của bản quy hoạch, tỉnh Vĩnh Long mở rộng không gian phát triển mới để thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững. Cụ thể, định hình không gian phát triển kinh tế- xã hội theo các hướng mở như thế nào, thưa ông?
- Đến nay, Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được thẩm định ngày 13/4/2023 và được hội đồng thẩm định thông qua. Tỉnh đang thực hiện các thủ tục để trình phê duyệt theo quy định.
Nội dung trọng tâm quy hoạch là định hướng tổ chức không gian phát triển của tỉnh gồm 2 tiểu vùng kinh tế- xã hội và các cực tăng trưởng.
Đó là, vùng trung tâm, phía Tây Bắc của tỉnh, bao gồm: TP Vĩnh Long, TX Bình Minh, huyện Bình Tân và một phần các huyện Long Hồ, Tam Bình, với các cực phát triển là TP Vĩnh Long, TX Bình Minh, đô thị Phú Quới. Vùng phía Đông Nam của tỉnh, gồm các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít, với cực phát triển gồm các TT Vũng Liêm, Trà Ôn và Cái Nhum.
Cùng với đó, 4 trục động lực phát triển, hành lang kinh tế là: Trục động lực phát triển TP Vĩnh Long- đô thị Phú Quới- TX Bình Minh (thuộc hành lang kinh tế Bắc- Nam): phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
Hành lang kinh tế dọc sông Hậu- kết nối ngang theo hướng huyện Bình Tân- TX Bình Minh- huyện Tam Bình- huyện Trà Ôn (thuộc hành lang kinh tế Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng, kết nối với cảng Trần Đề): phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ vui chơi giải trí, nông nghiệp công nghệ cao.
Hành lang kinh tế dọc sông Tiền, sông Cổ Chiên- kết nối ngang tỉnh theo hướng TP Vĩnh Long- huyện Mang Thít- huyện Vũng Liêm (kết nối TP Trà Vinh- TP Vĩnh Long- TP Sa Đéc): phát triển đô thị, công nghiệp sạch, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Con đường kết nối du lịch sinh thái, di sản văn hóa dọc sông Măng Thít: cùng với hệ thống sinh thái, văn hóa, lịch sử gắn liền với khu gạch gốm Mang Thít, hình thành cấu trúc các vùng sinh thái, văn hóa đặc trưng; có vai trò phục vụ vận tải thủy, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
* Trong bối cảnh lập Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long có thuận lợi lớn khi có nhiều nghị quyết đã xác định rất rõ về vị trí, vai trò của tỉnh Vĩnh Long đối với vùng ĐBSCL và cả nước; nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng sắp hoàn thành. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với Vĩnh Long trong việc kết nối giao thương, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian tới, thưa ông?
- Để giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng thì thời gian qua vùng ĐBSCL đã và đang được đầu tư mạng lưới đường bộ cao tốc. Trong đó, vùng ĐBSCL sẽ có 6 tuyến cao tốc gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang và khi hoàn thiện các cao tốc sẽ tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội của vùng.
Vĩnh Long sẽ được hưởng lợi thế lớn về hạ tầng giao thông, đặc biệt 2 công trình có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng là cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 vừa được khánh thành, đưa vào sử dụng từ ngày 24/12/2023.
Cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 vừa khánh thành được kỳ vọng tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội của Vĩnh Long và cả vùng ĐBSCL. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC LIÊM |
Cùng với cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ hoàn thành có ý nghĩa lớn đến kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL. Theo đó, sẽ hình thành trục cao tốc liên hoàn TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ, tạo động lực rất lớn cho sự phát triển nội lực và ngoại lực của các địa phương trong vùng ĐBSCL.
Vĩnh Long là địa phương có chiều dài tuyến cao tốc này đi qua nhiều nhất, sẽ có nhiều lợi thế trực tiếp. Để khai thác tối đa hiệu quả tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ, tỉnh đã quy hoạch 2 khu công nghiệp trên trục tuyến cao tốc này với tổng diện tích hơn 800ha (hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực).
Cùng với đó, để dần hình thành, phát triển chuỗi logistics nội vùng và kết nối liên vùng, đặc biệt là kết nối với TP Hồ Chí Minh và các địa phương vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, Vĩnh Long tập trung quy hoạch phát triển luồng vận tải đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa nội tỉnh.
Tỉnh cũng định hướng phát triển vận tải đa phương thức nhằm khai thác tối đa hiệu quả kinh tế đảm bảo tiêu chí giao hàng nhanh nhất, giá thành cạnh tranh nhất cho hàng hóa của vùng ĐBSCL, quan tâm phát triển nguồn nhân lực trong ngành vận tải.
Đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ như dịch vụ giao nhận hàng hóa JIT (đúng giờ), quản lý lưu kho, khai thác liên bến, các dịch vụ giá trị gia tăng khác, đảm bảo kết cấu hạ tầng thông tin liên lạc an toàn, bảo mật, kịp thời, thông suốt trong công tác điều hành quản lý hệ thống logistics.
* Có thể nói đó là “đường băng” mới để Vĩnh Long khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh. Những điều đó mang đến kỳ vọng gì cho Vĩnh Long trong thời gian tới, thưa ông?
- Có thể khẳng định những yếu tố trên đây sẽ giúp Vĩnh Long tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, định hướng phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, điều hành ở các cơ quan quản lý công và khu vực doanh nghiệp; đặc biệt là trong các ngành như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao và công nghiệp chế biến.
Tập trung phát triển trục động lực, các hành lang kinh tế và kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao gắn với phát triển du lịch, đô thị và công nghiệp chế biến; tạo dựng môi trường sống bền vững; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc.
Các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu, OCOP được tỉnh chú trọng hỗ trợ phát triển. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH |
Vĩnh Long đã và đang hoạch định các giải pháp chiến lược, đưa ra các phương án tạo động lực phát triển để xứng tầm là một trong những trung tâm động lực của vùng ĐBSCL. Đây là cơ hội để tỉnh sắp xếp lại không gian phát triển mới, tạo dư địa và động lực phát triển cho từng lĩnh vực, giải quyết triệt để được các nút thắt, điểm nghẽn mà giai đoạn trước chưa có cơ hội để thực hiện.
* Xin chân thành cảm ơn ông.
* Tại Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long, tỉnh rất chú trọng xây dựng con đường kết nối du lịch sinh thái, di sản văn hóa dọc sông Măng Thít. Như vậy, “vương quốc gốm đỏ” đóng vai trò như thế nào trên con đường kết nối đó, thưa ông? - Theo nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu Di sản đương đại Mang Thít thuộc huyện Mang Thít đến năm 2045 đã được UBND tỉnh ban hành, quy mô quy hoạch khoảng 3.060ha thuộc 4 xã: Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh (huyện Mang Thít). Hồi tháng 11/2023, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương thực hiện lập Quy hoạch phân khu vùng lõi Di sản đương đại Mang Thít, phạm vi lập quy hoạch phân khu vùng lõi khoảng 333ha. Chúng ta kỳ vọng đưa khu Di sản đương đại Mang Thít trở thành hệ sinh thái cảnh quan- di sản- dịch vụ trong tương lai. Đây là một kho báu lộ thiên giàu giá trị cần được bảo tồn bởi lịch sử của nó được kiến tạo qua hơn trăm năm từ sự giao thoa văn hóa- kỹ nghệ đặc sắc giữa người Khmer, người Kinh và người Hoa để hun đúc tạo ra khối di sản kiến trúc cùng nghề truyền thống hết sức độc đáo. Đề án đưa vương quốc gạch ngói Mang Thít trở thành di sản đương đại là một ý tưởng độc đáo, đa mục tiêu giải quyết được nhiều vấn đề, mang lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho địa phương, đặc biệt đối với người dân trong khu vực đề án. |
TRẦN PHƯỚC (thực hiện)