Nước ngầm (hay nước dưới đất) có ý nghĩa quan trọng đối với những hộ sống xa nguồn nước mặt (sông, rạch), vùng khan hiếm nước vào mùa khô và ở xa các nhà máy cấp nước tập trung. Nguồn tài nguyên này ở Vĩnh Long có trữ lượng lớn nhưng lượng nước nhạt (nước ngọt) ít, cần quản lý chặt chẽ để khai thác, sử dụng bền vững.
Nước ngầm (hay nước dưới đất) có ý nghĩa quan trọng đối với những hộ sống xa nguồn nước mặt (sông, rạch), vùng khan hiếm nước vào mùa khô và ở xa các nhà máy cấp nước tập trung. Nguồn tài nguyên này ở Vĩnh Long có trữ lượng lớn nhưng lượng nước nhạt (nước ngọt) ít, cần quản lý chặt chẽ để khai thác, sử dụng bền vững.
Tiềm năng và khai thác nước ngầm
Theo dự án “Điều tra và quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trữ lượng khai thác tiềm năng nước ngầm toàn tỉnh là hơn 2,8 triệu m3/ngày.
Theo chiều sâu từ mặt đất trở xuống có 4/7 tầng chứa nước ngầm có chứa nước nhạt (nước chứa tổng khoáng hóa dưới 1g/l) có chất lượng đạt tiêu chuẩn ăn uống, sinh hoạt và sản xuất, đó là tầng Pleistocen trên (ở độ sâu từ 39,5-107m), Pleistocen giữa- trên (độ sâu từ 73-154,5m), Pliocen dưới (độ sâu từ 260-360m) và Miocen trên (độ sâu từ 309,5-423m).
Toàn tỉnh hiện có 20.576 giếng khai thác nước ngầm, tập trung nhiều nhất ở các huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm và TX Bình Minh. Trong đó, giếng đơn lẻ hộ gia đình chiếm đa số với 20.551 giếng, giếng khai thác tập trung công nghiệp là 25 giếng.
Tổng lưu lượng khai thác tất cả các giếng là 33.091 m3/ngày, trong đó lưu lượng nước nhạt là 25.254 m3/ngày, nước lợ- mặn là 7.837 m3/ngày. Phần lớn nước ngầm được khai thác phục vụ cho nông nghiệp với lưu lượng 21.539 m3/ngày (chiếm 65,09%), số ít phục vụ cho mục đích sinh hoạt là 5.840 m3/ngày (chiếm 17,65%) và mục đích sản xuất công nghiệp là 5.712 m3/ngày (chiếm 17,26%).
Tổng lưu lượng khai thác của tỉnh chỉ chiếm 1,18% so sánh với trữ lượng tiềm năng và chỉ chiếm 5,9% so với trữ lượng an toàn nước hay ngưỡng bền vững (20% trữ lượng tiềm năng).
Trong đó, hiện trạng khai thác nước nhạt chỉ chiếm 8,48% trữ lượng tiềm năng nước nhạt và chiếm 42,39% trữ lượng an toàn nước nhạt; hiện trạng khai thác nước lợ- mặn chỉ chiếm 0,31% trữ lượng tiềm năng nước mặn và chiếm 1,56% trữ lượng an toàn nước mặn.
Do vậy, trữ lượng nước ngầm của tỉnh còn dồi dào, tất cả các địa phương trong tỉnh đều thừa nước. Hơn nữa, ở Vĩnh Long hiện chưa phát hiện hiện tượng sụt lún đất do khai thác nước ngầm gây ra.
Phần lớn nguồn nước ngầm ở tỉnh ta có chất lượng khá tốt. Nước ngầm tầng nông hơi cứng, bị nhiễm mặn hoặc nhiễm phèn, nhiễm vi sinh và hàm lượng sắt trong nước khá cao. Chất lượng nước ngầm tầng sâu còn tốt và chưa bị ô nhiễm, nhưng thành phần nitrit, nitrat và coliform tương đối cao hơn các nguồn nước ngầm khác.
Chính thành phần nitrit, nitrat trong nước cao, nên thời gian qua, các giếng khoan nước ngầm tầng sâu khai thác nước cấp trực tiếp cho sinh hoạt không đáp ứng nhu cầu cho nấu ăn, uống của người dân mặc dù kiểm nghiệm chất lượng nước vẫn đạt tiêu chuẩn quốc gia.
Tuy nhiên, trữ lượng nước nhạt của tỉnh ở mức thấp, chỉ có 297.840 m3/ngày (chiếm 10,62% toàn bộ trữ lượng ngầm của tỉnh). Đây là một phần tài nguyên quý giá, đặc biệt đối với vùng khan hiếm nước ngầm nhạt như Vĩnh Long.
Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm trong tỉnh khai thác phục vụ cho các ngành công nghiệp có giá trị cao như sản xuất nước khoáng, nước giải khát… chưa nhiều. Hiện trong tỉnh có 4 nguồn trong tổng số 287 nguồn nước khoáng, nước nóng trong cả nước, tập trung ở TP Vĩnh Long, TX Bình Minh và huyện Long Hồ.
Các lỗ khoan có độ sâu cách mặt đất từ 330-478m, nhiệt độ nước khai thác trên 30OC trở lên, độ khoáng hóa từ thấp đến cao, nhưng hiện chỉ dùng cấp nước sinh hoạt, chưa được đầu tư nghiên cứu và quản lý đúng mức phục vụ cho y học, du lịch, nghiên cứu khoa học.
Cần quản lý tốt trong khai thác, sử dụng nước ngầm
Theo các chuyên gia của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Miền Nam, nước ngầm có chất lượng tốt là tài nguyên thiên nhiên quý cần giữ gìn và sử dụng hợp lý cho các nhu cầu sử dụng nước chất lượng cao hơn.
Ngoài ra, chúng còn có ưu điểm là giá thành khai thác thấp hơn và chất lượng tương đối đảm bảo so với việc khai thác nguồn nước mặt từ sông rạch cấp nước cho sinh hoạt nếu không xử lý đúng tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, nước ngầm cũng luôn tuần hoàn và tái tạo, nên cần có biện pháp khai thác hợp lý, tránh hạn chế tới mức lãng phí. Nguyên tắc khai thác nguồn nước phải đi đôi với bảo vệ. Việc quản lý khai thác, sử dụng cần quản lý thống nhất, tránh sự chồng chéo, phân tán riêng rẽ.
Trữ lượng cũng như không gian phân bố nguồn nước nhạt ở tỉnh ta là khá hạn chế, là nguồn hữu hạn và dễ bị tổn thương nếu khai thác, sử dụng không hợp lý. Nước ngầm là dạng khoáng sản đặc trưng so với những loại khác do tính chất di chuyển trong tự nhiên nên trữ lượng tiềm năng có tính “động” rất cao. Bên cạnh nguồn trữ lượng tĩnh, trữ lượng động là nguồn hình thành cần được quan tâm trong quản lý khai thác sử dụng.
Mặt khác, do các tầng nước có chất lượng khác nhau đôi khi nằm xen kẽ, nên nguy cơ suy giảm chất lượng nguồn nước là rất lớn.
Vì vậy, khai thác, sử dụng nước ngầm cũng cần phải đảm bảo các quy trình khoan, khai thác, không nên khoan thêm nhiều giếng mà nên phát triển các mô hình cấp nước tập trung, hoặc nối mạng để sử dụng tiết kiệm và dễ quản lý.
Kiên quyết lấp trám những giếng bị hư hỏng hoặc bị ô nhiễm không sử dụng được. Việc sử dụng nguồn nước ngầm tầng sâu để cấp nước sinh hoạt với quy mô cụm dân cư cho những vùng khó khăn về nước mặt là một giải pháp thích hợp đối với tỉnh.
Hiện nay, số lượng giếng khai thác nước ngầm trong tỉnh phần lớn khai thác tầng nông, nhưng do chất lượng đa số nước ngầm tại các giếng đều không tốt cho sinh hoạt, cấp nước cho cây trồng, nuôi thủy sản, đã gây ra những tác động nhất định đến nguồn tài nguyên nước ngầm. Vì vậy cần phải có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc khai thác nước ngầm tầng nông cũng như có cách xử lý các giếng không sử dụng để hạn chế nguy cơ nhiễm bẩn nguồn nước.
Bên cạnh, cần tiến hành nghiên cứu đánh giá sâu hơn về trữ lượng nước tầng sâu, đặc biệt quan tâm đến chỉ tiêu asen (thạch tín) và nước ngầm tại 4 nguồn nước khoáng- nước nóng nêu trên để phục vụ cho các ngành công nghiệp có giá trị cao như sản xuất nước khoáng, nước giải khát… và cho y học.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong điều kiện bình thường không có sự biến động lớn về tài nguyên nước mặt (như khô hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước nghiêm trọng) thì nhu cầu sử dụng nước ngầm cho các mục đích ở Vĩnh Long giảm so với sử dụng nước mặt.
Nhưng trước tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến xâm nhập mặn, khô hạn càng khó lường thì nước ngầm càng có ý nghĩa hơn trong những năm tới, cần phải quản lý khai thác và bảo vệ hợp lý để sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước quý giá này.
MỸ TRUNG