Sáng 24/12, tại nút giao QL80 với điểm đầu tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ- đầu cầu Mỹ Thuận 2 (bờ Vĩnh Long) và đầu cầu Mỹ Thuận 2 (bờ Tiền Giang) diễn ra lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ cùng lúc với khánh thành Sân bay Điện Biên, tỉnh Điện Biên và đường cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ.
|
Các dự án giao thông trục lớn sẽ tạo ra nhiều thuận lợi về vận tải, điều kiện tạo ra động lực thu hút nguồn vốn đầu tư, tạo nên cú huých mạnh mẽ cho kinh tế- xã hội toàn vùng ĐBSCL phát triển. Ảnh: TẤN TÂN |
Sáng 24/12, tại nút giao QL80 với điểm đầu tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ- đầu cầu Mỹ Thuận 2 (bờ Vĩnh Long) và đầu cầu Mỹ Thuận 2 (bờ Tiền Giang) diễn ra lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ cùng lúc với khánh thành Sân bay Điện Biên, tỉnh Điện Biên và đường cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ.
Trong 3 năm 2021-2023, nhiều công trình giao thông trọng điểm tại ĐBSCL được triển khai xây dựng hoặc khởi công mới. Trong khi đó, nhiều dự án giao thông quy mô lớn dự kiến tiếp tục khởi công trong năm 2024 hoặc 2025. Có thể nói chưa bao giờ ĐBSCL được quan tâm đầu tư nhiều dự án giao thông lớn như giai đoạn 2021-2025 này.
Có thể nói, khi các dự án giao thông lớn mới triển khai thực hiện đúng tiến độ đề ra, chắc chắn đến năm 2027 các trục giao thông cơ bản dọc- ngang, các cầu bắc qua các con sông lớn, các tuyến đường cao tốc theo quy hoạch của vùng sẽ khép kín, đồng nghĩa với việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi, nhanh chóng, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, thu hút đầu tư cho các địa phương trong vùng.
Từ đó, một khi giao thông bộ, thủy thuận tiện, thông suốt sẽ làm bật dậy vùng đất chín rồng nhiều tiềm năng.
Vị trí của ĐBSCL
ĐBSCL (còn gọi là Tây Nam Bộ) thuộc vùng cực Nam của đất nước, giàu tài nguyên gồm 13 tỉnh, thành phố. Tổng diện tích khoảng 40.577,6km² trong đó có 1,5 triệu hecta đất trồng lúa, gần 1 triệu hecta đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây ăn trái; có dân số gần 18 triệu người, chiếm 17,9% dân số cả nước.
Chỉ riêng cây lúa đã chiếm 54% diện tích và 58% sản lượng lúa cả nước; xuất khẩu gạo từ toàn vùng chiếm tới 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 70% các loại trái cây của cả nước.
ĐBSCL còn được xem là “vựa” thủy sản của cả nước, với tổng diện tích nuôi trồng gần 700.000ha và sản lượng chiếm trên 70% cả nước. Hai nhóm đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của vùng là cá tra và tôm nước lợ (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) với sản lượng chiếm lần lượt là 100% và 70% của cả nước.
Tuy nhiên, do hạn chế về hạ tầng giao thông vận tải nên hàng chục năm nay ĐBSCL bị nhiều điểm nghẽn về giao thông làm tăng thời gian, tăng chi phí vận tải nên chậm phát triển. Về hàng hóa, từ các tỉnh đưa xuất khẩu phải vận chuyển lên các cảng TP Hồ Chí Minh, chỉ riêng thời gian phải mất từ 6-8 giờ qua đường QL1 độc đạo, thường xuyên tắc nghẽn vì quá tải, chi phí vận tải trên tấn hàng tăng thêm.
Về đời sống người dân, về thu nhập bình quân hiện vẫn còn thấp hơn cả nước với mức 60 triệu đồng/người/năm (thu nhập bình quân cả nước là 74 triệu đồng/người/năm).
|
Quy hoạch hệ thống đường cao tốc ĐBSCL và kết nối với các tuyến cao tốc quốc gia. Ảnh: Internet |
Hiện trạng giao thông đường bộ
Giao thông ĐBSCL hiện có đường bộ, đường sông, đường biển, đường hàng không (chưa có đường tàu hỏa). Về đường bộ, hiện nay mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL có tổng chiều dài khoảng 44.352km.
Trong đó, đường cao tốc quốc lộ dài 2.173km, đường tỉnh dài 3.450km, đường đô thị dài 2.211km và đường nông thôn dài khoảng 36.518km.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ GT-VT và chính quyền các tỉnh, thành phố trong vùng, năm 2023 khánh thành và đồng loạt khởi công các công trình hạ tầng trọng điểm.
Về đường, trong năm 2023 hoàn thành đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ dài gần 23km có điểm đầu nối với cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận; khởi công 2 dự án cao tốc mới là cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn Cần Thơ- Hậu Giang- Cà Mau dài khoảng 150km và cao tốc trục ngang Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng dài khoảng 200km.
Theo Bộ GT-VT, 2 tuyến cao tốc này sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026. Song song đó, Bộ GT-VT cũng chuẩn bị triển khai nâng cấp QL60 bắt đầu từ TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, đi qua hai tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và kết thúc tại TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng với chiều dài khoảng 115km.
Về cầu qua sông lớn, cuối năm 2023 khánh thành đưa vào sử dụng cầu Mỹ Thuận 2 thuộc dự án thành phần đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ. Đang thi công cầu Rạch Miễu 2 trên sông Tiền nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre và khởi công cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu Giang trên tuyến QL60 (Tiền Giang- Trà Vinh- Sóc Trăng). Dự án cầu Châu Đốc bắc qua sông Hậu Giang thi công giai đoạn hợp long nhịp chính và dự kiến hoàn thành thông xe trong quý II/2024.
Theo Bộ GT-VT, hệ thống đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL được quy hoạch đến năm 2050 có 1.188km, phân bổ đồng đều trên toàn vùng với 3 trục dọc và 3 trục ngang, quy mô 4-6 làn xe.
Đến nay, có 194km đường cao tốc ở ĐBSCL đã hoàn thành giai đoạn 1 (4 làn xe), gồm đoạn: Bến Lức- Trung Lương (40km); Trung Lương- Mỹ Thuận (51km); Cao Lãnh- Lộ Tẻ (29km); Lộ Tẻ- Rạch Sỏi (51km); Mỹ Thuận- Cần Thơ (gần 23km). Còn 8 dự án đang thi công và hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai, dự kiến cơ bản hoàn thành trong năm 2025, đưa vào khai thác toàn bộ các dự án trong năm 2026 với tổng chiều dài 463km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỷ đồng.
|
Sáng 24/12, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ được khánh thành. Ảnh: TẤN TÂN |
Như vậy, đến năm 2026, toàn vùng ĐBSCL sẽ có 554km đường cao tốc hoạt động, các tuyến còn lại sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2026-2030.
Quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước và các tỉnh, thành phố
Trong buổi làm việc cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố ĐBSCL tại tỉnh An Giang chiều 30/1/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GT-VT, các địa phương hoàn thành thủ tục, khởi công đồng loạt các dự án chưa triển khai để đến 2026 ĐBSCL phải có 544km cao tốc.
“Quyết tâm trong nhiệm kỳ này phải làm thay đổi hệ thống giao thông tại khu vực, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng biển, đường thủy nội địa...”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
|
Việc phát triển hạ tầng giao thông ở miền Tây, trong đó có các tuyến cao tốc sẽ giúp vận chuyển hàng hóa, con người, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, giúp nông dân thoát nghèo và làm giàu.Ảnh: TẤN TÂN |
Theo Thủ tướng, việc phát triển hạ tầng giao thông ở miền Tây, trong đó có các tuyến cao tốc sẽ giúp vận chuyển hàng hóa, con người, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, giúp nông dân thoát nghèo và làm giàu. Việc hoàn thiện hạ tầng cũng mở ra không gian phát triển mới, hình thành các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ; tạo việc làm để người dân được học tập, làm việc theo tinh thần “ly nông bất ly hương”.
“Không thể chần chừ, không do dự mà phải làm bằng được, đạt kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được, làm càng sớm càng có lợi cho người dân miền Tây”- Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận.
Thời khắc tiễn năm 2023 đón năm 2024 đã cận kề, với những công trình giao thông lớn đã xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng chỉ riêng ĐBSCL thôi đã nhanh bằng hàng chục năm trước cộng lại. Từ đó, có thể nói việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đến thời điểm này tạo ra một dấu ấn, một thành tựu to lớn.
Qua đó chúng ta có quyền tin tưởng, có quyền hy vọng rằng, qua các tuyến đường cao tốc, qua các dự án giao thông trục lớn sẽ tạo ra nhiều thuận lợi về vận tải cho cả vùng. Đó cũng là tiền đề, điều kiện tạo ra động lực thu hút nguồn vốn đầu tư, tạo nên cú huých mạnh mẽ cho kinh tế- xã hội toàn vùng ĐBSCL phát triển trong tương lai gần.
HOÀNG KHẢI