Chung sức, linh hoạt phòng chống thiên tai

07:01, 19/01/2024

Thời gian qua, công tác phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) được các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng quan tâm, thực hiện linh hoạt, chủ động và có hiệu quả. 

 

Tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, sạt lở bờ sông xảy ra nhiều nơi nên cần chủ động công tác cảnh báo, ứng phó kịp thời.
Tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, sạt lở bờ sông xảy ra nhiều nơi nên cần chủ động công tác cảnh báo, ứng phó kịp thời.
Thời gian qua, công tác phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) được các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng quan tâm, thực hiện linh hoạt, chủ động và có hiệu quả. Theo ngành chức năng, trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra ngày càng khốc liệt và khó lường, để PCTT tiếp tục đạt hiệu quả, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân. 
 
Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại
 
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, trong năm qua, để chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai xảy ra, ngay từ đầu năm, các địa phương, đơn vị đã xây dựng phương án PCTT- TKCN cho từng loại hình thiên tai, củng cố lực lượng chuẩn bị ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, giông lốc, triều cường...
 
Chủ động triển khai công tác ứng phó, huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, hậu cần của địa phương, đơn vị ứng phó với thiên tai. Công tác phối hợp giữa các cấp, đơn vị chặt chẽ, cung cấp và chia sẻ thông tin về diễn biến khí tượng- thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn chuyển tải đến các cơ quan, đơn vị, địa phương nhanh chóng, hỗ trợ tốt cho công tác dự báo, cảnh báo và ứng phó với thiên tai.
 
Sau khi thiên tai xảy ra, các ngành, các cấp, ban chỉ huy PCTT- TKCN đã huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai, thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, ảnh hưởng, giúp sửa chữa lại nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; thống kê, tổng hợp thiệt hại, hỗ trợ kịp thời, khôi phục cơ sở hạ tầng, sản xuất để giúp người dân ổn định đời sống. 
 
Bà Lê Ngọc Yến- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm cho hay: Năm qua, ngành nông nghiệp huyện đã chủ động tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo kịp thời bằng các hình thức nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác trong cộng đồng dân cư để chủ động, tránh chủ quan, lơ là trong phòng, chống, ứng phó thiên tai, xâm nhập mặn, dông, bão.
 
Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để PCTT, các đê bao kết hợp giao thông nông thôn đã góp phần hạn chế ảnh hưởng và thiệt hại do mưa lớn và triều cường, bảo vệ sản xuất và dân sinh.
 

Tại huyện Mang Thít, ông Hồ Phước Dư- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện cho biết: Năm 2023, địa phương củng cố kiện toàn đội xung kích PCTT ở các xã, thị trấn; tổ chức tập huấn “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”.

 

Đồng thời, đầu tư nâng cấp, gia cố 29 công trình thủy lợi với tổng chiều dài trên 18.600m, kinh phí trên 8,2 tỷ đồng. Huyện cũng đã thực hiện hỗ trợ các hộ dân có nhà ở phải di dời khẩn cấp do sạt lở; các hộ dân bị tốc mái nhà do dông, lốc, khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống.

Các địa phương đã thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, khắc phục hậu quả thiên tai.
Các địa phương đã thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo ông Trương Thành Dãnh- Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, trong thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phòng, chống, ứng phó, khắc phục thiên tai luôn được sự quan tâm sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và chung sức đóng góp của các ngành, các địa phương và Nhân dân đã mang lại hiệu quả tích cực, từ đó đã hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
 
Thông tin về diễn biến thời tiết, khí tượng- thủy văn, tình hình thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, giông lốc... được cập nhật và truyền tải nhanh chóng, kịp thời đã hỗ trợ tốt cho công tác ứng phó với thiên tai. Bên cạnh đó, các địa phương đã thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, kịp thời huy động lực lượng, phương tiện, vật tư hỗ trợ người dân phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
 
Cần nâng cao nhận thức 
 
Theo đánh giá của ngành chức năng, thời gian qua, các địa phương, người dân đã chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa thiên tai. Nhờ đó, công tác PCTT đã tốt hơn nhiều. Công tác chỉ huy, diễn tập, tuyên truyền, tập huấn kỹ năng ứng phó với thiên tai của người dân, của cộng đồng có nhiều chuyển biến, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, đặc biệt là về người.
 
Tuy nhiên, theo ông Trương Thành Dãnh- Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, công tác PCTT trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế như: một số cán bộ ở địa phương phải kiêm nhiệm nhiều việc, dẫn đến báo cáo số liệu về thiên tai chưa kịp thời, thiếu số liệu, không thống nhất, gây khó khăn cho công tác tổng hợp.
 
Công tác thống kê, lập hồ sơ hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra của một số địa phương còn chậm, do đó chưa kịp thời hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất. 
 
Trong khi đó, kinh phí dành cho công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục thiên tai còn hạn chế, đặc biệt là khắc phục sạt lở tại các huyện, thị xã, thành phố (mỗi năm xảy ra hàng trăm điểm, tuyến sạt lở, nhưng do thiếu kinh phí nên số điểm, tuyến được xử lý khắc phục rất ít- khoảng vài chục điểm, tuyến). 
 
Không chỉ vậy, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường, sạt lở bờ sông, kênh, rạch xảy ra nhiều nơi trong tỉnh nhưng công tác phòng tránh sự cố này chỉ được thực hiện thông qua công tác cảnh báo là chính, chưa có những công cụ dự báo hiệu quả về nguy cơ sạt lở, do đó công tác chủ động ứng phó của chính quyền và người dân còn hạn chế.
 
Thiếu phương tiện chuyên dùng và lực lượng chuyên nghiệp cho công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; cơ sở hạ tầng cho phòng, chống thiên tai còn lạc hậu, chưa theo kịp với diễn biến thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, phức tạp.
 

Ông Trương Thành Dãnh cho hay: Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh đã xây dựng kế hoạch công tác PCTT- TKCN năm 2024.

Cụ thể, thực hiện các giải pháp bảo vệ sản xuất, phòng chống hạn và xâm nhập mặn, đảm bảo thu hoạch an toàn trong sản xuất và an toàn cho dân sinh trong tỉnh. Triển khai các biện pháp tăng cường năng lực PCTT; theo dõi sát sao diễn biến thực tế, phối hợp chỉ đạo thực hiện kịp thời các biện pháp hỗ trợ các địa phương, người dân ứng phó, khắc phục hậu quả do hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lớn, lốc xoáy, sạt lở bờ sông, lũ...

Song song đó, phối hợp chặt chẽ với cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, tiếp nhận thông tin về tình hình hạn, mặn, lũ, triều cường, bão, áp thấp nhiệt đới, thông báo các dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm hàng ngày qua hệ thống tin nhắn SMS.

Đồng thời, vận hành, khai thác có hiệu quả hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường để hỗ trợ cho công tác chỉ đạo sản xuất, phòng chống hạn, mặn, sạt lở, …

 

 

Các ngành, các cấp, ban chỉ huy PCTT- TKCN đã huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do thiên tai.
Các ngành, các cấp, ban chỉ huy PCTT- TKCN đã huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do thiên tai.
 
Để chủ động phòng, chống và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra cần có một chiến lược dài hạn, mang tầm vĩ mô, nhất là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra ngày càng khốc liệt và
khó lường. 
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, năm 2023, ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra: trên 78,1 tỷ đồng (giảm trên 8,7 tỷ đồng so với năm 2022). Các loại thiên tai gây ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại nặng nhất đến tỉnh Vĩnh Long trong năm 2023 là gió mạnh, lốc xoáy, mưa lớn, triều cường, sạt lở bờ sông. Tổng kinh phí đã hỗ trợ khắc phục thiệt hại trên 21,4 tỷ đồng.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh