Cảnh báo sớm và biện pháp thích ứng xâm nhập mặn

07:12, 29/12/2023

Để giúp người dân nắm bắt tình hình XNM trong thời gian tới, phóng viên Báo Vĩnh Long phỏng vấn ông Trương Hoàng Giang- Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, về dự báo thời tiết, tình hình hạn, mặn trong năm 2024, qua đó, thông tin để người dân chủ động trong sinh hoạt, sản xuất.

 

Theo các dự báo của ngành chức năng, nguồn nước về ĐBSCL mùa khô 2023-2024 thuộc nhóm năm ít nước, xâm nhập mặn (XNM) đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm.

Để giúp người dân nắm bắt tình hình XNM trong thời gian tới, phóng viên Báo Vĩnh Long phỏng vấn ông Trương Hoàng Giang- Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, về dự báo thời tiết, tình hình hạn, mặn trong năm 2024, qua đó, thông tin để người dân chủ động trong sinh hoạt, sản xuất.

* Xin cho biết tình hình nguồn nước và dòng chảy những tháng mùa khô năm 2024 như thế nào, thưa ông?

- Trong 3 tháng tới, mực nước tại các trạm vùng đầu nguồn sông Cửu Long, vùng nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên có xu thế xuống nhanh và ở mức thấp hơn báo động I.

Vùng hạ lưu các sông miền Tây Nam Bộ, mực nước tại hầu hết các trạm có thể vẫn còn duy trì ở mức cao do ảnh hưởng bởi gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh kết hợp với triều cường. Mực nước cao nhất trong 3 tháng tới tại hầu hết các trạm sẽ xuất hiện vào tháng 2. Tại trạm Cần Thơ và Mỹ Thuận đỉnh triều cao nhất có khả năng dao động ở mức xấp xỉ hoặc trên báo động II khoảng 0,05m.

Mực nước các trạm trên dòng chính sông Mekong xuống chậm trong các tháng 1-3/2024. Tổng lượng dòng chảy qua Kratie trong 3 tháng tới ở mức nhỏ hơn trung bình nhiều năm từ 12-15%, nhỏ hơn cùng kỳ năm 2023 khoảng 28%; lượng nước qua Cần Thơ và Mỹ Thuận nhỏ hơn trung bình nhiều năm 11-17%.

* Tại tỉnh Vĩnh Long, dự báo tình hình hạn mặn diễn ra như thế nào, thưa ông?

- Trong khoảng thời gian từ ngày 24/12 đến nay trên sông Cổ Chiên đã xuất hiện XNM với nồng độ mặn lớn nhất hơn 1‰ xâm nhập đến địa bàn xã Trung Thành Đông (Vũng Liêm) và đã được Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh đưa ra bản tin cảnh báo, cơ bản là không bị động, bất ngờ, trên sông Hậu địa bàn Vĩnh Long chưa xuất hiện XNM.

Dự báo đỉnh mặn sẽ rơi vào tháng 2, 3/2024 với nồng độ cao nhất đạt khoảng 7- 8‰, ranh giới mặn 1‰ trên sông Cổ Chiên có thể đến địa bàn xã An Phước (Mang Thít), trên sông Hậu khả năng đến TT Trà Ôn (Trà Ôn).

* So với năm trước, dự báo diễn biến tình hình XNM năm nay như thế nào, thưa ông?

- Qua theo dõi tình hình các hồ chứa, các đập thủy điện trên thượng nguồn thì về cơ bản mực nước vẫn còn cao hơn nhiều so với các năm xảy ra hạn mặn gay gắt như 2015-2016 và 2019-2020.

Đây là lượng nước điều tiết ngăn nước biển xâm nhập vào sâu trong đất liền, điều này dự báo tình hình XNM năm nay không quá gay gắt, ngoài ra chúng ta dần phải chấp nhập một mức trung bình mới lớn hơn và duy trì thường xuyên.

* Theo ông, những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn hán, XNM hiện nay là gì?

- Tình trạng hạn hán XNM hiện nay có nhiều nguyên nhân gây ra. Một phần do biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ nhanh trên toàn cầu làm cho nước biển dâng; tốc độ đô thị hóa, nạn phá rừng, gia tăng dân số và quá trình phát triển kinh tế- xã hội cần nhiều nguồn nước để sử dụng làm cho lượng nước ngọt trong tự nhiên bị suy giảm cũng như các công trình nhân tạo làm mất khả năng điều tiết tự nhiên làm cho mặn xâm nhập sâu vào những vùng trước đây chưa bị mặn, xu hướng này sẽ ngày càng gia tăng qua các năm sau này.

* Thời gian tới, ông có khuyến nghị gì đến ngành chức năng để chủ động ứng phó hạn mặn? Ông có khuyến cáo gì với người dân trong sản xuất, sinh hoạt?

- Với địa bàn Vĩnh Long, khả năng XNM ngày càng tăng, liên tục qua các năm là điều không tránh khỏi, các ngành chức năng, các nhà khoa học, người dân đã ngồi với nhau trao đổi thảo luận và đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kịch bản ứng phó với tình trạng hạn hán XNM.

Ngoài việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai thì các ngành chức năng cần nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với tình hình mới; biện pháp công trình như xây dựng vùng trữ nước ngọt, xây cống ngăn triều, mặn là biện pháp cấp thiết, việc này đòi hỏi thời gian và nguồn vốn rất lớn.

* Xin cảm ơn ông!

THẢO LY (thực hiện)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh