Trong năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo, khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội theo Chỉ thị số 03/CT-TTg; đẩy nhanh thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công, phát triển doanh nghiệp; vì vậy tính đến cuối năm 2023, Vĩnh Long đã hoàn thành đạt và vượt 18/21 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Trong năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo, khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội theo Chỉ thị số 03/CT-TTg; đẩy nhanh thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công, phát triển doanh nghiệp; vì vậy tính đến cuối năm 2023, Vĩnh Long đã hoàn thành đạt và vượt 18/21 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Trao đổi cụ thể hơn với phóng viên Báo Vĩnh Long về những nét cơ bản kinh tế- xã hội của tỉnh đạt được trong năm 2023, ông Hà Văn Ban- Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Long, cho biết:
Nhìn chung, trong năm 2023, các cân đối lớn của nền kinh tế tỉnh được đảm bảo; thu ngân sách vượt dự toán được giao; mặt bằng lãi suất được kéo giảm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh; sản xuất nông nghiệp phát triển khá ổn định làm trụ đỡ cho sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh; sản xuất công nghiệp đã có xu hướng phục hồi và phát triển trở lại trong quý IV/2023.
Các ngành thương mại, dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng khá, cung cầu hàng hóa được đảm bảo, tổng vốn đầu tư toàn xã hội được huy động tăng so cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng,... an sinh xã hội được đảm bảo.
Tuy nhiên, còn 3 chỉ tiêu kế hoạch mà tỉnh không đạt ở lĩnh vực kinh tế và liên quan đến tăng trưởng kinh tế GRDP của địa phương. Đây là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi tỉnh cần có những quyết sách, giải pháp mang tính chiến lược, có tính đột phá thực hiện trong năm 2024, 2025 nhằm hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XI của tỉnh đã đề ra.
* Từ số liệu thống kê cho thấy, có sự sụt giảm đối với một số chỉ tiêu về kinh tế, chẳng hạn khu vực II (công nghiệp và xây dựng) giảm đến 6,96%, cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2023 có sự chuyển dịch chậm… Theo ông, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này và điều đó ảnh hưởng như thế nào đến tăng trưởng chung của nền kinh tế, thưa ông?
- Tăng trưởng kinh tế năm 2023 của tỉnh theo ước tính chỉ ở mức 2,01%, thấp hơn 5,99 điểm phần trăm so với kỳ vọng (mục tiêu kế hoạch đề ra tăng 8%).
Tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức thấp là do chịu tác động của việc sụt giảm nặng nề ở khu vực II (công nghiệp và xây dựng) giảm 6,96%. Trong đó, ngành công nghiệp giảm đến 9,7%, đã kéo giảm đến 1,28 điểm phần trăm tốc độ tăng trưởng chung.
Nguyên nhân do ảnh hưởng của tình hình thế giới có nhiều bất ổn, suy thoái kinh tế tác động đến thương mại toàn cầu, lạm phát tăng cao ở một số nước châu Âu,… đã tác động làm giảm các đơn hàng từ phía đối tác nước ngoài.
Vì vậy các ngành sản xuất công nghiệp chủ lực, có quy mô lớn của tỉnh trong khu công nghiệp như: sản xuất giày da, may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ… đều có mức sản xuất giảm so với năm trước vì không có đơn hàng, không có thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước như mì sợi, bia, mỹ phẩm,… cũng gặp nhiều khó khăn đã làm cho sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2023 bị sụt giảm.
* Vâng, năm 2024, tỉnh đã đề ra 21 chỉ tiêu chủ yếu để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Xin ông cho biết đâu là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh Vĩnh Long trong năm mới? Và chúng ta kỳ vọng gì từ những yếu tố hỗ trợ tích cực đó?
- Theo nhận định của Cục Thống kê, năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tuy vậy, kinh tế Vĩnh Long sẽ vẫn có nhiều kỳ vọng đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2024 do những yếu tố hỗ trợ tích cực sau:
Các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế tỉnh nhà năm 2024; các động lực về đầu tư; tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, sẽ tạo sự chuyển biến tích cực hơn trong năm 2024.
Việc kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trên 95% kế hoạch; triển khai hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành công thương; đề án phát triển ngành du lịch, phát triển các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch được duyệt, từng bước hình thành các trục kinh tế động lực; đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: KCN Đông Bình, KCN Gilimex, cụm công nghiệp Thuận An... sẽ là những động lực và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2024.
* Như vậy, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh năm 2024, tạo bứt phá để hoàn thành mục tiêu kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, ngành thống kê sẽ đề xuất, kiến nghị với tỉnh thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?
- Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2024, tạo bứt phá để hoàn thành mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025, các giải pháp cần tập trung chỉ đạo là:
Một là, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội; thực hiện hiệu quả công tác quản lý giá, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu...
Hai là, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, tín dụng... thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ba là, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, phát triển mạnh theo hướng kinh tế nông nghiệp, xây dựng kế hoạch và chủ động chỉ đạo điều chỉnh sản xuất linh hoạt, thích ứng với thời tiết, phù hợp với thị trường. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bốn là, triển khai hiệu quả các chính sách kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại, thị trường trong nước, thúc đẩy áp dụng thương mại điện tử, phát triển dịch vụ logistics và kinh tế số để tăng cường khả năng giao dịch, tìm kiếm, mở rộng thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu.
Năm là, thực hiện hiệu quả tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu, nhất là từ thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số và chống thất thu thuế. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách để ưu tiên cho tăng chi đầu tư phát triển.
Sáu là, thực hiện linh hoạt về tín dụng; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng kinh tế như: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu,...; triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu trong giới hạn an toàn.
Bảy là, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 theo kế hoạch đề ra; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trên 95% kế hoạch. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư đã được cấp phép, chưa triển khai hoặc đang triển khai nhất là các dự án công trình lớn có vai trò quan trọng để sớm đi vào vận hành, phát huy hiệu quả, tạo năng lực sản xuất mới.
Tám là, tiếp tục thực hiện tốt việc cải cách các thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp nhằm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
* Xin cảm ơn ông!
TRẦN PHƯỚC (thực hiện)