Sau thời gian được đầu tư xây dựng tại ấp Hiếu Tín (xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm), Bia truyền thống kháng chiến Vĩnh Long- Trà Vinh vừa khánh thành và đưa vào phục vụ nhu cầu thăm, viếng, tham quan.
Các tin liên quan |
Đại biểu cắt băng khánh thành công trình Bia truyền thống kháng chiến Vĩnh Long- Trà Vinh. |
Sau thời gian được đầu tư xây dựng tại ấp Hiếu Tín (xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm), Bia truyền thống kháng chiến Vĩnh Long- Trà Vinh vừa khánh thành và đưa vào phục vụ nhu cầu thăm, viếng, tham quan.
Công trình này hoàn thành đã phản ánh đầy đủ truyền thống đấu tranh cách mạng và những chiến công oanh liệt của vùng đất Vĩnh Trà trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Tự hào “Vùng ruột Vĩnh Trà”
Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, “vùng ruột Vĩnh Trà” là vùng ở giữa tỉnh Vĩnh Trà xưa, nay thuộc các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) và Càng Long, Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh). Trong đó, có 6 xã giáp ranh gồm: Hiếu Thành (huyện Vũng Liêm) giáp ranh xã Hòa Bình, Hựu Thành (huyện Trà Ôn), xã Thạnh Phú (huyện Cầu Kè), xã An Trường, Tân An (huyện Càng Long).
Nơi đây không chỉ là vùng đồng bằng rộng lớn, trù phú, dân cư đông đúc, giàu truyền thống cách mạng còn là nơi đứng chân của Tỉnh ủy Vĩnh Long- Trà Vinh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Vùng căn cứ kháng chiến này cũng từng là nơi nuôi chứa, bảo vệ cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy, Huyện ủy, bộ đội chủ lực Khu 8, Khu 9 cùng bộ đội địa phương.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, địch đã chọn “vùng ruột Vĩnh Trà” để thành lập nhiều cứ điểm đóng quân quan trọng như: Yếu khu Thầy Phó, Chi khu Nhà Đài; đồn Bắc-sa-ma, đồn Phong Phú, bót Cầu Tàu,…
Do đó, đây cũng là địa bàn giằng co rất quyết liệt giữa ta với địch. Riêng ở ấp Hiếu Tín thuộc xã Hiếu Thành (cũ), trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, địch cho đóng 3 đồn gồm Bảy Cầm, Ngã Hậu và Kênh 60 nhằm chia cắt với vùng giải phóng.
Trước tình thế đó, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bùi Văn Chi, du kích ấp Hiếu Tín đã cùng với du kích xã đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường, làm thất bại các cuộc tiến công, càn quét, đóng đồn lấn chiếm của kẻ thù và góp phần vào thắng lợi chung của đại thắng mùa Xuân năm 1975- giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Để ghi dấu những chiến công của dân quân du kích nơi đây, Huyện ủy Vũng Liêm đã cho xây dựng Bia Mặt trận Cây Điệp tại ấp Hiếu Tín, xã Hiếu Thành (nay thuộc ấp Hiếu Tín, xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm).
Tuy nhiên, Bia Mặt trận Cây Điệp chưa phản ánh hết truyền thống đấu tranh cách mạng và những chiến công oanh liệt của vùng đất này trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Vì vậy, nguyện vọng của các đồng chí nguyên lãnh đạo cùng các cán bộ, lão thành cách mạng và Nhân dân hai tỉnh là mong muốn xây dựng một công trình bia mới quy mô hơn và thể hiện đầy đủ truyền thống lịch sử hào hùng, tinh thần đoàn kết đấu tranh của hai tỉnh Vĩnh Long- Trà Vinh. Đó là lý do công trình Bia truyền thống kháng chiến Vĩnh Long- Trà Vinh được đầu tư xây dựng.
Từng tham gia chiến đấu nhiều trận đánh tại “vùng ruột Vĩnh Trà” và là một trong những nhân chứng lịch sử của vùng đất này, Thiếu tướng Lê Xã Hội- nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, đã nhấn mạnh ý nghĩa sự ra đời của công trình Bia truyền thống kháng chiến Vĩnh Long- Trà Vinh.
“Quân dân ta đã đổ nhiều mồ hôi và cả xương máu cho sự nghiệp cách mạng để có được độc lập dân tộc như ngày hôm nay. Không có lý do gì chúng ta không xây dựng một công trình để ghi nhớ và tôn vinh những hy sinh, mất mát đó, để mỗi người dân đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu thêm về những trang sử hào hùng của dân tộc”- Thiếu tướng Lê Xã Hội nhắn nhủ trong ngày khánh thành công trình Bia truyền thống kháng chiến Vĩnh Long- Trà Vinh.
“Địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước
Với nhiều chiến công oanh liệt qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cả 4 huyện Trà Ôn, Vũng Liêm (Vĩnh Long) và Cầu Kè, Càng Long (Trà Vinh) được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Tự hào với truyền thống đấu tranh trên, Đảng bộ và Nhân dân hai tỉnh Vĩnh Long- Trà Vinh thống nhất chủ trương xây dựng Bia truyền thống kháng chiến Vĩnh Long- Trà Vinh.
Công trình này khởi công vào ngày 28/10/2023 với tổng mức đầu tư hơn 8,1 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh Trà Vinh vận động hỗ trợ 3 tỷ đồng. Với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, các ngành và đơn vị có liên quan, Bia truyền thống kháng chiến Vĩnh Long- Trà Vinh hoàn thành đúng tiến độ đề ra và vừa khánh thành vào ngày 2/1/2024 trong niềm vui, sự phấn khởi của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân hai tỉnh.
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cùng các cán bộ lão thành cách mạng của hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh chụp ảnh lưu niệm trước công trình Bia truyền thống kháng chiến Vĩnh Long- Trà Vinh. |
Bia truyền thống kháng chiến Vĩnh Long- Trà Vinh được xây dựng trên diện tích 1.143m2 tại ấp Hiếu Tín (xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm), có kết cấu đẹp và hài hòa với chiều cao 7m, thân bia và 2 phù điêu rộng 7m, đế bia cao 1,5m.
Bia thể hiện 4 cánh sen cách điệu tượng trưng cho 4 huyện: Vũng Liêm, Trà Ôn (Vĩnh Long), Cầu Kè và Càng Long (Trà Vinh). Bông lúa thể hiện thế mạnh kinh tế nông nghiệp của vùng đất. Huy hiệu “Anh hùng” gắn trên thân Bia do Nhà nước phong tặng.
Bia có 2 phù điêu minh họa phong trào chiến tranh Nhân dân với thắng lợi “Chiến dịch Cầu Kè” năm 1949 và “Chiến thắng Yếu khu Thầy Phó” trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ 5 lần oanh liệt quân dân ta đánh chiếm, giải phóng cứ điểm quân sự chiến lược này. Nội dung “văn bia” được các đồng chí hưu trí hai tỉnh, các ngành chức năng và Nhân dân đóng góp sửa chữa nhiều lần.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho rằng:
“Bia truyền thống kháng chiến Vĩnh Long- Trà Vinh hoàn thành không chỉ khắc ghi những dấu son trong tiến trình lịch sử đấu tranh của “vùng ruột Vĩnh Trà”, lưu giữ những dấu ấn lịch sử của hai địa phương trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ còn nhắc nhở con cháu đời sau giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết, xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.
Đây sẽ là “địa chỉ đỏ” để giáo dục lòng yêu nước cho người dân địa phương nói chung, cho tuổi trẻ và thế hệ đời sau có trách nhiệm giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha”.
Nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử của vùng đất Vĩnh Trà trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược. |
Để tiếp tục phát huy giá trị lịch sử của Bia truyền thống cách mạng, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý Sở Văn hóa-TT-DL phối hợp với địa phương thực hiện tốt việc chăm sóc, quản lý cây cảnh, cụm bia, phát huy công trình đã được đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để Bia truyền thống kháng chiến Vĩnh Long- Trà Vinh trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Đồng thời, đáp ứng nhu cầu thăm, viếng, tham quan, về nguồn, nghiên cứu, học tập của Nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Bài, ảnh: PHẠM PHONG