Chủ động ứng phó với tác động của El Nino

07:12, 13/12/2023

Hiện tượng El Nino (pha nóng) đã ảnh hưởng đến nước ta từ cuối tháng 5, đầu tháng 6/2023, đang duy trì ở mức cao đến hết quý I/2024 với xác suất 90-100% và được dự báo có thể kéo dài sang đầu năm 2025. Như vậy theo chu kỳ, El Nino lại quay trở lại sau El Nino năm 2019-2020.

 

 Đầu tư xây dựng, tu sửa các công trình thủy lợi kịp thời đưa vào ứng phó với hạn, mặn do tác động của hiện tượng El Nino.
Đầu tư xây dựng, tu sửa các công trình thủy lợi kịp thời đưa vào ứng phó với hạn, mặn do tác động của hiện tượng El Nino.

Hiện tượng El Nino (pha nóng) đã ảnh hưởng đến nước ta từ cuối tháng 5, đầu tháng 6/2023, đang duy trì ở mức cao đến hết quý I/2024 với xác suất 90-100% và được dự báo có thể kéo dài sang đầu năm 2025. Như vậy theo chu kỳ, El Nino lại quay trở lại sau El Nino năm 2019-2020.

Với ảnh hưởng của hiện tượng này khiến cho thời tiết khu vực cả nước nói chung, Nam Bộ nói riêng (trong đó có Vĩnh Long) sẽ diễn biến dị thường, nhất là nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt…

El Nino gây hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng

El Nino là từ được dùng để chỉ hiện tượng nhiệt độ nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5OC trở lên, thường kéo dài 8-12 tháng, với tần suất lặp lại khoảng 3-4 năm 1 lần.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sự xuất hiện của El Nino có thể ảnh hưởng tới điều kiện thời tiết, khí hậu ở nước ta. Thống kê trung bình mỗi năm có 5-7 xoáy thuận nhiệt đới bao gồm bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta, trung bình mỗi tháng có 0,58 cơn.

Trong những năm El Nino, trung bình mỗi tháng có 0,42 cơn, ít hơn TBNN khoảng 28%. Ngoài ra, trong điều kiện El Nino, xoáy thuận nhiệt đới thường tập trung vào giữa mùa bão (tháng 7, 8, 9).

Lượng mưa, trong điều kiện El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa trong hầu hết các vùng trong cả nước, phổ biến từ 25-50% (rõ rệt nhất là Bắc Trung Bộ). Đáng chú ý là, một số đợt El Nino đã cho những kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ và số tháng liên tục hụt mưa ở một số nơi, cho thấy El Nino làm tăng tính biến động của mưa ở Việt Nam.

Tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có nguy cơ xảy ra cục bộ trong thời gian mùa khô năm 2023 tại một số tỉnh ở khu vực Trung Bộ và nguy cơ xảy ra ở cấp độ cao (cấp độ 3-4) trên phạm vi rộng, kéo dài ở một số vùng trên cả nước, đặc biệt tại các khu vực Tây Nguyên, ĐBSCL, Trung Bộ và Đông Nam Bộ từ mùa khô năm 2024-2025.

Đối với tỉnh Vĩnh Long, 2 kỳ El Nino xuất hiện gần đây nhất là El Nino năm 2014-2016 và El Nino 2019-2020 gây hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra trên diện rộng, hoạt động sản xuất nông nghiệp, dân sinh bị ảnh hưởng nặng nề; thiệt hại về sản xuất nông nghiệp- thủy sản do hạn, mặn trong mùa khô năm 2015-2016 là hơn 293 tỷ đồng, trong mùa khô năm 2019-2020 là hơn 395 tỷ đồng.

Chủ động ứng phó

Đánh giá tác động của El Nino sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống của Nhân dân, Trung ương đã ban hành sớm những văn bản chỉ đạo.

Ngày 13/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện số 397/CĐ-TTg yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, không để thiếu nước cho sinh hoạt, thủy điện và ảnh hưởng tới sản xuất, nhất là đối với các lĩnh vực
trọng yếu.

Ngày 19/5/2023, Bộ Nông nghiệp-PTNT ban hành Công văn số 3222/BNN-TL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của hiện tượng El Nino; xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tổng thể cho giai đoạn từ năm 2023-2025...

Đồng thời ưu tiên bố trí và huy động các nguồn lực để thực hiện các giải pháp phòng, chống, ứng phó các tác động do hiện tượng này gây ra.

Đối với vùng ĐBSCL, Bộ Nông nghiệp-PTNT yêu cầu thực hiện thời vụ gieo trồng hợp lý để tạo điều kiện đẩy sớm thời điểm xuống giống lúa vụ Đông Xuân ở các tỉnh ven biển phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm tránh thời điểm xâm nhập mặn lên cao trùng với thời kỳ sinh trưởng nhạy cảm của cây trồng; các diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn cần lùi thời vụ xuống giống đến khi nguồn nước bảo đảm đủ cung cấp.

Rà soát diện tích vườn cây ăn trái, vườn giống cây ăn trái có nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn để xây dựng giải pháp ứng phó phù hợp.

Thực hiện các giải pháp kiểm soát xâm nhập mặn vào nguồn nước thô cấp cho sinh hoạt, nâng cấp, mở rộng tuyến ống cấp nước, đấu nối hòa mạng các công trình còn dư công suất; xây dựng phương án điểm cấp nước sinh hoạt tập trung và hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp thu, trữ và xử lý nước
hộ gia đình...

Ở Vĩnh Long, ngày 16/6, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND và chỉ đạo Sở Nông nghiệp-PTNT xây dựng Kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn giai đoạn 2023-2025 do tác động của hiện tượng El Nino nhằm bảo vệ sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh.

Đây là hai công cụ quan trọng để từ đó đề ra các biện pháp phi công trình, công trình cụ thể và là cơ sở huy động các nguồn lực, vật tư, phương tiện để ứng phó, khắc phục hậu quả khi thiên tai xảy ra.

Ở gốc độ địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh, công tác theo dõi diễn biến El Nino, dự báo, cảnh báo các loại thiên tai, thông tin đầy đủ, kịp thời đến mọi người, mọi tổ chức cần được thực hiện thường xuyên; tổ chức kiểm kê, đánh giá nguồn nước, khả năng dự trữ, cấp nước của hệ thống công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt; xây dựng kế hoạch, phương án, kịch bản, đề ra các giải pháp công trình, phi công trình và chuẩn bị các nguồn lực (kinh phí, lực lượng, phương tiện, vật tư…) để phòng, chống, ứng phó, hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, hạn mặn do hiện tượng El Nino gây ra.

Đồng thời tổ chức hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ứng phó thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn.

Đối với các tổ chức, người dân cần chung tay cùng cấp ủy, chính quyền ứng phó với hiện tượng này; lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp; nạo vét kênh, mương nội đồng, ao, hồ... và chuẩn bị thiết bị, phương tiện chứa, trữ nước ngọt để sử dụng dài hạn.

Từ thực tế những năm qua cho thấy, nhờ làm tốt công tác dự báo, xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó sớm, nhất là tích trữ, cấp nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp đã góp phần giảm đáng kể thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra ở các năm sau so với thiệt hại trong mùa khô năm 2015-2016.

Bài, ảnh: HÀ THÀNH THẶNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh