Mùa nước mặn lên...

07:12, 12/12/2023

Từ tháng 11/2023, lũ đầu nguồn ĐBSCL rút nhanh, lượng mưa trong vùng giảm hẳn… Mùa khô đã đến với đồng bằng, nhưng ở các khu vực ven biển, ven sông Tiền, sông Hậu (trong đó có tỉnh Vĩnh Long) mực nước còn cao do ảnh hưởng của các đợt triều cường cuối năm, cùng với đó là mùa nước mặn lên mà người dân trong vùng gọi bằng cái tên không mấy thân thiện: "mùa xâm nhập mặn (XNM)".

 

Ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL vào mùa khô 2015-2016 và 2019-2020.  Nguồn: Viện KHTLMN
Ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL vào mùa khô 2015-2016 và 2019-2020. Nguồn: Viện KHTLMN

Từ tháng 11/2023, lũ đầu nguồn ĐBSCL rút nhanh, lượng mưa trong vùng giảm hẳn… Mùa khô đã đến với đồng bằng, nhưng ở các khu vực ven biển, ven sông Tiền, sông Hậu (trong đó có tỉnh Vĩnh Long) mực nước còn cao do ảnh hưởng của các đợt triều cường cuối năm, cùng với đó là mùa nước mặn lên mà người dân trong vùng gọi bằng cái tên không mấy thân thiện: “mùa xâm nhập mặn (XNM)”.

Nước mặn lên, dân vùng nước ngọt lo lắng

XNM ở ĐBSCL là kết quả của quá trình tương tác dòng chảy giữa biển với sông, nước mặn theo thủy triều kết hợp gió chướng tiến sâu vào trong sông khi dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về không đủ mạnh.

Hiện tượng này diễn ra ở mọi thời điểm tại các vùng ven biển, đặc biệt là vào mùa kiệt từ tháng 12 đến tháng 5 của năm sau, thông qua các cửa sông, như: sông Tiền (cửa Tiểu, cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu), sông Hậu (cửa Định An, Trần Đề), sông Mỹ Thanh, sông Gành Hào, sông Đốc, sông Cái Lớn-Cái Bé và hàng loạt các kinh, rạch trong nội vùng thông ra biển.

Do phụ thuộc vào dòng chảy thượng nguồn, thủy triều và việc sử dụng nước nên thời gian xuất hiện, phạm vi ảnh hưởng mặn không tuân theo quy luật nhất định. Có năm mặn xâm nhập sâu vào nội đồng với độ mặn cao, có năm mặn thấp hơn.

Mùa nước mặn lên, ở vùng ven biển, người dân khai thác lợi thế nước mặn để nuôi trồng thủy sản nước mặn, làm muối đem lại nguồn thu đáng kể, nhưng đối với vùng nước ngọt như tỉnh Vĩnh Long, trong những năm gần đây, mùa khô là mùa lo toan của người dân và chính quyền vì XNM.

Khi đó, dân cù lao, dân ở ven sông Cổ Chiên, sông Hậu, sông Tiền vất vả nhất: lo thu hoạch trái cây, rau màu “chạy mặn”, lo trữ nước đề phòng thiếu nước ngọt và lo dịch bệnh trên người, đàn vật nuôi.

Người dân lo nước mặn vào ruộng, vườn, đất đai bị nhiễm mặn, không thể trồng trọt được, dẫn đến mất mùa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế; lo không đủ nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt hay lỡ sử dụng nước nhiễm mặn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, mắc nhiều thứ bệnh tật.

Còn nhớ vào đầu năm 2016, dân mình lo ăn Tết Nguyên đán Bính Thân không biết nước mặn lên, lấy nước mặn vào mương, vũng, kinh, rạch, bơm lên tưới làm cây ăn trái rụng lá, hoa, trái non, lúa trỗ không nổi hoặc bị lép hạt... bị thiệt hại lớn.

Theo ngành y tế ở các xã vùng bị nhiễm mặn, những năm có xâm nhập mặn lên cao, kéo dài thì số ca bệnh đường tiêu hóa tăng hơn những ngày thường. Bởi, độ mặn lên cao, duy trì lâu buộc phải đóng cống dài ngày làm nguồn nước sông, rạch bên trong cống bị ô nhiễm, dễ gây phát sinh bệnh, dịch bệnh trên người…

Những năm mặn lên cao, kéo dài, thiếu nước ngọt, sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBSCL bị thiệt hại lớn. Từ sau năm 1975 đến nay, đồng bằng này đã chịu 4 đợt XNM lớn: mùa khô các năm 1997-1998, 2004-2005, 2015-2016 và 2019-2020, trong đó, nổi bật là vào mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nguồn nước sinh hoạt.

Riêng ở Vĩnh Long, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp- thủy sản do hạn, mặn trong mùa khô năm 2015-2016 là hơn 293 tỷ đồng, mùa khô năm 2019-2020 là hơn 395 tỷ đồng.

Xâm nhập mặn càng diễn biến khó lường

Trong những năm gần đây, do tác động của việc gia tăng xây dựng, vận hành điều tiết các hồ chứa phía thượng lưu đã làm chế độ dòng chảy về đồng bằng biến đổi khác nhiều so với quá khứ, vì vậy XNM càng diễn biến khó lường. Việc sản xuất nông nghiệp theo kinh nghiệm như trước đây tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiệt hại.

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, ở giai đoạn hiện tại (sau năm 2013 đến nay), XNM có xu thế ảnh hưởng đến nguồn nước sớm hơn trước đây từ 1-1,5 tháng so với giai đoạn quá khứ (từ năm 2004-2012), tức mặn bắt đầu giữa tháng 12 đến tháng 1 so với trước đây là vào tháng 2 và đỉnh mặn xuất hiện vào tháng 2, tháng 3 (so với giai đoạn quá khứ là vào tháng 4 đến đầu tháng 5).

Ở những năm dòng chảy thượng nguồn về thấp, cộng thêm tác động của hiện tượng El Nino (pha nóng) thì mặn xuất hiện sớm hơn (từ giữa tháng 12 năm trước) và xâm nhập sâu vào đất liền.

Có thể thấy, XNM mùa khô năm 2019-2020 có tất cả các chỉ số đã vượt qua đợt XNM mùa khô năm 2015-2016: xuất hiện sớm hơn khoảng 1 tháng, tổng thời gian hạn mặn dài gấp đôi; mức độ xâm nhập sâu hơn, ranh mặn 4‰ lớn nhất ở hầu hết các cửa sông vượt qua mức cao nhất của năm 2016 từ 3-9km.

Trong tương lai, với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có thể làm diễn biến mặn ở ĐBSCL thay đổi đột ngột, khó lường trước. Theo tính toán, nếu như nhiệt độ nước biển ở nước ta tăng 30C, mực nước biển vùng ĐBSCL tăng từ 55-75cm, sẽ khiến cho 45% diện tích vùng ĐBSCL bị nhiễm mặn vào năm 2030.

Tuy nhiên, theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, trong vòng 10 năm trở lại đây, tác động của phát triển và điều tiết của thủy điện trên lưu vực sông Mekong đã và đang làm thay đổi rất lớn đến nguồn nước mùa kiệt ở ĐBSCL, phát sinh thêm yếu tố có lợi vì xu thế nguồn nước gia tăng về đồng bằng trong các tháng giữa- cuối mùa khô, điều này dẫn đến XNM ở vùng ven biển ĐBSCL giảm đi đáng kể.

Cụ thể, dòng chảy mùa khô tại Kratie (Campuchia) ở giai đoạn hiện nay (từ năm 2013-2019) so với quá khứ (1960-1990) gia tăng từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau là từ 22-44,8% tùy theo năm rất ít nước hay năm nhiều nước.

Gần đây nhất, vào tháng 5/2022, tổng lượng dòng chảy qua Stung Treng (Campuchia) lên tới 22,8 tỷ m3, được xem là cao thứ 2 trong 112 năm và lớn hơn nhiều so với bình quân trước đây là 9,4 tỷ m3.

Tại Vĩnh Long, theo số liệu quan trắc của ngành chức năng của tỉnh, độ mặn cao nhất năm từ năm 2021 đến nay tại các điểm đo đều nhỏ hơn nhiều so với năm 2016, 2020 (2 năm mặn cao kỷ lục), XNM không sâu, không duy trì lâu và thiệt hại do XNM không lớn, có năm không có.

Cũng theo tính toán của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, dòng chảy mùa khô tại trạm Kratie (Campuchia) trong giai đoạn từ nay đến năm 2040 có thể sẽ tăng khoảng 20-25% so với thời kỳ năm 2013-2019, dẫn đến khả năng XNM ở vùng ven biển ĐBSCL giảm từ 3-4km (tương đương chiều sâu XNM giảm 7-9%). Nhưng trong tương lai xa (khoảng sau năm 2060), dự báo: chiều sâu XNM tăng trở lại do sử dụng nước thượng lưu tiếp tục tăng và tác động của biến đổi khí hậu…

Tuy nhiên, xu thế XNM theo dự báo vừa nêu có thể bị phá vỡ nếu dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong giảm bất thường, cùng với tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino gây hạn hán nghiêm trọng.

Đó là thực trạng nguồn nước, XNM đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai, trong đó có nhiều yếu tố tiêu cực- tích cực, khó khăn- thuận lợi đan xen. Vì vậy, người dân, chính quyền, các tổ chức ở đồng bằng cần chủ động xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông nghiệp, kinh tế- xã hội phù hợp, để đảm bảo phát triển ổn định và bền vững cho hiện nay và những năm tới.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh