Chiến thắng của quyền tự vệ và tình hữu nghị

06:01, 09/01/2024

Ngay sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (30/4/1975), đất nước ta lại phải đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược từ hướng Tây Nam của chính quyền diệt chủng Pol Pot- Ieng Sary ở biên giới. 

Hoàn thành nghĩa vụ giúp bạn, quân tình nguyện Việt Nam rút về nước trong sự chia tay, luyến tiếc của nhân dân Campuchia.
Hoàn thành nghĩa vụ giúp bạn, quân tình nguyện Việt Nam rút về nước trong sự chia tay, luyến tiếc của nhân dân Campuchia.
Ngay sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (30/4/1975), đất nước ta lại phải đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược từ hướng Tây Nam của chính quyền diệt chủng Pol Pot- Ieng Sary ở biên giới. 
 
Đất nước bước vào cuộc chiến tranh mới
 
Từ tháng 5/1975-6/1978, quân Pol Pot liên tục gây ra hàng trăm vụ dùng vũ trang xâm chiếm trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Đỉnh cao là chúng huy động hàng chục sư đoàn chủ lực bố trí dọc biên giới và táo tợn sử dụng cấp tiểu đoàn, trung đoàn tiến công vào sâu lãnh thổ nước ta bắn giết, đốt phá, gây ra nhiều tội ác đối với Nhân dân ta.
 
Cụ thể, ngay ngày 1/5/1975, Pol Pot đã cho quân xâm phạm nhiều nơi thuộc lãnh thổ Việt Nam từ Hà Tiên đến Tây Ninh; tiếp đó chúng đưa quân đánh chiếm đảo Thổ Chu, bắn giết nhiều người dân và bắt đưa đi 515 người khác.
 
Sau những vụ gây hấn nghiêm trọng trên, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn bày tỏ mong muốn hai nước Việt Nam và Campuchia đàm phán ký kết hiệp ước về biên giới giữa hai nước trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tiếp tục đoàn kết và tăng cường tình nghĩa anh em giữa nhân dân hai nước.
 
Song, do bản chất dân tộc cực đoan, tập đoàn Pol Pot đã bác bỏ và được sự hậu thuẫn từ các thế lực nước ngoài họ tiếp tục có nhiều hành động thù địch chống Việt Nam. Chỉ trong mấy tháng cuối năm 1975 và đầu năm 1976, quân Pol Pot liên tiếp gây ra hơn 250 vụ xâm phạm lãnh thổ, cướp lúa gạo, trâu, bò, giết hại nhiều người dân Việt Nam.
 
Đầu năm 1977, quân Pol Pot lại mở cuộc tiến công vào các đồn biên phòng ta ở Bu Prăng (Đắk Lắk), vùng Mỏ Vẹt (Long An) và một số nơi ở Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang.
 
Nghiêm trọng nhất là từ ngày 30/4-19/5/1977, quân Pol Pot sử dụng lực lượng quy mô cấp sư đoàn tiến công sang đất Việt Nam trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang, giết hại 222 người, làm bị thương 614 người, bắt đi 10 người, đốt cháy 552 nhà dân, cướp 134 tấn lúa, phá hoại hàng trăm hecta lúa đang đến mùa gặt; cướp phá nhiều tài sản của Nhân dân...
 
Tháng 6/1977, tập đoàn Pol Pot ra nghị quyết coi Việt Nam “là kẻ thù số một, kẻ thù vĩnh cửu” của Campuchia và từ đây, chúng ngang nhiên mở rộng xung đột thành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
 
Vào những tháng cuối năm 1977, quân Pol Pot mở nhiều cuộc tiến công lớn trên tuyến biên giới từ Kiên Giang đến Tây Ninh. Riêng tại xã Tân Lập (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), ngày 25/9/1977, quân Pol Pot đã đốt cháy 400 căn nhà, giết hơn 1.000 dân thường.
 
Sau khi bị quân ta mở đợt tiến công trừng trị hành động xâm lược trên toàn tuyến biên giới, đẩy quân của chúng lùi về bên kia biên giới, ngày 31/12/1977, tập đoàn Pol Pot đã đơn phương tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
 
Từ đây, chúng công khai tuyên truyền vu khống Việt Nam, coi Việt Nam là mối đe dọa đối với Campuchia, gắn quá trình phản bội và xâm lược Việt Nam với các cuộc thanh trừng các lực lượng chân chính
trong nước.
 
Chúng ráo riết xây dựng thêm các sư đoàn chiến đấu, đồng thời điều động 13/18 sư đoàn bộ binh áp sát biên giới Việt Nam, tiến hành khiêu khích, thăm dò, chuẩn bị những cuộc tiến công xâm lược mới. Liên tiếp trong các tháng đầu năm 1978, Pol Pot sử dụng 5 sư đoàn chủ lực cùng 5 trung đoàn địa phương, có pháo binh yểm trợ, luân phiên đánh vào sâu lãnh thổ Việt Nam.
 
Đặc biệt, tại xã Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), cách đường biên giới Việt Nam- Campuchia 7km, ngày 18/4/1977, quân Pol Pot đã dồn người dân vào chùa sau đó bắn, giết tập thể bằng những hành động vô cùng dã man, giết hại 3.157 người, phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em, trong đó có hơn 100 gia đình bị giết cả nhà.
 
Tính từ tháng 5/1975-7/1978, quân Pol Pot đã giết hại hơn 5.000 dân thường Việt Nam, làm bị thương gần 5.000 người, bắt và đưa đi hơn 20.000 người; hàng trăm trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, nhà thờ, chùa chiền bị đốt phá, trâu, bò bị cướp, giết, hoa màu bị phá hoại; hàng vạn hecta ruộng đất và đồn điền cao su ở vùng biên giới Tây Nam Việt Nam bị bỏ hoang; khoảng gần 500 ngàn người dân Việt Nam định cư lâu đời vùng biên giới với Campuchia phải bỏ nhà, bỏ đất, bỏ ruộng chạy sâu vào nội địa lánh nạn.
40 năm sau khi Quân tình nguyện Việt Nam cùng quân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, ngày 16/11/2018, Tòa án Đặc biệt quốc tế xét xử tội ác chế độ này ở Campuchia. Theo đó, Nuon Chea (92 tuổi) và Khieu Samphan (87 tuổi) phải nhận bản án chung thân vì những tội ác mà chúng gây ra đối với Nhân dân Việt Nam và Nhân dân Campuchia trong giai đoạn 1975-1979. Đây không chỉ là phán quyết gần như cuối cùng về tội ác chống lại loài người của chính quyền Pol Pot mà còn khẳng định cuộc chiến vì chính nghĩa của Việt Nam trên lãnh thổ Campuchia.

Thực hiện quyền tự vệ chính đáng

Trước hành động gây chiến tranh xâm lược của tập đoàn Pol Pot, ngày 23/5/1977, Quân ủy Trung ương ra chỉ thị cho các quân khu và các tỉnh ở phía Nam thực hiện quyền tự vệ chính đáng, kiên quyết chiến đấu ngăn chặn và đẩy lùi, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xâm lược, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. 
 
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Quân khu 9 mở chiến dịch phản công từ ngày 5-25/4/1978, đánh bật quân Pol Pot về bên kia biên giới, khôi phục lại các địa bàn bị địch lấn chiếm. Trên hướng Quân khu 7, từ ngày 6-9/4/1978, ta phản công đẩy địch ra khỏi khu vực Lộc Hòa và QL13B, sau đó phát triển chiến đấu đánh chiếm các điểm cao: 82, 102, 100, 94, 95, 107, 117. 
 
Căn cứ vào tình hình ta và địch, ngày 26/5/1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp quyết định kiên quyết phản công và tiến công địch một cách chủ động, liên tục bằng mọi lực lượng, giao nhiệm vụ cho các tỉnh huy động sức người, của cải, phương tiên vận tải phục vụ chiến tranh. 
 
Tiếp đó, đầu tháng 12/1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua quyết tâm mở cuộc tổng phản công và tiến công chiến lược tiêu diệt quân Pol Pot trên toàn tuyến biên giới, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ các lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng và nhân dân Campuchia nổi dậy.
 
Ngày 24/12/1978, Quân đoàn 4 và một số đơn vị Quân khu 7 được lệnh phản công địch ở khu vực Bến Sỏi (Tây Ninh), mở đầu cuộc tổng phản công- tiến công trên toàn tuyến biên giới. Sau vài ngày chiến đấu, đến ngày 28/12/1978, ta mở đợt tiến công quyết định diệt và bắt toàn bộ quân địch.
 
Trong khi đó, các lực lượng vũ trang Quân khu 9 với Sư đoàn 330 chủ công, phản công địch ở các khu vực gò Rượi, gò Viết Thuộc, gò Châu Giang, Đứt Gò Suông, đuổi địch chạy về bên kia biên giới; đồng thời, đẩy mạnh phản công, khôi phục toàn bộ các khu vực Rộc Xây, bắc Hà Tiên.
 
Trên hướng Gia Lai, Kom Tum, từ ngày 28-30/12/1978, Quân khu 5 phối hợp với Quân đoàn 3 và Quân đoàn 4 cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đánh địch lấn chiếm, thu hồi đất đai, gấp rút chuẩn bị chuyển sang truy kích địch theo yêu cầu của bạn.
 
Ngày 31/12/1978, Quân đoàn 2 và Quân khu 9 nổ súng đánh địch ở khu vực kênh Vĩnh Tế, giải phóng hoàn toàn phần đất cuối cùng của Tổ quốc bị địch lấn chiếm. Tiếp theo sau đó, nhận lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia, được sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức các cánh quân phối hợp với LLVT cách mạng Campuchia mở cuộc tiến công giải phóng Thủ đô Phnom Penh.
 
5 ngày sau, ngày 7/1/1979, Thủ đô Phnom Penh hoàn toàn giải phóng. Quân tình nguyện Việt Nam cùng các LLVT Campuchia tiếp tục tiến công giải phóng các tỉnh còn lại, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
 
Ý nghĩa
 
Thắng lợi của cuộc chiến tranh phản kích bảo vệ biên giới Tây Nam đánh dấu bước chuyển hóa kịp thời, linh hoạt về nghệ thuật tác chiến của quân đội ta.
 
Từ chỗ bị động ban đầu về đối tượng tác chiến, về xây dựng thế trận và bố trí lực lượng phòng thủ biên giới, ta đã kịp thời rút kinh nghiệm, chủ động, linh hoạt, nhanh chóng chuyển hóa từ tác chiến phòng thủ là chủ yếu, từng bước chuyển sang tác chiến phản công, tiến tới tổng phản công và tiến công chiến lược tiêu diệt lớn quân địch giành thắng lợi.
 
Thắng lợi của cuộc phản công bảo vệ biên giới Tây Nam còn có ý nghĩa là ta chủ động thực hiện quyền tự vệ chính đáng, chúng ta đã đánh trả, đẩy quân xâm lược ra khỏi bờ cõi giang sơn. Là thắng lợi của tinh thần quốc tế cao cả của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, của truyền thống dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc ta. 
 
Ngày 7/1 năm nay, tròn 45 năm cuộc chiến qua đi chúng ta có 45 năm sống trong hòa bình, tự do, độc lập và hạnh phúc chúng ta trân quý biết ơn và dành tình cảm đặc biệt để tri ân những người đã ngã xuống, những người đã để lại một phần thân thể, tuổi trẻ trong cuộc chiến chống chế độ diệt chủng của chính quyền Pol Pot.
 
Đó cũng thời khắc để người dân hai nước nhận ra giá trị lớn lao của hòa bình cũng như mối quan hệ hữu nghị, hợp tác trên tinh thần tôn trọng độc lập, tự chủ, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nhau giữa Việt Nam và Campuchia. 
Thảm họa diệt chủng ở Campuchia từ 1975 đến đầu năm 1979 là hiện tượng chưa từng có trong khu vực Đông Nam Á thời hiện đại. So sánh trước và sau đó cho thấy: Thảm họa diệt chủng Holocaust của Đức Quốc xã trong 4 năm (1941-1945) giết hại khoảng 5 triệu người Do Thái trên tổng số hơn 7 triệu người (chiếm 60-75% dân cư Do Thái ở châu Âu); thảm họa diệt chủng của chính quyền Pol Pot chỉ cầm quyền 3 năm 8 tháng 20 ngày (1975-1979), giết hại hơn 2 triệu người dân Campuchia (tương đương 25% dân số đất nước).
HOÀNG KHẢI
(Theo tài liệu LS quân sự)
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh